Là Phó Chủ tịch huyện Lộc Hà (tỉnh Hà Tĩnh), ông Lương vừa tham mưu với bộ phận tài chính hỗ trợ 330 triệu đồng cho 4 trường tiểu học thực hiện mô hình trường học mới VNEN. Vợ ông là cô giáo trường tiểu học Thạch Bằng, đang dạy học theo mô hình này.
Ông Lương từng là Trưởng phòng Giáo dục trước khi “lên” UBND, nên hai vợ chồng khá hiểu những thay đổi trong nhà trường. Lộc Hà là huyện mới tách ra từ hai huyện Can Lộc và Thạch Hà được 7 năm, nhưng từ thời nhà Nguyễn vốn đã là đơn vị hành chính độc lập (tổng Canh Hoạch, phủ Đức Thọ). Huyện có 45 di tích được xếp hạng (6 di tích quốc gia), với nhiều dòng họ nổi tiếng về con đường khoa bảng như Nguyễn Văn, Phan Huy.
Một tổ trưởng lớp 4A Trường tiểu học Thạch Bằng giới thiệu về công việc của mình trong lớp học. Ảnh: Hạ Anh |
Thạch Bằng là trường tiểu học đầu tiên của huyện triển khai mô hình VNEN từ năm học 2013 – 2014. VNEN là một cách tổ chức học tập mà ở đó, bàn ghế trong lớp kê theo từng nhóm 4-6 em quay mặt vào nhau, học sinh tự đọc tài liệu và tìm hiểu kiến thức thông qua sự hỗ trợ của giáo viên, đánh giá kết quả học tập của học sinh bằng nhận xét và chỉ cho điểm số cuối kỳ, cuối năm,v.v…
Cô Bùi Thị Thanh, giáo viên lớp 4, người đầu tiên của Thạch Bằng tiếp cận với cách dạy học này cho hay, ở các lớp cô từng dạy, HS có thêm sự chủ động trong giao tiếp, kết quả khảo sát đầu năm năm cho thấy học sinh yếu chỉ còn 1%.
“Có lẽ tôi thích dạy VNEN hơn”, cô giáo có thâm niên 19 năm đứng lớp chia sẻ. Dĩ nhiên, cô cũng nói đến những khó khăn như làm sao để tự làm đồ dùng học tập cho hấp dẫn, chuyển đổi cách dạy từ “nói nhiều, một chiều”, sang lắng nghe, quan sát và hướng dẫn học sinh tự học.
Điều mà cô Thanh cũng như một số giáo viên khác băn khoăn là một số nội dung trong tài liệu học tập chưa phù hợp, phần dành cho học sinh khá giỏi còn chưa nhiều, lượng hồ sơ sổ sách chiếm kha khá thời gian của giáo viên,v.v…
Làm thận trọng
Nằm sát nhau, trong khi Nghệ An thực hiện mô hình ‘trường học mới” từ kinh phí của dự án, Hà Tĩnh triển khai mô hình “trường học mới” chủ yếu bằng hình thức tự nhân rộng.
Nămhọc 2012 – 2013, Hà Tĩnh chỉ có trường tiểu học Cẩm Quang, huyện Cẩm Xuyên “theo” mô hình trường học mới ở 8 lớp của khối 2 và khối 3 từ kịnh phí dự án. Một năm sau đó, Sở GD-ĐT quyết định nhân rộng tới 12 trường tiểu học trong toàn tỉnh. Đến năm học này, cả tỉnh có 48 trường đang dạy học theo VNEN.
Các học sinh Trường tiểu học Cẩm Quang đang làm bài tập nhóm. Ảnh: Hạ Anh |
Ông Nguyễn Hồng Tư, Trưởng phòng Tiểu học của sở cho biết, các hình thức tổ chức dạy học theo mô hình mới phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý trẻ tiểu học, không có yêu cầu quá cao khi chuẩn bị, đa số tiết dạy được thiết kế đơn giản, rõ ràng.
Giọng trầm tĩnh, bà Nguyến Thị Hải Lý, Phó Giám đốc sở chia sẻ những băn khoăn mà mình quan sát trong quá trình đi thực tế:
“Đi dự một số giờ, có lúc tôi vẫnchưa hài lòng vì giáo viên còn làm thay học sinh, có nhiều công đoạn mang tính trình diễn”. Bên cạnh đó, hệ thống phòng học kiên cố xây dựng theo thiết kế cũnên đa số không đảm bảo diện tích để bố trí nội dung của tổ chức lớp học, giáoviên còn lúng túng với cách tổ chức lớp, cách đánh giá bằng nhận xét,v.v..
Trao đổi về điều này, ông Đặng Tự Ân, Bộ GD-ĐT cho biết, Hà Tĩnh đang có “những thứ trong tầm tay” đề áp cái mới vào thuận lợi như: sĩ số lớp học đảm bảo, không bịquá tải, tỷ lệ học 2 buổi/ngày cao, giáo viên chủ động được việc dồn tiết và bố trí thời gian dạy.
Trongtháng 8/2014, Hà Tĩnh đã tổ chức tập huấn cho lãnh đạo, chuyên viên phòng giáodục, hiệu trưởng, hiệu phó và toàn bộ giáo viên đứng các lớp 2, 3, 4 về cách tổ chức dạy học mới này. Học viên vừa nghiên cứu tài liệu chuyên môn, vừa tham quan cách tổ chức, bố trí lớp học và thảo luận về những tình huống phát sinh trong thực tế.
“Năng lực đội ngũ để thực hiện được yêu cầu là mấu chốt quan trọng nhất. Bởi vậy, nơi nào có điều kiện cơ sở vật chất tốt nhưng giáo viên chưa đáp ứng thì Hà Tĩnh cũng xem xét cẩn trọng” – bà Hải Lý cho biết.
- Hạ Anh