Tấm Lòng Vàng

Hà Tĩnh: Cứu trợ khẩn cấp 1.000 tấn gạo, 13.000 thùng mỳ tôm cho vùng lũ

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh Võ Kim Cự vừa có quyết định cứu trợ khẩn cấp 1.000 tấn gạo và 13.000 thùng mỳ tôm cho nhân dân ba huyện Hương Sơn, Hương Khê và Vũ Quang bị ảnh hưởng nặng nề do lũ lụt.

Theo quyết định, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh cứu trợ huyện Hương Sơn 500 tấn gạo và 5.000 thùng mỳ tôm; huyện Hương Khê 100 tấn gạo và 7.000 thùng mỳ tôm; huyện Vũ Quang 400 tấn gạo và 1.000 thùng mỳ tôm. Ủy ban Nhân dân tỉnh giao Sở Công Thương liên hệ với Ban Cứu trợ tỉnh và các địa phương liên quan vận chuyển kịp thời số lương thực này đến các huyện nói trên trước ngày 20/10. Ông Trần Nhật Tân, Giám đốc Sở Công Thương Hà Tĩnh cho biết ngay sau khi nhận được ý kiến chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân tỉnh, Sở đã nhanh chóng liên hệ với các chủ doanh nghiệp và mua đủ toàn bộ số lương thực nói trên, sẵn sàng cứu trợ cho bà con vùng bị lũ lụt. Ngay trong chiều 18/10, Sở Công Thương Hà Tĩnh cũng đã điều động hàng chục chuyến xe ôtô vận chuyển được hàng chục tấn gạo, mỳ tôm lên các huyện có vùng bị ngập lụt; phối hợp với chính quyền địa phương, nhanh chóng cứu đói cho bà con. Ngoài ra, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh cũng đã có quyết định về việc ban hành tạm thời Quy định một số nội dung về hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả bão, lũ, ổn định đời sống và khôi phục sản xuất trên địa bàn năm 2013. [Trên 3 tỷ đồng ủng hộ người dân bị lũ lụt ở Hà Tĩnh]Theo đó, mức hỗ trợ tiền cho gia đình có người chết là 8 triệu đồng/người; hỗ trợ người bị thương nặng là 2,5 triệu đồng/người; hỗ trợ tiền cho nhà ở chính bị lũ cuốn trôi, sập, đổ, trôi hoàn toàn là 40 triệu đồng/hộ; những hộ có nhà chính bị lũ cuốn trôi, sập đổ từ 80% trở lên là 10-12 triệu đồng/hộ… Đây là nguồn kinh phí hỗ trợ để ứng cứu trong bão, lũ, chia sẻ một phần khó khăn đối với các hộ gia đình bị thiệt hại trong thiên tai bão, lũ để sớm ổn định cuộc sống và khôi phục sản xuất.Theo số liệu mới nhất của Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nghệ An, tính đến tối 18/10, hoàn lưu bão số 11 đã làm tỉnh thiệt hại trên 412 tỷ đồng; trong đó, thiệt hại về dân sinh và hạ tầng trên 264 tỷ đồng, về sản xuất nông nghiệp trên 148 tỷ đồng. Do ảnh hưởng của mưa bão trên địa bàn tỉnh có 2 người chết, 6.001 ngôi nhà dân và 67 trường học, 28 trạm y tế bị ngập. Toàn tỉnh mất trắng 15,5ha lúa, 8.004ha ngô và rau màu, 64ha cây công nghiệp, 2.557ha thủy sản; chết 13.566 con gia cầm; 2 hồ đập bị vỡ, 36 cầu bị hư hỏng cùng nhiều công trình hạ tầng cơ sở khác (trường học, trạm y tế, đường điện, đường giao thông, công trình thủy lợi…) bị hư hỏng. Hiện nay, tại Nghệ An, lượng mưa đã giảm, mực nước các sông, hồ cũng đang giảm dần. Do những ngày qua mưa lớn cộng với nước từ thượng nguồn đổ về, đến tối 18/10, trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều khu dân cư bị ngập nước, chia cắt. Một số tuyến đường giao thông, nhất là các tuyến đường nội huyện, nội xã đang bị ngập nước, không thể đi lại. Các huyện Yên Thành, Nam Đàn tổ chức di dời 728 hộ dân tại các vùng ngập nước đến nơi an toàn hơn. Chiều 18/10, trên địa bàn tỉnh vẫn còn 21 trường học phải cho học sinh nghỉ học. Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nghệ An đang khẩn trương chỉ đạo các địa phương thực hiện các giải pháp đảm bảo an toàn cho người và tài sản tại các vùng sau hồ đập và các vùng đang ngập lụt; đảm bảo an toàn các hồ chứa nước; duy trì cọc tiêu, biển cấm và người trực gác, cấm người và phương tiện qua lại tại những tuyến đường ngập nước; duy trì lực lượng cứu nạn, cứu hộ, sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu./.

TTXVN

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP