Người đương thời

Hà Tĩnh: Cử nhân Văn khoa làm giàu bằng quà quê giữa phố thị

Tâm huyết với đặc sản quê hương

Tốt nghiệp chuyên ngành Ngữ văn của trường Đại học KHXH & NV TP.HCM nhưng chàng thanh niên không theo nghiệp viết mà “rẽ ngang” làm kinh doanh.
Với mong muốn quảng bá đặc sản rừng quê hương, sau 1 năm “luồn rừng lội suối”, anh đã có hàng trăm khách hàng thân thiết, thu nhập ổn định nhờ kinh doanh mật ong rừng.
Thu được chiến lợi phẩm trong rừng Nước Lạnh.
Thu được chiến lợi phẩm trong rừng Nước Lạnh.

Đó là câu chuyện đầy phiêu lưu của chàng trai Nguyễn Trung Úy (26 tuổi, ở thôn Kim Cương 2, xã Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh). Năm 2012, Úy tốt nghiệp đại học rồi đi làm đúng ngành, lương bảy triệu đồng/tháng nhưng vẫn thích tự mình đứng ra kinh doanh.

“Cuối năm 2014, Úy về quê thăm gia đình và họ hàng, có người nói với cậu cử nhân rằng: “Mi ra trường có công ăn việc làm vậy là tốt rồi, nhưng nếu mang được đặc sản rừng quê mình vào đó giới thiệu cho người Sài Gòn biết mới là hay, mi vừa kiếm được thêm thu nhập vừa giúp bà con ở bản làng có nguồn tiêu thụ ổn định”.

Nghe vậy, Úy cũng nhận ra rằng nhu cầu sử dụng đặc sản rừng ở TP.HCM rất lớn nhưng để tìm được đặc sản rừng “đúng xịn” không phải là chuyện dễ.

“Tôi tự hỏi rằng, mình sinh ra và lớn lên ở miền núi rừng, quê hương có nhiều đặc sản nổi tiếng như mật ong rừng, nhung hươu sao, tinh bột nghệ… Tại sao không đưa đặc sản quê mình vào thành phố phục vụ mọi người”, Úy bắt đầu câu chuyện.

Bữa cơm tối trong rừng không kém phần hấp dẫn

Từ niềm đam mê kinh doanh lại được sự ủng hộ của gia đình, xóm làng ở quê nhà, Úy bắt đầu thực hiện ý tưởng kinh doanh với sản phẩm đầu tiên là mật ong rừng Hương Sơn. Khởi nghiệp với số vốn ít ỏi 30 triệu đồng, Úy tính toán cẩn trọng để giảm tối đa rủi ro, lên kế hoạch khá kỹ, bao gồm chi phí thuê mặt bằng, thu mua sản phẩm cho bà con, làm mẫu mã sản phẩm.

Để phát triển thương hiệu mật ong rừng, anh đã xây dựng cả website và hoàn thiện hệ thống các kênh bán hàng online. Đây là những kinh nghiệm mà Úy tích lũy được sau ba năm đi làm cho các công ty tại TP.HCM. Điều khiến Úy đau đầu nhất chính là thị trường mật ong hiện nay quá loạn, khách hàng hầu như mất hết niềm tin vào những người kinh doanh mật ong.

Để đảm bảo chất lượng, Úy không dám thu gom mật ong tràn lan mà chỉ nhập mật ong của gia đình và người thân để đưa vào thành phố. Dù là mật ong của người thân nhưng Úy vẫn thử kỹ lưỡng trước khi nhập, nếu mật ong không đạt chuẩn thì sẽ bị loại ngay.

Khi mật ong vào tới nơi, Úy phải kiên trì bù lỗ và bán với mức giá phải chăng nhất để tiếp cận được những khách hàng đầu tiên. Khởi nghiệp với rất nhiều khó khăn.

Nguồn vốn luôn là bài toán khó mà Úy phải tìm phương án giải vì kinh doanh mặt hàng này phải có nguồn vốn xoay vòng liên tục nên cứ 2 ngày Úy phải gấp rút gom tiền gửi về quê để gom hàng, nhiều lúc túng thiếu phải chạy vay mượn bạn bè khắp nơi.

“6 tháng đầu bước vào kinh doanh, dù đã cố gắng tự mình ôm hết mọi việc nhưng vẫn liên tục phải bù lỗ, kể từ tháng thứ 7 trở đi lượng khách bắt đầu tăng và doanh thu đã bù đắp được chi phí bỏ ra. Lúc đó, tôi đã rất vui sướng dù lợi nhuận chưa có, tôi nghĩ chỉ cần không phải bù lỗ nữa thì mọi chuyện sẽ ổn” – Úy chia sẻ.

Những trải nghiệm nhớ đời 

Lúc bắt đầu khởi nghiệp, Úy đã phải bỏ ra cả tháng về quê theo chân thợ săn ong vào rừng để tận mắt chứng kiến quá trình lấy mật. Đồng thời, anh cũng học “bí kíp” của những thợ ong lão luyện về cách thức khai thác, nhận biết mật thật, giả, cách bảo quản… Tất cả những quá trình này được anh ghi lại bằng video và hình ảnh.

“Đây vừa là những tư liệu quý, vừa là những đoạn phim khám phá về thiên nhiên, về những cánh rừng già ở quê hương Hà Tĩnh. Tôi vừa giữ để làm tài liệu vừa biên tập lại thành những phóng sự rồi tải lên mạng xã hội để quảng bá”, Úy tâm đắc nói.

Đó cũng là những trải nghiệm không thể nào quên với chàng thanh niên trẻ đầy nhiệt huyết.

“Suốt một tháng về quê, tôi hầu như ăn ở trong rừng cùng anh em dân bản. Quả thật, có theo chân những người đi khai thác mật ong rừng mới biết họ khổ cực và nguy hiểm thế nào. Ban đêm ngủ thì bị muỗi đốt, lạnh thấu xương, đau nhức cả người vì nằm ngủ trên đá, nhiều đêm mưa gió phải dậy chạy tìm chỗ trú mưa, đã thế lại còn lo bị rắn rếp cắn. Ban ngày thì leo đèo lội suối tìm ong rừng, khi tìm được tổ ong phải leo lên cây cổ thụ cao chót vót để khai thác mật ong”, Úy kể.

Mật ong ở rừng Hương Sơn còn rất nhiều, nhưng muốn khai thác dài lâu phải có kế hoạch

Được biết, cánh rừng già ở quê Úy có tên là rừng Nước Lạnh, vì vào sâu trong rừng khí hậu rất lạnh. Cánh rừng này giáp với biên giới Lào, địa hình vô cùng hiểm trở. Mỗi lần Úy vào rừng phải đi cùng với 5, 6 anh em khác để hỗ trợ nhau.

Úy kể:  “Cánh rừng già cách xa bản làng, từ bản phải đi xe máy gần 2 tiếng đồng hồ mới vào tới cửa rừng rồi bắt đầu leo bộ khoảng 3 tiếng đồng hồ nữa mới tới nơi, ở đây người dân ít lui tới, chỉ có những người lấy mật như anh em chúng tôi mới xuất hiện ở đây”.

Ở huyện miền núi Hương Sơn, người dân nghèo chỉ biết sống dựa vào chăn nuôi và trồng trọt. Đất đai khô cằn, khí hậu khắc nghiệt khiến cuộc sống bội phần khó khăn. Người dân nơi đây hết mùa vụ lại vào rừng để tìm kiếm đặc sản cải thiện cuộc sống.

Cuộc sống họ có phần tươm tất hơn cũng phần nào nhờ vào rừng Nước Lạnh, do đó từ bao đời nay, người dân rất có ý thức bảo vệ rừng. Mỗi khi phát hiện được tổ ong, để lấy  được buộc phải hun khó và người dân ở đây đã phát minh ra cách tạo khói có một không hai.

Họ dùng củi khô nhỏ để bên trong rồi lấy lá tươi bọc bên ngoài. Khi đốt sẽ tạo khói nhiều mà không gây cháy. Ngoài ra, đối với những người săn ong ở đây, họ không bao giờ lấy hết một tổ ong mà chỉ cắt lấy một phần. Phần còn lại, ong sẽ tiếp tục xây tổ, cho mật. “Nếu mình lấy đến hết tổ ong, ong giận sẽ bỏ đi hết”, Úy cười đùa vui vẻ.

Chia sẻ thêm về bí quyết kinh doanh, Úy cho biết, để kinh doanh tốt đặc sản quê hương và giữ chân được khách hàng ngoài việc đảm bảo sản phẩm đúng chất lượng, kiểm tra kỹ trước khi giao cho khách còn phải giao hàng nhanh, đúng hẹn và phải tư vấn nhiệt tình mỗi khi khách hàng có thắc mắc.

Úy cũng cho biết, hầu hết khách hàng khi có nhu cầu mua mật ong rừng nguyên chất đều đặt ra câu hỏi “Làm sao phân biệt được mật ong rừng và mật ong nuôi?”. Để có đáp án cho câu trả lời này, nhiều người đã lên mạng gõ đầu “tiến sĩ Google” để hỏi, và tất nhiên “Google” sẽ đưa ra rất nhiều đáp án của nhiều tác giả, của nhiều trang mạng kinh doanh mật ong.

Tuy nhiên, hầu hết những phương pháp trên mạng internet theo Úy đều không thể nào phân biệt được mật ong rừng và mật ong nuôi. Những phương pháp đó chỉ có thể phân biệt được mật ong thật với mật ong giả mà thôi. Theo Úy, để phân biệt mật ong rừng và mật ong nuôi phải chú ý tới rất nhiều các đặc điểm.

“Trong dân gian có nhiều cách để phân biệt mật ong giả, thật như nhúng một cọng hành vào, cho vào tủ lạnh, hoặc nhỏ mật lên một tờ giấy… Nhưng theo tôi, những cách đó không thể nào áp dụng để phân biệt mật ong rừng và mật ong nuôi.

Sau thời gian dài nghiên cứu về mật ong rừng, tôi nhận ra các đặc điểm của nó như tạo khí gas, bọt khi cho vào chai kín. Khi mở một chai mật ong rừng thậm chí còn nghe được tiếng xì và bọt trào ra khỏi miệng chai. Đặc biệt, mật ong rừng có mùi thơm của phấn hoa rừng, một mùi thơm vô cùng đặc trưng”, Úy nói.

Quan điểm của Úy trong kinh doanh là phải đặt chữ tâm và uy tín lên hàng đầu, đồng thời đôi tay phải làm việc cần cù và bộ óc sáng suốt. Úy cũng cho rằng, khi đã có ước mơ và dự định thì hãy bắt tay vào làm ngay, đừng ngại thất bại.

Nguyên Việt

BÀI MỚI ĐĂNG