Tin

Hà Tĩnh: Chuyện bi hài ở thị trấn đến nước bẩn cũng không có mà dùng

Hứng nước mưa để ăn, lấy nước từ ao hồ để sinh hoạt… là thực trạng nghe có vẻ khôi hài đã và đang diễn ra hàng chục năm nay đối với người dân tại 6 khối, xóm thuộc TT Nghèn, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh)

Ngay sau khi nghe câu chuyện thật đến khó tin này, PV đã về tại địa phương để tìm hiểu.

Tại đây, ấn tượng đầu tiên khi chúng tôi đặt chân tới vùng đất thị thành này là nhà nào cũng có đến hai ba bể chứa nước và nhà nào cũng có ống dẫn nước bắt từ mái nhà xuống bể. Hỏi ra mới hay, những cái ống này là để hứng nước mưa dùng cho sinh hoạt bởi hàng chục năm nay, hàng trăm hộ dân nơi đây sống trong cảnh thiếu nước sạch.

Qua tìm hiểu được biết, đối mặt với việc thiếu nước sạch sinh hoạt hàng chục năm nay là hàng trăm hộ gia đình thuộc 6 đơn vị khối, xóm là Hồng Vinh, Phúc Xuân,cồn Phượng, Xuân Thuỷ 1, Xuân Thuỷ 2.

 ht
Chuyện bi hài ở thị trấn đến nước bẩn cũng không có mà dùng - Ảnh 2

Ống dẫn nước bắt từ mái nhà xuống bể là hình ảnh phổ biến nhất khi đặt chân tới 6 khối, xóm thuộc thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh)

Để có nước sử dụng, những hộ dân này chỉ còn cách lấy nước từ các ao hồ đọng lại, hứng nước mưa và thậm chí là lấy nước từ những kênh mương thủy lợi nội đồng – nơi lẫn biết bao tạp chất như xác động vật chết, thuốc sâu, thuốc cỏ.

Bà Nguyễn Thị Thu (52 tuổi), trú tại xóm Phúc Xuân cho biết: “Người dân ở đây đã sống trong cảnh thiếu nước sạch hành chục năm nay. Để có nước sinh hoạt, tắm giặt, rửa chén bát, chúng tôi đều phải lấy từ ao hồ, kênh mương. Còn để nấu cơm, nấu nước, chúng tôi phải hứng nước mưa từ trên mái nhà xuống. Mùa mưa thì đang có nước để sử dụng còn mùa hè nắng nóng, dân chúng tôi thực sự rất khổ sở vì không có nước nấu ăn”

Cũng theo bà Thu, hai mươi mấy năm sinh sống tại đây là chừng ấy thời gian gia đình bà và các hộ dân trong xóm phải chịu cảnh “khát” nước sạch. “Nhiều lúc đến rửa mặt chúng tôi còn không dám rửa nhiều, phải tiết kiệm nước đến mức tối đa nhất”, bà Thu ngao ngán nói.

Chuyện bi hài ở thị trấn đến nước bẩn cũng không có mà dùng - Ảnh 3

Bể dẫn nước từ kênh vào của gia đình bà Thu, dù rất bẩn nhưng đây là nguồn nước sinh hoạt của gia đình

Theo đó, nguồn nước người dân nơi đây sử dụng là lấy từ kênh mương ở đồng ruộng. Khi dẫn nước về sinh hoạt, người dân phải khử bằng vôi, bằng thuốc vi sinh vì nguồn nước quá ô nhiễm. Nước bẩn là vậy nhưng họ cũng không còn cách nào khác, bởi đây là nguồn nước chính của hàng trăm hộ dân.

Một người dân chia sẻ với chúng tôi, những mùa khô hạn, nắng nóng, đến nước bẩn cũng không có mà dùng.

Theo quan sát của chúng tôi, nguồn nước mà người dân nơi đây dẫn từ ao, hồ về để sử dụng có màu sẫm, lẫn rất nhiều rong rêu. Nhìn qua ít ai có thể ngờ rằng thứ nước này dùng để sinh hoạt, tắm giặt, rửa chén bát hay thậm chí là nấu ăn.

Ông Trần Đình Lương, trú tại xóm Xuân Thủy 1 chỉ tay về cái ao đầy những rong rêu và nói: Nước sinh hoạt của người dân chúng tôi là ở đó đấy, cái ao ấy 2 – 3 gia đình cùng dùng, chứ dân ở đây không biết đến nước sạch là gì đâu. Nước ở ao đấy là dùng để tắm giặt, rửa còn ăn uống thì dân chúng tôi phải hứng nước mưa. Người dân cũng đã nhiều lần kiến nghị lên chính quyền và các cấp liên quan nhưng ngày này qua tháng khác vẫn không có tiến triển gì.

Cùng chung cảnh ngộ, chị Hằng, một người dân ở xóm Hồng Vinh ngậm ngùi cho hay: Gia đình chị và 3 – 4 hộ dân nơi đây cùng chung nhau một cái ao đầy rong rêu để lấy nước. Biết là nước bẩn, ô nhiễm do xác động vật rồi đủ thứ ngấm trong đất nhưng nếu không có cái ao này thì dân chúng tôi biết lấy nước đâu mà sinh hoạt. Có lúc cả gia đình kéo nhau ra rào, ra ao tắm giặt rồi sau đó lại múc nước ấy về ăn nhưng bí quá không có nước thì đành chấp nhận.

Chuyện bi hài ở thị trấn đến nước bẩn cũng không có mà dùng - Ảnh 4

Cái ao đầy rong rêu này là nguồn nước sinh hoạt của gia đình chị Hằng và 2 – 3 gia đình khác trong xóm

“Mỗi lúc trời hạn không có mưa, bể không hứng được nước để ăn thì dân chúng tôi bất đắc dĩ phải dùng nước vũng, nước ao để ăn. Mà ăn như thế chị biết ô nhiễm và nguy hiểm thế nào đấy. Con tôi do tắm nước ao, nước hồ mà nay cũng bị mẩn ngứa khắp người nhưng rồi cũng phải thôi. Mang tiếng dân thị trấn mà không khác gì dân vùng sâu vùng xa”, chị Hằng nói.

Đứng sát ao nước đầy rong rêu, que cành và sẫm màu chị Hằng chị, chúng tôi không khỏi giật mình và tự hỏi, người dân nơi đây lấy cam đảm ở đâu để múc thứ nước này về sinh hoạt.

Ngoài đủ thứ trôi nổi phía trên mặt nước, những nguồn nước ao hồ này còn ô nhiễm nghiêm trọng, lẫn các tạp chất từ xác động vật, thuốc trừ sâu, phân bán… rất nguy hiểm. Ấy vậy mà riêng cái ao ấy đã có không dưới 5 cái ống dẫn nước người dân bỏ xuống đó để dẫn nước về nhà sinh hoạt.

Có thể thấy rằng, cuộc sống của hàng trăm hộ dân và hàng nghìn nhân khẩu nơi đây đang phụ thuộc vào thời tiết. Trời mưa nhiều thì dân có nước nấu còn trời ít mưa thì cả xóm cũng điêu đứng đến rửa mặt cũng không dám. Thậm chí, có những lúc vì quá bí, quá thiếu nước, họ cũng đành chấp nhận dùng chính nguồn nước bẩn đục ngầu này.

Liên quan đến vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thái Dương, Chủ tịch UBND thị trấn Nghèn. Ông Dương cho biết, vấn đề nước sạch sinh hoạt tại 5 khối, xóm nói trên là vấn đề rất nan giải. Nước sạch là một yếu tố rất quan trọng trong sinh hoạt của người dân, trong khi người dân ở 5 khối, xóm là Xuân Thủy 1, Xuân Thủy 2, Hồng Vinh, Phúc Xuân và Cồn Phượng đang dùng nước ao hồ là rất nguy hiểm. Thậm chí đến mùa hạn hán, người dân còn phải thuê xe đi chở nước ở những nơi khác về sử dụng, đời sống gặp rất nhiều khó khăn.

Chuyện bi hài ở thị trấn đến nước bẩn cũng không có mà dùng - Ảnh 5

Nguồn nước ở đồng ruộng, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm nhưng người dân cũng phải dùng vì “khát” nước

Trước vấn đề này, chúng tôi hết sức trăn trở, đã nhiều lần họp, đề xuất lên các cơ quan ban nghành liên quan, nhưng đến nay vẫn không có nguồn đầu tư để giải quyết vấn đề này. Hiện nay, chúng tôi đang cố gắng tiếp cận, xin thêm nguồn từ bên ngoài. Nếu quá khó khăn, chính quyền thị trấn sẽ trích ngân sách cùng với nhân dân để có nước sạch cho người dân sử dụng, an tâm sinh hoạt.

Nếu không được tận mắt chứng kiến người dân nơi đây đang khổ sở vì “khát” nước thì chúng tôi thật sự không tin được rằng vùng đất này là thị trấn của một huyện. Thiết nghĩ, các cơ quan liên quan cần có hướng giải quyết dứt điểm vấn đề này để người dân có nước sinh hoạt, không ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và sức khỏe.

Thúy Quỳnh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP