Tin Hà Tĩnh

Hà Tĩnh: Chuyện cổ tích về ông mù làm nghề sửa khóa

Nghề này đòi hỏi khéo léo, người mắt sáng còn không học được, huống gì một anh mù. Suốt mấy tháng trời, ông Dương đi nhiều nơi ở Hà Nội, xuống cả Hải Phòng vẫn không xin học được. Sau cùng ông đành nghĩ cách đem chìa khóa của mình cho thợ sửa để nghe ngóng cách làm, rồi mua một bộ đồ nghề về mày mò tự học. Mò mẫm thế mà thành công, ông cũng sửa được ổ khóa đầu tiên.

Ông lão mù sửa khóa

Đó là hành trình gian nan đến với nghề sửa khóa của ông lão mù Phan Dương (ngụ thôn Long Sơn, xã Đức An, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh) cách đây mấy chục năm.

Từ đàn hát đến anh thợ khóa

Nhà ông Dương tọa lạc trên dốc đồi, xung quanh cây cối rậm rạp, vắng vẻ. Hàng xóm gần nhất cũng ở cách một quả núi. Đang ngồi đóng bàn, nghe tiếng khách đến, ông lão mù vừa hỏi ai vừa dò dẫm đi ra sân. Vợ ông, bà Tạ Thị Thủy, đang lúi húi trong bếp chuẩn bị bữa trưa cũng tất tả chạy ra đón khách.

Ông Dương đi lại nhanh nhẹn không va vấp bất cứ đồ đạc nào trong nhà. Ông cười cho biết, để quen với cuộc sống mù lòa, ông đã mất nhiều thời gian tập luyện. Có những lúc khó khăn quá, tưởng như ông buông xuôi tự vẫn cho gia đình đỡ khổ, nhưng cuối cùng nghị lực đã tiếp sức cho ông vượt qua số phận.

Cuộc đời ông Dương khi sinh ra nghèo khó, lúc trưởng thành lại gian truân. Cha mẹ đều là nông dân, ông là con út, trước có hai chị gái. Sinh ra là người khỏe mạnh bình thường, nhưng năm bảy tuổi, tự nhiên mắt ông sưng vù và đau nhức. Nhà nghèo không có tiền đưa con đi bệnh viện nên cha mẹ ông dùng những lá thuốc quanh nhà chữa trị. Không ngờ bệnh tình ngày càng nặng khiến hai mắt dần dần không nhìn được. Lúc ấy gia đình mới hoảng hốt vay tiền đưa con ra Hà Nội, nhưng bác sĩ lắc đầu nói quá muộn, không thể cứu được đôi mắt cho cậu bé.

Phải mấy mấy năm Dương mới vượt qua cú sốc và làm quen với cuộc sống của người mù. Năm 12 tuổi, ông nghĩ mình phải kiếm một công việc để nuôi sống bản thân, không thể dựa dẫm vào gia đình. Ông xin tiền bố mẹ sắm một bộ đồ làm mộc để học nghề. Nhưng, công việc khó hơn ông nghĩ. Phần lớn các công đoạn làm mộc ông đều làm tốt, riêng việc cưa xẻ thì không thể nào cưa cho thẳng. Phần vì không nhìn thấy, phần vì sức yếu nên nhiều lần ông cưa nhầm vào tay. Sau thời gian học nghề mộc, hai bàn tay ông chi chít các vết thương lớn nhỏ. Nhận thấy đây không phải công việc phù hợp với bảnthân, ông dừng lại không học nữa.

Không chịu lùi bước, ông Dương chuyển qua học kéo đàn bầu. Trời phú cho ông giọng hát hay cộng với năng khiếu cảm nhạc nên trong thời gian ngắn ông Dương đã đàn hát thành thục. Năm 15 tuổi, bỏ ngoài tai lời can ngăn của gia đình, ông quyết tâm rời nhà đi đàn hát kiếm sống. Ngày đi ông chỉ mang theo cây gậy dò đường, vài bộ quần áo và chiếc đàn bầu.

Địa điểm ông thường lui tới đàn hát là các khu chợ và những nơi tập trung đông người. Sau khi hát kiếm được ít tiền, ông lại xách “bị gậy” một mình lên trung tâm huyện học nghề làm bún, một nghề rất thịnh hành tại Đức Thọ ngày ấy. Mặc dù sáng dạ, siêng năng, học nghề rất nhanh nhưng ông cũng không gắn bó với nghề này được lâu dài, bởi lúc đó chiến tranh ác liệt, lương thực thiếu thốn, nghề làm bún cũng bị hạn chế. Ông Dương chán nản bỏ việc tiếp tục ôm đàn đi hát dạo.

Trong hành trình mưu sinh, ông đã học thêm, làm thêm nhiều nghề nhưng không gắn bó với công việc nào được lâu dài. Cho đến một ngày khi đang buôn bán ở chợ Đồng Xuân (Hà Nội), tình cờ ông gặp một người thợ sửa khóa quê Hải Phòng. Ông Dương “mê” ngay cái nghề này vì cho rằng thợ khóa có đất sống lâu dài, người giàu hay nghèo cũng phải dùng khóa, cái chìa khóa lại nhỏ, dễ bị thất lạc, lại phải tìm đến thợ.

Tuy nhiên, quá trình học nghề cũng lắm gian nan. Không ai chịu nhận ông làm “đệ tử”. Ai cũng nói cái nghề này đòi hỏi khéo léo, người mắt sáng còn không học được, huống gì một anh mù. Suốt mấy tháng trời, ông Dương đi nhiều nơi ở Hà Nội, xuống cả Hải Phòng vẫn không xin học được. Sau cùng ông đành nghĩ cách đem chìa khóa của mình cho thợ sửa để nghe ngóng cách làm, rồi mua một bộ đồ nghề về mày mò tự học. Mò mẫm thế mà thành công, ông cũng sửa được ổ khóa đầu tiên.

Sửa khóa không được, không lấy tiền

Ông Dương hăm hở trở về quê hương hành nghề, dựng một túp lều nhỏ ở chợ. Nhưng cả tháng trời không có khách. Ông ngạc nhiên dò hỏi mới biết người dân không tin người mù có thể sửa được khóa. Từ đó, ông thợ khóa mù nhờ người viết tấm biển lớn ghi rõ “sửa không được, không lấy tiền”. Bắt đầu một vài khách đến nhưng chủ yếu do tò mò. Nào ngờ tận mắt chứng kiến ông Dương thi triển tài nghệ, ai cũng trầm trồ thán phục. Tiếng lành đồn xa, người dân các nơi cứ mất khóa, hỏng khóa lại mang đến tìm ông thợ mù. Tiền công theo ông chẳng đáng bao nhiêu, nhưng giúp ông nuôi được bản thân và chăm lo thêm cả cho vợ con.

Nhắc đến người vợ của mình, ông Dương nói giọng trìu mến: “Tôi mù lòa nên chẳng dám mơ ước có được hạnh phúc gia đình. Không ngờ bà ấy không chê mà còn chịu về làm vợ tôi. Nếu không có bà ấy thì cuộc đời tôi có lẽ không được như ngày hôm nay”.

Ngày gặp vợ, ông Dương 24 tuổi, bà Thủy mới tuổi 16. Trong một lần ông đến thôn của bà hát dạo, cô thôn nữ đã đem lòng yêu mến tiếng đàn, lời ca cũng như nghị lực của chàng trai tật nguyền. Vài tháng sau họ chính thức nên duyên vợ chồng.

Bà Thủy kể lại: “Ngày đó mọi người đều bảo tôi hết người để lấy rồi hay sao mà đi lấy anh mù, cưới về rồi lấy gì mà sống. Nhưng tôi tin ông ấy. Tôi nhận thấy người đàn ông tàn tật ấy có nghị lực kiên cường. Bố mẹ phản đối mãi không được nên đành đồng ý”.

Sau đám cưới, bà Thủy ở nhà lo ruộng đồng và chăm sóc bố mẹ chồng, ông Dương vẫn bươn chải khắp nơi kiếm sống. Khi năm người con lần lượt ra đời, ông không đi xa nữa, chỉ tập trung ở nhà hành nghề sửa khóa. Cảnh đông con, cuộc sống ngày càng khó khăn. Ông Dương còn tranh thủ kiêm thêm nghề mộc, đan lát... làm nghề gì cũng được mọi người khen khéo tay. Hiện các con ông đều trưởng thành và có cửa nhà riêng.

Sau lần bị tai biến vào năm 2014, sức khỏe ông Dương không còn như trước, thi thoảng mới xuống chợ hành nghề. Nhiều khách không thấy ông đã tìm đến tận nhà. Có người còn đánh xe đến “rước” ông về tận nhà mình sửa khóa. Những lúc rảnh ông lại đan lát rổ rá hoặc kiếm gỗ vụn làm những vật dụng trong nhà, làm bàn ghế cho các cháu học bài, nuôi thêm đàn gà, đàn vịt. Lúc nào ông cũng luôn chân luôn tay, nhanh nhẹn, vui vẻ. Như ông nói: “Có khi quên mất đôi mắt mình không còn nhìn được”.

Năm 1990, huyện Đức Thọ thành lập Hội người mù, ông Dương là một trong những người đầu tiên được bầu vào Ban chấp hành Hội. Thời gian hoạt động tại đây ông có nhiều đóng góp thúc đẩy sự phát triển nghề trong Hội như đan lát, làm tăm tre, đồ mỹ nghệ... và thường xuyên giúp đỡ, động viên nhưng người có hoàn cảnh như mình vươn lên. Với những đóng góp của mình, ông Dương nhiều lần được nhận bằng khen của UBND tỉnh Hà Tĩnh, Hội người mù huyện Đức Thọ và Hội người mù Việt Nam.

Tác giả: Thảo Phương

Nguồn tin: Báo Pháp luật Việt Nam

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP