Dự án nâng cấp tuyến đường giao thông liên xã Mỹ - Thành – Hoa (huyện Nghi Xuân – Hà Tĩnh) có tổng mức đầu tư trên 39 tỷ đồng, với chiều dài 6,1 km và khoảng 2km mương thoát nước. Dự án được khởi công tháng 6/2017 và được gia hạn thời gian hoàn thành đến 30/7/2018.
Hiện nay, nhà thầu đã thi công được khoảng 70% khối lượng công việc. Đơn vị thi công là Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng Phát Tài 407 (trụ sở tại Thị trấn Xuân An – Nghi Xuân – Hà Tĩnh); đơn vị giám sát là Công ty cổ phần tư vấn xây dựng Sơn Hải (trụ sở tại thành phố Hà Tĩnh). Kết cấu đường rộng 6,5m, được cấu tạo từ đất đắp nền k98, cấp phối đá dăm loại 2, cấp phối đá dăm loại 1 và thảm.
Phần cấu kiện đúc sẵn bị sứt, mẻ và lòi thép vẫn được sử dụng. |
Nhận được phản ánh của người dân xã Xuân Mỹ về việc nhà thầu thi công ẩu trong quá trình thi công tuyến đường và hệ thống mương thoát nước đi kèm, ngày 26/4/2018, PV báo Công lý đã đến trực tiếp tại công trình.
Vào thời điểm 8h30’ ngày 26/4, lúc công nhân đang thi công phần nền đường và hệ thống cấu kiện mương thoát nước đúc sẵn. Theo quan sát của phóng viên, phần cấu kiện đúc sẵn được vận chuyển về công trường và đã được lắp xuống gần cơ bản. Về mặt thẩm mỹ, các cấu kiện được đúc rất xấu, cong vênh. Đồng thời, rất nhiều cấu kiện bị mắc lỗi như bị sứt, mẻ, bê tông bị rỗ, hay bị lòi thép rỉ sét ra ngoài... song vẫn được lắp xuống hệ thống mương.
Phần đất dùng để đắp, chứa nhiều tạp chất. |
Trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Quốc Hoàn – kỹ thuật ban cho biết: “Cấu kiện này được đúc nơi khác rồi chuyển về đây. Nó được đúc với mác bê tông 200. Hiện nay mới chỉ cho lắp xuống nhưng chưa nghiệm thu. Những lỗi mà báo chí chỉ ra là đúng, sau này khi nghiệm thu chúng tôi sẽ loại ra”.
Trả lời cho câu hỏi của phóng viên khi chỉ 1 đoạn chừng 100 m mà chúng tôi đã thấy khoảng 30 cấu kiện bị lỗi thì kỹ thuật ban thấy thế nào, anh Hoàn im lặng.
Bên cạnh đó, tại phần thi công thuộc xã Cổ Đạm, phần đất phong hóa được bóc để thi công hệ thống mương thoát nước hai bên đường, được đơn vị thi công vận chuyển đổ cho các hộ dân. PV đã trao đổi với một số hộ dân ở xã Cổ Đạm, được biết họ mua với giá dao động từ 50 nghìn đến 100 nghìn đồng/1 xe khi đổ tại vườn. Về vấn đề này anh Hoàn trả lời không biết có chuyện đó.
Đất phong hóa được vận chuyển bán cho dân vì không có bãi thải. |
Còn ông Dương Chí Tường - giám đốc đơn vị thi công cho biết: “Vì công trình không có bãi đổ thải, mà chỉ quy định vận chuyển đất phong hóa trong phạm vị 1,5 km nên chúng tôi phải vận chuyển ra nhiều nơi khác nhau. Còn việc chở đến nhà dân, họ trả tiền đổ có thể là trả tiền cước vận chuyển, còn công ty chúng tôi không bán đất phong hóa”.
Một công trình tầm cỡ như vậy mà không có thiết kế bãi thải liệu, phải chăng có sự khập khiễng ở đây?.
Phần thi công mương được đậy nắp khi chưa nghiệm thu. |
Đặc biệt, phần đất để bù vào hệ thống mương tạo độ bằng cho nền đường được tận dụng một số đất phong hóa có lẫn tạp chất như cây cỏ, rác thải được lấp vào. Theo lý giải của anh Hoàn: "chúng tôi chỉ tạm thời lấp xuống, rồi hôm sau lại đào lên để vận chuyển đi, thay vào đó là đất đạt tiêu chuẩn".
Trước những vấn đề đã nêu, đề nghị UBND huyện Nghi Xuân sớm khắc phục tình trạng trên, tạo sự yên tâm cho người dân, đồng thời đem lại một công trình có chất lượng đúng theo tiêu chuẩn.
Báo Công lý sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.
Tác giả: Nhóm PV
Nguồn tin: Báo Công lý