Tin Hà Tĩnh

Chuyện những người dựng lều bên đường “chờ” Tết

“Ăn bờ ở bụi” đón tết xa nhà hay đón giao thừa muộn là những chuyện đã quá quen thuộc đối với những người chuyên nghề trồng hay buôn bán đào, quất, cây cảnh chưng tết. Mang mùa xuân về cho muôn người nhưng chính họ đôi khi không thấy mùa xuân.

Những ngày cận kề tết Nguyên đán, đại lộ Xô Viết Nghệ Tĩnh và một số con phố chính ở TP. Hà Tĩnh tràn ngập hoa đào, hoa mai, cây cảnh...

Những túp lều dã chiến được những người bán quất, đào... dựng lên

Người người, nhà nhà đang hối hả chạy đua với thời gian để chuẩn bị đón tết.

Bên cạnh khí nhộn nhịp ấy, PV Dân trí đã có cuộc tiếp xúc với “những người mang mùa xuân về” và được nghe những câu chuyện khá thú vị về những người làm nghề này.

Gọi là những người "mang mùa xuân về” bởi họ là những nông dân trồng quất, đào, cây cảnh hay là những hộ kinh doanh mặt hàng phục vụ dịp tết. Với họ chuyện “ăn bờ ở bụi”, hay đón tết xa gia đình là chuyện quá bình thường.

Dọc các trục đường như Xô Viết Nghệ Tĩnh, đường Vũ Quang… dễ dàng bắt gặp những túp lều được dựng tạm ở bên vệ đường. Đó là lều “dã chiến” được những người bán cây đào, quất…dựng lên để làm nơi nghỉ ngơi phục vụ bán hàng ngày dịp tết này.

Một người bán đào, quất đang kéo chiều lều dã chiến để tìm vị trí dựng làm nơi nghỉ ngơi

Chị Nguyễn Thị Hiền đến từ tỉnh Thái Bình đã có 4 năm vào bán cây đào tại Hà Tĩnh và mỗi năm có những cảm xúc khác nhau. Năm nay chị chỉ đưa vào hơn 100 gốc.

Chị Hiền cho biết:“Chị vào đây từ 20 tháng Chạp Âm lịch nhưng thời điểm đó khách chủ yếu đi xem chỉ bắt đầu từ ngày hôm qua (27/12 âm lịch) thì người mua mới bắt đầu đông. Đối với những người làm nghề như chị thì ngoài mặt hàng để bán thì cần phải trang bị những tấm lều bạt để làm nơi nghỉ ngơi”.

Thậm chí nhiều người làm nhiều năm có kinh nghiệm thì để đối phó với giá rét, họ còn mang thêm cả củi để nhóm lửa sưởi ấm cũng như để nướng thức ăn.

“Năm nay thời tiết không được thuận lợi nên đào không được đẹp, nên chị chỉ chọn và đưa vào chừng hơn 100 gốc. Năm nào cũng vậy cứ đến chiều 29 tết, hoặc đến sáng 30 tết nếu mà còn hàng thì bắt đầu phải bán rẻ để mà về”.

“Vì cuộc sống nên phải đi làm vậy thôi chứ thân phận phụ nữ đi xa lại vào những dịp cuối năm này rất vất vả. Mình đi làm rồi ở nhà không có ai lo chuẩn bị tết cho cả”, chị Hiền tâm sự.

Anh Toàn đang chăm sóc cho chậu hoa cúc của mình

Cùng cảnh là những người bán cây cảnh dịp tết nhưng anh Phạm Thanh Toàn (đến từ tỉnh Thừa Thiên Huế) không được may mắn như chị Hiền bởi hầu như năm nào anh cũng phải đón tết xa nhà.

“Quê tôi chủ yếu là trồng cúc. Tôi bán hoa cúc ở Hà Tĩnh được 3 năm rồi. Và cả 3 năm tôi phải ăn tết lại Hà Tĩnh. Tôi có anh em bà con ở đây nên cũng đỡ tủi thân nhưng thực sự rất muốn được sum vầy cùng gia đình. Nhưng vì công việc nên mình phải chấp nhận”, anh Toàn chia sẻ.

Thậm chí như anh Nguyễn Quyết là người “bản xứ” huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) cũng phải chấp nhận cảnh đi sớm về muộn khi làm nghề bán cây đào chưng tết.

Vì cuộc sống mưu sinh những người "mang mùa xuân về" chấp nhận đón tết muộn

“Đối với những người nông dân là nghề trồng cây đào, quất hay những người đi buôn như bọn em thì chuyện về đón giao thừa muộn là chuyện bình thường. Phải bán được hết hàng thì bọn em mới dám về, bán hết mới có tết”, anh Quyết cười chia sẻ.

Tác giả: Xuân Sinh

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP