Tin

Hà Tĩnh: Dân thiếu nước sạch, các công trình cấp nước kém hiệu quả

Hiện nay, nhiều xã trong tỉnh Hà Tĩnh người dân phải sống trong tình trạng thiếu nước sạch thì lại có hàng chục công trình cấp nước sạch đã được đầu tư xây dựng nhưng chưa thực sự mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân, gây lãng phí ngân sách Nhà nước.

Nơi người dân “khát” nước sạch


Một trong những điểm người dân thiếu nước sạch là xã Thạch Tân (huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh). Do nguồn nước trên địa bàn toàn xã bị nhiễm phèn, nhiễm mặn nên nhiều năm qua, 1.780 hộ dân với hơn 8000 nhân khẩu trong xã phải thường xuyên sử dụng nguồn nước không bảo đảm vệ sinh, ảnh hưởng đến cuộc sống và sức khỏe. Để tìm nguồn nước sinh hoạt, nhiều gia đình trong xã Thạch Tân đã kỳ công thuê thợ đào giếng sâu 14-15m, thậm chí thuê máy khoan xuống độ sâu 25-30m, nhưng nước vẫn nhiễm phèn, nhiễm mặn. Nước bơm từ dưới giếng lên ngả màu vàng, sau đó đóng thành váng đặc quánh. Nhiều gia đình trong xã có điều kiện đã bỏ ra hàng chục triệu đồng để xây bể lọc, bể trữ nước mưa để phục vụ sinh hoạt hằng ngày, song không phải gia đình nào cũng có điều kiện làm như vậy. Hệ lụy xấu trong việc sử dụng nước “bẩn” là rất nhiều người dân ở đây bị mắc các bệnh về da, mắt và đường tiêu hóa, nhất là từ sau trận lụt lịch sử năm 2010 đến nay. éặc biệt, số người chết do bệnh ung thư ở xã Thạch Tân có dấu hiệu ngày càng nhiều. Tuy chưa có kết luận của ngành y tế, nhưng theo lãnh đạo xã Thạch Tân cho biết, những xóm có nguồn nước bị nhiễm phèn, nhiễm mặn nặng (trong đó có xóm Minh Tiến) xuất hiện hàng chục trường hợp người chết do ung thư.


Chủ tịch UBND xã Thạch Tân, ông Nguyễn Hoành Mai cho biết: Vì kinh phí xã eo hẹp nên xã Thạch Tân không thể triển khai dự án cấp nước sạch cho bà con. Nhiều lần cử tri xã Thạch Tân kiến nghị lên huyện Thạch Hà xem xét cấp nước sạch cho nhân dân, nhưng đến nay nguyện vọng của bà con vẫn chưa được giải quyết.


Cùng chung cảnh ngộ với người dân xã Thạch Tân là xã Hồng Lộc, huyện Lộc Hà, một xã cách đó không xa. Hiện xã Hồng Lộc có 2.117 hộ gia đình với hơn 8.500 nhân khẩu thuộc 12 xóm. Suốt bao năm qua, hàng nghìn cư dân với nhiều thế hệ sinh sống nơi đây vẫn buộc phải “gồng mình gắn bó” với nguồn nước bị nhiễm phèn nặng. Ngược lên phía Tây của tỉnh Hà Tĩnh, hơn 40 năm qua, người dân vùng Rú Lặt (Hương Long – Hương Khê) luôn nuôi một giấc mơ có nguồn nước sạch để sử dụng, nhưng niềm mơ ước đó vẫn chưa thành hiện thực… Hai xóm 12, 13 Hương Long nằm ở vùng đồi núi đá ong, vào mùa nắng hạn luôn thiếu nước. Người dân ở đây phải chắt chiu từng giọt nước cho những sinh hoạt thiết yếu, nhưng những giọt nước cũng là nước không sạch. ông Mai Hùng (xóm 12) cho biết: “Trời nắng nước có mùi xăng nồng nặc, vào mùa mưa thì còn đỡ mùi hơn”. Người dân ở đây đã tìm mọi cách để khắc phục như xây bể lọc, bể chứa nước mưa nhưng chỉ những gia đình có điều kiện mới làm được. Còn lại, người dân phải đào giếng khơi để lấy nước sử dụng, có những gia đình phải đào đến cái giếng thứ 7 rồi mà nước vẫn chưa sử dụng được. Trời nắng, mùi xăng bốc lên không chịu nổi, lấy cuốc đào mấy nhát đất châm lửa là cháy ngay. Quần áo từ màu trắng chuyển sang ố vàng, thau chậu dùng xong phải đổ nước đi ngay không thì bị bám màu.


ông Mai Văn Kiều – Chủ tịch xã Hương Long cho biết: “Những năm chống Mỹ, đường ống xăng dầu chạy qua xã bị máy bay Mỹ đánh trúng nên đã để lại hậu quả cho tới ngày nay. Vì dùng nước nhiễm xăng nên người dân ở đây mắc rất nhiều loại bệnh về đường ruột, nhất là sỏi thận, có nhiều người có biểu hiện bệnh ung thư và đã có hơn chục người chết do xơ gan cổ trướng…”. Nhiều người dân ở đây tỏ vẻ thất vọng, nơi đây có nhiều người, nhiều đoàn đến khảo sát rồi lại đi mang theo những lời hứa hẹn cùng với biết bao mong ước của người dân Rú Lặt – Hương Long…


Những công trình đang gây lãng phí


Những năm qua, tỉnh Hà Tĩnh đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng xây dựng hàng trăm công trình nước sạch nông thôn, tuy nhiên, hiệu quả của nhiều công trình chưa thực sự đáp ứng yêu cầu, làm thất thoát ngân sách, mất niềm tin với nhân dân. Theo số liệu thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Tĩnh, trên địa bàn toàn tỉnh hiện có 56 công trình cấp nước sạch tập trung, với tổng nguồn vốn đầu tư 311.768 triệu đồng. Theo báo cáo của các chủ đầu tư thì trong 56 công trình, có 25 công trình hoạt động tốt; 14 công trình hiện đang xuống cấp, chỉ sử dụng được một phần; 17 công trình hư hỏng hoàn toàn, không sử dụng được. Trên thực tế, trong số 56 công trình chỉ còn 21 công trình cấp nước tập trung còn hoạt động, chủ yếu là các nhà máy nước cấp nước cho đô thị. Có 10 công trình cấp nước cho khu vực nông thôn hoạt động tốt do UBND xã và các HTX quản lý; còn lại 14 công trình chỉ hoạt động một phần nhỏ; đặc biệt, có 21 công trình bị hư hỏng hoàn toàn. Điều đáng nói là nhiều công trình xây dựng xong chưa đưa vào sử dụng đến nay xuống cấp không thể phục hồi, hoặc mới được đầu tư thiết bị còn tốt nhưng không đưa vào sử dụng được do không có nguồn nước như: Công trình ở Cẩm Mỹ (Cẩm Xuyên), Đức Dũng (Đức Thọ), Thạch Long (Thạch Hà)…


Công trình cấp nước tập trung của xã Kỳ Nam (Kỳ Anh) không còn tác dụng, đang bị bỏ hoang do nguồn nước không sạch, không được quản lý, sửa chữa.


Theo ông Nguyễn Doãn Sáng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Tĩnh, có nhiều nguyên nhân dẫn đến những bất cập trên, trong đó, nguyên nhân chính là do công tác quy hoạch, kế hoạch nhất là quy hoạch xây dựng các điểm cấp nước sạch tập trung ở khu vực nông thôn không được quan tâm chú ý. Bên cạnh đó, công tác quản lý đầu tư từ khâu khảo sát, thiết kế, thi công, bàn giao, quản lý khai thác bộc lộ nhiều tồn tại, các chủ đầu tư chỉ mới coi trọng việc xây dựng công trình và giải ngân nguồn vốn, chưa chú trọng tới việc bàn giao, quản lý, khai thác, duy tu sửa chữa các công trình. Thậm chí, nhiều công trình xây dựng xong rơi vào tình trạng vô chủ, các hộ dân tự ý khai thác, thậm chí tháo gỡ các thiết bị, máy móc dẫn đến lãng phí thất thoát.


Thiết nghĩ, để người dân những xã đang “khát” nước sạch và chương trình Nước sạch – vệ sinh môi trường nông thôn (NS-VSMTNT) phát huy hiệu quả, đảm bảo mục đích rất cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành, đặc biệt là vai trò chủ đạo của Trung tâm NS -VSMTNT của tỉnh Hà Tĩnh. Cần tiến hành khảo sát toàn diện thực trạng các công trình cấp nước tập trung trên địa bàn toàn tỉnh, tổ chức tổng kết, đánh giá nghiêm túc kết quả thực hiện, có phương pháp quản lý công trình để sử dụng hiệu quả. Bên cạnh đó, cùng với việc đầu tư xây dựng, nâng cấp, sửa chữa các công trình cấp nước tập trung, cần quan tâm công tác vận hành, quản lý, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân. Có như thế, các dự án đầu tư thực hiện chương trình mới phát huy tác dụng đích thực, tránh gây thất thoát ngân sách và quan trọng nhất là lấy lại niềm tin trong quần chúng nhân dân.


Bài, ảnh: THU ANH- THĂNG LONG

QĐND

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP