Năm 2016 Hà Tĩnh xảy ra nhiều dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi như: Dịch lở mồm long móng trên đàn trâu bò; dịch tai xanh, dịch tả ở lợn và một số dịch bệnh xảy ra trên đàn gia cầm… làm cho hàng ngàn con gia súc, gia cầm bị mắc bệnh và chết…
Riêng những tháng đầu năm 2017, dịch lở mồm long móng trên đàn gia súc đã xảy ra trên địa bàn 6 xã thuộc 3 huyện, thị xã. Đặc biệt những ngày gần đây, dịch cúm gia cầm chủng A/H5N1 đã xuất hiện tại một hộ chăn nuôi ở xã Kỳ Bắc, huyện Kỳ Anh. Một số đàn gà bị ốm chết, không rõ nguyên nhân ở xã Cẩm Minh, huyện Cẩm Xuyên.
Đánh giá về công tác phòng chống dịch, nhiều ý kiến cho rằng: Khó khăn hiện nay là do chăn nuôi nông hộ còn chiếm tỷ lệ lớn; nhận thức của người chăn nuôi về phòng chống dịch chưa cao; kết quả tiêm vắc xin phòng dịch đạt thấp; công tác quản lý giết mổ tại nhiều địa phương còn nhiều bất cập; mạng lưới thú y chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ…
Để chủ động triển khai phòng chống dịch trên đàn gia súc, gia cầm, giải pháp hiệu quả nhất được xác định là: Tập trung chỉ đạo, triển khai công tác tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm; tăng cường quản lý mua bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn; quản lý chặt chẽ hoạt động kinh doanh thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi và hành nghề thú y…
Về Đề án Nuôi trồng thủy sản năm 2017, hội nghị xác định: Phát triển nuôi trồng thủy sản năm 2017 phải gắn với thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Các địa phương phát triển mạnh đối tượng nuôi chủ lực; mở rộng vùng nuôi thâm canh; triển khai các giải pháp nuôi công nghiệp, nuôi an toàn sinh học, nâng cao năng suất, chất lượng thủy sản và bảo vệ môi trường…
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn yêu cầu ngành NN&PTNT kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh các giải pháp về phòng, chống dịch trên đàn gia súc, gia cầm. Trong đó, đẩy mạnh tuyên truyền về phòng chống dịch; quan tâm tới chính sách hỗ trợ người chăn nuôi về kinh phí tiêm phòng; quản lý, giám sát chặt chẽ lượng gia súc, gia cầm ra vào địa bàn. Thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo dịch và tập trung xử lý, không để dịch bệnh lan ra diện rộng…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu các ngành chuyên môn, địa phương rà soát loại quy hoạch, cùng với các giải pháp điều chỉnh để nuôi trồng thủy sản phát triển bền vững. Tổ chức sản xuất theo hướng hợp tác và liên kết theo chuỗi; tăng cường kiểm soát con giống, quan trắc môi trường vùng nuôi… Ngoài ra, cần phải tập trung cao việc khắc phục hậu quả do sự cố môi trường biển để người dân yên tâm phát triển sản xuất.
Tiến Thành