Trong khi xã hội vẫn còn những thành kiến và góc nhìn chẳng mấy thiện cảm về người nghiện ma túy thì tại tỉnh Hưng Yên, một mô hình được triển khai đã và đang mang lại sự đồng thuận trong nhân dân, doanh nghiệp và chính quyền địa phương, đó là mô hình xã hội hóa công tác cai nghiện.
Thành công của mô hình không dừng lại ở việc giúp làm giảm người nghiện, góp phần đảm bảo an ninh, trật tự (ANTT) trên địa bàn mà còn mang ý nghĩa lớn hơn. Đó là trong cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm và phòng ngừa tệ nạn xã hội, đặc biệt là ma túy, lực lượng Công an không còn “đơn thương, độc mã” .
Tiếng lành đồn xa, hiệu quả của mô hình xã hội hóa công tác cai nghiện thôi thúc chúng tôi tìm về Yên Mỹ (Hưng Yên) vào một buổi chiều cuối đông se lạnh. Xã Yên Phú là một trong 17 xã của huyện Yên Mỹ, thực hiện xã hội hóa công tác cai nghiện thành công. Chúng tôi đã đến nhà của một người vừa cai nghiện tự nguyện thành công trở về.
Trong gian nhà ấm cúng, Trần Văn Biển cùng những người thân đang quây quần bên mâm cơm. Thấy chúng tôi, cả gia đình dừng bữa, đon đả mời vào nhà, vui nhất có lẽ là vợ chồng ông Lê Văn Vẽ.
Với các bậc sinh thành, có niềm hạnh phúc nào hơn khi cậu con trai đã tránh xa được ma túy, chí thú làm ăn, cùng những người thân trong gia đình chờ đón đứa con đầu lòng. Niềm hạnh phúc thật giản dị nhưng đối với ông Vẽ và những người thân trong gia đình, có những lúc tưởng chẳng bao giờ trở thành hiện thực.
Vợ chồng ông Vẽ có 2 người con, có nếp, có tẻ. Con gái lớn của họ đã yên bề gia thất, còn Biển thường bỏ nhà đi chơi đêm và có quan hệ với nhiều đối tượng xấu trên địa bàn.
Vợ chồng ông từ sớm tinh mơ đến tối mịt bận rộn với công việc đồng áng, không biết rằng cậu con trai nối dõi tông đường đua đòi, đã theo chúng bạn tập tành sử dụng ma túy đá. Khi một số chủ nợ đến nhà đòi tiền, họ mới tá hỏa biết rằng con trai đã hư hỏng, vợ chồng ông vì xấu hổ, đành nhẫn nhịn trả nợ cho con...
Khi Biển lập gia đình, vợ chồng ông Vẽ nghĩ rằng con trai sẽ chí thú làm ăn nhưng Biển vẫn chứng nào tật nấy. Giữa lúc ấy, Công an xã Yên Phú tìm đến. Sau khi được phân tích và lực lượng Công an huyện Yên Mỹ, Công an xã Yên Phú cho biết sẽ hỗ trợ một phần kinh phí, giúp con trai họ cai nghiện ma túy, gia đình ông Vẽ đã đồng ý.
Ông Phạm Văn Huy, Giám đốc Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Trường Phát trao đổi với cán bộ Công an huyện Yên Mỹ. |
Trần Văn Biển chỉ là một trong những trường hợp đã tự nguyện tham gia cai nghiện ma túy và bước đầu mang lại những thành công nhất định.
"Trong năm 2017, tại xã Yên Phú đã có 5 người nghiện, cai nghiện tự nguyện bằng nguồn kinh phí xã hội hóa” - Trưởng Công an xã Yên Phú, đồng chí Nguyễn Hữu Huy bộc bạch với chúng tôi.
Yên Phú chỉ là 1/17 xã của huyện Yên Mỹ triển khai mô hình xã hội hóa công tác cai nghiện. Theo thống kê của Công an huyện thì trong năm 2017 đã có 35 trường hợp tham gia cai nghiện tự nguyện. Vạn sự khởi đầu nan, những ngày đầu thật không dễ dàng, Trung tá Lê Ngọc Bộ, Phó trưởng Công an huyện Yên Mỹ giãi bày.
Khi lực lượng Công an và chính quyền địa phương vào vận động, không ít gia đình đã né tránh... Trường hợp gia đình ông Phạm Văn Ng. (trú tại xã Yên Phú) là một ví dụ.
Ông Ng. là một cựu chiến binh, ông có 3 người con, hai người con đầu đều ngoan ngoãn, chí thú làm ăn; chỉ có cậu con trai út là hư hỏng. Bởi sợ mang tiếng với đồng đội, làng xóm và dòng họ, ông và gia đình cố gắng chịu đựng.
Vì thế, khi tổ công tác của Công an huyện Yên Mỹ, Công an xã Yên Phú có mặt, người đàn ông này tỏ thái độ khó chịu ra mặt. Không nản chí, lần sau tổ công tác lại đến... thái độ của ông Ng. lúc này đã thân thiện hơn.
Với những lời lẽ nhẹ nhàng, thấu tình đạt lý, tổ công tác đã phân tích cho ông Ng. hiểu rằng đây chỉ là căn bệnh xã hội và đi cai nghiện cũng chỉ là hình thức đi chữa bệnh... Như được cởi nỗi lòng, ông đã chia sẻ những tâm sự từ đáy lòng. Sau đó, vợ chồng ông đã thống nhất đồng ý cho con trai đi cai nghiện tự nguyện.
Ý tưởng xã hội hóa công tác cai nghiện xuất phát từ khó khăn trong công tác đưa người nghiện vào các trung tâm cai nghiện bắt buộc. Đối tượng phải đủ 18 tuổi, có nơi cư trú ổn định; có quá trình giáo dục tại xã phường. Rồi kéo theo đó là nhiều thủ tục khác theo quy định của pháp luật...
Trong năm 2016, Công an huyện Yên Mỹ đã lập 4 hồ sơ cai nghiện bắt buộc, chuyển sang Tòa án nhân dân huyện Yên Mỹ để xét xử. Nhưng đến phút cuối cùng thì phải dừng lại vì các đối tượng trình giấy cai nghiện Methadol.
Trong khi đi tìm hướng giải quyết, Công an huyện Yên Mỹ đã trao đổi thông tin với trung tâm cai nghiện của tỉnh Hưng Yên. Từ đó, ý tưởng đưa người nghiện đi cai nghiện tự nguyện bắt đầu hình thành.
Nhưng lúc này, lại có một khó khăn nảy sinh đó là vấn đề kinh phí. Một số gia đình muốn đưa con đi cai nghiện nhưng gia cảnh của họ quá khó khăn, nếu đi cai nghiện trong vòng từ 1-2 năm phải đóng số tiền hơn 20 triệu đồng. Đây là một khoản không nhỏ, phải lấy nguồn kinh phí từ đâu.
Ý tưởng xã hội hóa công tác cai nghiện từ đó ra đời. Thế nhưng, làm thế nào để người dân và các doanh nghiệp ủng hộ. Đội xây dựng phong trào và phụ trách xã về ANTT, Công an huyện Yên Mỹ đã đến từng gia đình, gặp các doanh nghiệp rồi phân tích cho người dân thấy được tác hại của ma túy... Cán bộ Đội phong trào phối hợp với lực lượng Công an xã đến từng địa bàn vận động...
Sau đó gửi thư kêu gọi, mọi thành phần đóng góp một phần kinh phí vào công cuộc đấu tranh, phòng, chống đẩy lùi tệ nạn xã hội, đặc biệt là tệ nạn ma túy để góp phần ổn định nhân dân và các doanh nghiệp. Hiểu được ý nghĩa thiết thực của mô hình, người dân, doanh nghiệp và thân nhân những người nghiện đã tin tưởng, ủng hộ Công an và chính quyền địa phương trong một chủ trương hợp tình người dân.
Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Văn Huy, Giám đốc Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Trường Phát, một doanh nghiệp đã tích cực đóng góp vào mô hình cho biết: Nếu giảm được người nghiện thì tệ nạn xã hội trên địa bàn cũng giảm. Cũng vì thế, tôi mong muốn đóng góp công sức của mình để góp phần đảm bảo tình hình ANTT trên địa bàn.
Tác giả: Xuân Mai
Nguồn tin: Báo Công an nhân dân