Tình hình kinh tế- xã hội của thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) phát triển mạnh mẽ trong nhiều năm trở lại đây nhờ vào sự thu hút mạnh mẽ của các dự án trong và ngoài nước, đặt biệt là siêu dự án Fomorsa.
Tuy nhiên, việc thu hút nhiều nhà đầu tư một mặt đem lại sự phát triển nhanh chóng và vượt bậc của địa phương này, mặt khác cũng gây ra không ít hệ lụy và xáo trộn cuộc sống đối với người dân ở đây.
Báo Tầm Nhìn xin khởi đăng loạt bài về những hệ lụy mà người dân của nhiều địa phương của thị xã Kỳ Anh đang gặp phải trong những năm gần đây.
Người dân phản ánh về việc chưa được cấp đất TĐC với Phóng viên |
Mòn mỏi chờ đất…tiêu hết tiền
Hiện nay, hàng trăm hộ dân của các địa phương trên đã gần 5 năm mòn mỏi chờ đất Tái định cư (TĐC) nhưng vẫn chưa được đáp ứng. Họ đã đủ điều kiện để di dời nhằm phục vụ cho các dự án của Formosa và nhiều dự án khác trên địa bàn thị xã Kỳ Anh, nhưng mấy năm liền vẫn đang chờ “vàng mắt”, theo đó cũng kéo theo nhiều hệ lụy không đáng có.
Bà Lê Thị Sau (51 tuổi, tổ dân phố Trường Sơn, phường Kỳ Thịnh) cho biết: tháng 11.2011, gia đình bà có hơn 4000 m2 cả đất và nhà thuộc diện thu hồi để thực hiện dự án. Bà đã được bồi thường 570 triệu thời điểm đó, hiện vẫn đang chờ để được cấp đất TĐC lên nơi ở mới.
“Chúng tôi đợi đã 5 năm rồi mà đến nay vẫn chưa được cấp đất. Số tiền được bồi thường lúc ấy nhiều gia đình đã tiêu hết rồi. Hơn nữa, khi mới được nhận được tiền thì không có đất để chuyển chỗ ở, nay sau mấy năm giá nguyên vật liệu tăng cao, tiền mất giá, số tiền được bồi thường khi đó giờ xây nhà cũng chưa đủ chứ chưa nói đến mua đất. Điều này khiến người dân chúng tôi bất an, giờ không biết phải làm thế nào”, bà Sau cho biết.
Anh Lê Văn Chiến (37 tuổi) cùng tổ dân phố Trường Sơn cũng cho biết: năm 2010, với diện tích khoảng 200 m2, gia đình ông được đền bù 110 triệu đồng. Đáng ra sau khi thu hồi sẽ được cấp đất TĐC. Tuy nhiên, đến tận bây giờ gia đình anh cũng như nhiều người dân xã Kỳ Thịnh khác vẫn đang mòn mỏi chờ.
Danh sách các hộ chưa được cấp đất TĐC các dự án ở phường Kỳ Thịnh |
“Tháng 6.2015, tôi đã viết đơn lên UBND xã Kỳ Thịnh hỏi thì được Chủ tịch xã trả lời là hiện chưa có đất, phải chờ đến khi san ủi mặt bằng để thực hiện dự án thì mới có đất cấp.
So với năm 2010 thì hiện nay, chênh lệch vật giá rất lớn khiến số tiền được đền bù lúc ấy khó đủ để xây nhà ổn định chỗ ở”, anh Chiến nói.
Đây cũng là tình trạng chung của hằng trăm hộ dân khác ở phường Kỳ Long, Kỳ Liên, Kỳ Phương và Kỳ Nam.
Ông Văn Đình Minh (61 tuổi, tổ dân phố Long Thành, phường Kỳ Long) cho biết: “Vào năm 2011, căn nhà của gia đình tôi thuộc diện di dời để phục vụ cho dự án làm đường. Nhà của tôi đã được kiểm kê 2 lần từ năm đó đến nay, nhưng do thấy việc đền bù chưa thỏa mãn nên gia đình tôi chưa nhận tiền. Tuy nhiên, ở khu vực này, nhiều bên cạnh không ít hộ chưa nhận thì nhiều hộ cũng đã nhận tiền, nhưng họ chưa di dời vì hiện đất để cấp TĐC chưa có.
Nhiều hộ có nhiều thế hệ ở cùng một nhà đã phải sinh sống trong những căn nhà chật hẹp, xuống cấp nhưng không được sửa sang hay cơi nới. Trong khi đó, đất thì không cấp cho dân để người dân để chúng tôi di dời”.
Theo như ông Minh cho biết, thời điểm thu hồi và đền bù đất, người dân được phát giấy hẹn để sau này nhận đất TĐC, nhưng đến nay “lời hẹn” với dân vẫn chỉ đang là “lời hẹn”.
Do chưa làm phương án TĐC
Ông Nguyễn Tiến Bảy, chủ tịch UBND phường Kỳ Thịnh (thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh). |
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Tiến Bảy, Chủ tịch UBND phường Kỳ Thịnh cho biết: Từ năm 2008 đến nay có 37 dự án trên địa bàn Kỳ Thịnh. Diện tích đất bị thu hồi là 647,5 ha, ảnh hưởng tới 4.661 hộ gia đình. Trong đó số hộ thuộc diện phải di dời là 384 hộ. Hiện nay, có trên 100 hộ dân ở Kỳ Thịnh đã đủ điều kiện nhưng vẫn chưa được cấp đất TĐC. Trước thực trạng đó, phường đã phải ký cam kết nợ đất với người dân.
“Lý do suốt mấy năm người dân chưa có đất cấp là do BQL khu kinh tế Vũng Áng chưa làm được phương án TĐC. Quỹ đất thì có, tuy nhiên hiện chưa có tiền để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng”, ông Bảy chia sẻ.
Ông Nguyễn Quốc Hà, Chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh cho biết: “ Đây là lỗi thuộc về hệ thống. Lý do là trước đây chính quyền đã không xây dựng phương án TĐC. Về nguyên tắc, muốn cấp đất thì phải có phương án TĐC thì mới cấp được”.
Cũng theo ông Hà, trước đã không làm phương án TĐC thì bây giờ làm lại với khoảng thời gian từ 2008 đến bây giờ rất khó.
“Chúng tôi cũng đã đề xuất vấn đề này với UBND tỉnh và Sở TNMT. Nếu tỉnh giao cho UBND Thị xã Kỳ Anh xây dựng phương án TĐC của những dự án trước để đảm bảo điều kiện đúng tại thời điểm này thì sẽ tháo gỡ được nhiều vướng mắc đang mắc phải.
Trước mắt, trong lúc chờ chỉ đạo của UBND tỉnh, tôi đã giao cho 12 chủ tịch, địa chính các phường, xã lập danh sách đầy đủ, chi tiết các hộ dân đủ điều kiện nhưng đang thiếu đất TĐC để xem xét giải quyết sớm nhất nhằm ổn định cuộc sống cho người dân”, ông Hà cho biết.
Hà Vũ – Mai Nguyễn