Các trung tâm môi giới lao động nở rộ ở các làng quê.
Theo một cán bộ Sở LĐTBXH tỉnh Hà Tĩnh, thời gian gần đây nở rộ tình trạng lao động đi du học với chi phí cao, học lực trung bình, ngoại ngữ kém, bảo lãnh ngân hàng ảo… Thực chất của tình trạng này là lao động “chui”, phổ biến nhất ở các nước như Australia, Canada, Nhật Bản, Anh… Chính vì lao động bất hợp pháp nên không ít hệ lụy.
Từ thông tin này, phóng viên Dân Việt nhập vai người cần đi xuất khẩu lao động (XKLĐ), thông qua người quen PV tìm đến chị T làm ở một trung tâm dạy nghề ở TP.Hà Tĩnh. Sau phần hỏi han làm quen, chị T đon đả: “Bây giờ mà làm thủ tục hồ sơ đi XKLĐ sang các nước Nhật Bản, Hàn Quốc thì nhiều tiền lắm, mà chưa chắc đã đến phần. Hiện nay bên chị đang có chương trình sinh viên đi du học sang Nhật Bản hay Australia, nhưng thực chất là qua đó làm việc lao động phổ thông, mỗi tháng cũng kiếm được 30-50 triệu đồng và chi phí đi cũng rẻ hơn nhiều từ 180-200 triệu đồng”.
Thấy tôi có vẻ do dự, chị T trấn an: “Đi theo con đường du học nhanh lắm, mà sang bên đó một thời gian quen nước quen cái thì thu nhập cao hơn số đó nữa cơ. Mấy ngày nay, một số lao động đã sang Nhật gọi điện về thông báo là làm việc ổn định, còn nhờ chị tư vấn cho một số kỹ năng mềm khi đi lại và làm việc bên đó vì chưa thông thạo tiếng”.
Mặc dù làm ruộng cả gia đình H mỗi năm thu nhập chưa nổi 30 triệu đồng, nhưng để được xuất khẩu lao động theo hình thức du học, hồ sơ xác nhận thu nhập của gia đình H ghi dối lên tới trên 200-300 triệu đồng/năm.
Tuy nhiên, qua thực tế của một số sinh viên đã đi du học, thực chất là XKLĐ trá hình này thì hoàn toàn khác.
Để con sang được Nhật, bố mẹ em Nguyễn Văn H ở huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) phải thế chấp sổ đỏ ở ngân hàng vay tiền, sau 6 tháng học tiếng, em H đã sang được Nhật với tổng chi phí của chuyến đi là hơn 200 triệu đồng. Nhưng sang tới Nhật, quy định rất khắt khe, du học sinh chỉ được phép làm thêm 4 tiếng/ngày và không được phép làm quá 28 tiếng/tuần. May mắn sang đó H tìm được việc làm, nhưng mỗi tháng cũng chỉ kiếm được khoảng 15 triệu đồng, trong khi chi phí sinh hoạt cao và học phí hàng tháng (đóng học phí để gia hạn visa) khiến H không đủ trang trải, thậm chí phải gọi điện về cầu cứu gia đình.
Tâm sự với chúng tôi, mẹ em H ứa nước mắt: “Gia đình tin vào môi giới nên mới xảy ra cơ sự này, rồi đây nếu không kiếm được việc làm thêm ổn định thì cháu phải về nước sớm”. Theo bà H, hôm làm hồ sơ bà đã sinh nghi vì đi du học là phải gia đình có điều kiện, chứ như gia đình bà làm nông vất vả thế này mà trong quá trình làm hồ sơ họ lại yêu cầu xin giấy xác nhận thu nhập ghi dối trên 200-300 triệu đồng/năm, song đã trót “đâm lao” nên đành nhắm mắt “theo lao”.
Muôn kiểu “cò” lao động
Thật khó cho người dân nghèo, đặc biệt là người dân ở vùng sâu, vùng xa ít thông tin, vì giờ đây đội quân “cò” môi giới XKLĐ không chỉ có ở các công ty, trung tâm lao động lớn, mà còn chính từ các lao động sau một thời gian đi XKLĐ về. Từ các đường dây tư nhân ban đầu, những người lao động thâm niên trở về lại trở thành những “ông chủ”, hình thành thêm những đường dây mới đưa người đi XKLĐ trái phép. Mới đây, người dân nghèo xã Thạch Hải, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) phải chịu trái đắng do thiếu hiểu biết đi XKLĐ theo hình thức hợp đồng lao động cá nhân, nên đã lâm vào cảnh “tiền mất, tật mang”.
Bà Võ Thị Đường xót xa khi lỡ dại cho con đi XKLĐ, bây giờ nợ nần chồng chất.
Ông Đặng Văn Dũng – Trưởng phòng Việc làm, Sở LĐTBXH tỉnh Hà Tĩnh – khuyến cáo: Người lao động cần thận trọng khi tiếp xúc với các công ty tự xưng có dịch vụ XKLĐ. Người lao động nên chủ động yêu cầu công ty XKLĐ ký hợp đồng đi làm việc ở nước ngoài trực tiếp với mình. Khi ký hợp đồng phải ghi rõ nơi làm việc (nhà máy, công trường, công ty, tỉnh nào… ở nước ngoài).Trao đổi với PV Dân Việt, bà Võ Thị Đường có con trai là Đậu Văn Cường (SN 1987, ở thôn Đại Hải, xã Thạch Hải, sau 3 tháng sang Nga lao động phải về nước) sụt sùi: “Vào đầu năm 2013, được anh Đậu Văn Khánh (người cùng thôn) giới thiệu có người nhà làm ở bên Nga xin được mấy suất cho người thân sang Nga làm việc tại Công ty Newplan, mức lương trên 10 triệu đồng/tháng, thời hạn 3 năm, không phải mất thời gian đào tạo nghề mà chỉ cần có hộ chiếu, còn xin cấp visa và chi phí vé máy bay đều do Công ty Newplan bỏ ra, sau đó sẽ trừ vào tiền lương hàng tháng. Thấy con hào hứng, gia đình đồng ý cho cháu đi. Sau mấy năm làm thuê ở miền Nam cháu Cường chắt góp được 30 triệu đồng, vợ chồng tôi vay ngân hàng 30 triệu đồng nữa, tổng cộng 60 triệu đồng nộp phí cho cháu đi. Nhưng qua đó được 3 tháng, không có tay nghề, không được đào tạo nên cháu Cường buộc phải về nước. Do tự phá hợp đồng nên phải chấp nhận trả lại 55 triệu đồng chi phí của Công ty Newplan bỏ ra trước đó, bây giờ gia đình tôi nợ chồng thêm nợ”. |
Qua đó cho thấy, lợi dụng lao động thiếu thông tin về XKLĐ và không tiếp cận với các cơ quan có thẩm quyền để làm thủ tục nên bị “cò” môi giới lợi dụng.
Theo ông Phan Anh – Trưởng phòng Lao động-Xã hội huyện Can Lộc, hiện nay tại các làng quê trên địa bàn, người dân đi XKLĐ theo dạng này rất đông, riêng tại xã Yên Lộc có trên 700 người đi sang các nước Châu Âu làm thuê thông qua “dìu dắt” của anh em trong gia đình và các đối tượng “cò” môi giới là người thân quen…
Hữu Anh