Tin Hà Tĩnh

Hà Tĩnh: Chủ đầu tư đình chỉ “bằng miệng” tại sai phạm công trình trăm tỷ

Sau khi Báo điện tử Xây dựng có bài viết: “Hà Tĩnh: Chủ đầu tư phủi trách nhiệm vì đã bỏ tiền thuê giám sát dự án trăm tỷ” phản ánh về một số bất cập từ Dự án củng cố, nâng cấp đê Đồng Môn (giai đoạn II). Những tưởng, chủ đầu tư là UBND TP Hà Tĩnh sẽ có động thái tích cực trong việc giám sát và quản lý dự án, nhằm khắc phục, chỉnh đốn nhà thầu thi công công trình đạt chất lượng, phát huy hiệu quả nguồn vốn.

Thế nhưng, trong 2 buổi làm việc với phóng viên (PV) Báo Xây dựng, đại diện chủ đầu tư “quanh co” không cung cấp được cho PV những thông tin, tài liệu liên quan đến sai phạm và xử lý sai phạm tại dự án này. Liệu rằng dự án hơn trăm tỷ đồng có đạt được chất lượng như yêu cầu đặt ra và việc sử dụng nguồn vốn có thực sự hiệu quả?.

Công trình cấp bách thi công tạm bợ

Dự án củng cố, nâng cấp đê Đồng Môn (giai đoạn II) triển khai dựa trên nguồn vốn từ Quyết định số 923/QĐ – TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Chương trình mục tiêu tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp và phòng chống giảm nhẹ thiên tai, ổn định đời sống dân cư, với hệ thống đê sông; Củng cố thân đê; Cứng hóa mặt đê, làm đường hành lang mặt đê; Xử lý nền đê; Xử lý sạt lở bờ sông; Tu sửa cống dưới đê; Đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị cho công tác quản lý đê; Xây dựng, củng cố các công trình phòng chống úng ngập, triều cường.

Tuy nhiên, những ngày đầu thi công, dự án đã bộc lộ nhiều bất cập, trong đó nghiêm trọng nhất là hệ thống thân đê, được chủ đầu tư và nhà thầu “bắt tay” nhau sử dụng nguồn vật liệu bất hợp pháp và không đạt chất lượng yêu cầu.

Sắt thép sử dụng thi công cống là loại thép gia công, bị rỉ sét chỉ sau 1 thời gian ngắn khi đưa ra công trường.

Sau khi Báo điện tử Xây dựng phản ánh những bất cập về chất lượng nguyên vật liệu đầu vào và những sai phạm liên quan, PV đã đặt lịch làm việc với ông Văn Viết Ninh – Giám đốc Ban quản lý (BQL) các dự án Đầu tư xây dựng cơ bản TP Hà Tĩnh.

Tuy nhiên, qua 02 lần làm việc, PV không được cung cấp bất cứ hồ sơ tài liệu nào liên quan đến dự án. Thay cho các câu trả lời khi PV đặt câu hỏi thì vị Trưởng ban này thường xuyên lặp đi lặp lại cụm từ: “Dự án gặp khó khăn về nguồn đất, các anh, chị thông cảm…” rồi lại đẩy PV sang làm việc với cấp dưới.

Làm việc với PV lần thứ 2, Ông Ngô Minh Huấn - cán bộ BQL dự án vẫn không đưa ra được bất kỳ một hồ sơ, tài liệu hay văn bản nào ở dự án do mình trực tiếp quản lý, giám sát. Khi PV đề nghị cung cấp một số văn bản về sai phạm và xử lý sai phạm của BQL đối với nhà thầu, thì vị này cố loanh quanh bởi các văn bản mà vị này nói có và khẳng định đã có chẳng qua chỉ là văn bản được lập bằng miệng.

Theo ông Huấn thì: “Ban đã đình chỉ dự án và đã yêu cầu đơn vị tư vấn – giám sát cùng với đơn vị thi công là Cty CP Xây lắp Thành Vinh lập một số văn bản về kiểm tra chất lượng công trình, sau đó mới cho thi công tiếp”. Tuy nhiên, sau khi làm việc với BQL dự án (ngày 21/08/2018) và khảo sát công trình, PV vẫn ghi nhận được đơn vị này đang triển khai thi công và không có dấu hiệu cho thấy dự án đang bị đình chỉ.

Thời điểm này, theo ghi nhận bằng hình ảnh của PV, một số công nhân của Cty CP Xây lắp Thành Vinh đang “tô son, điểm phấn” cho hệ thống thân cống (1 hạng mục của dự án) bị rạn nứt, hở “hàm ếch” bởi những khối bê tông được thi công gian dối, đầm nén sơ sài.

Công nhân của đơn vị thi công đang “tô son, điểm phấn” cho hàng khối bê tông bị rổ, hở “hàm ếch” ở hạng mục cầu cống do nhà thầu đầm nén sơ sài.

Tất cả những văn bản mà cán bộ BQL dự án nêu cũng chỉ được biết bằng miệng chứ PV không được tiếp cận vì cấp trên cứ chỉ xuống cấp dưới và cấp dưới lại đùn đẩy lên cấp trên, đẩy PV “loanh quanh” hết phòng này đến phòng khác của UBND TP Hà Tĩnh mà vẫn không được cung cấp bất cứ văn bản nào.

Bất cứ công trình khi triển khai thi công bắt buộc phải có nhà điều hành để bảo quản vật liệu và hồ sơ công trình, thế nhưng công trình Dự án củng cố, nâng cấp đê Đồng Môn mà PV tiếp cận, hồ sơ và các tài liệu liên quan không được cung cấp vì lý lo không thể chấp nhận được như: “Tất cả tài liệu, văn bản như biên bản nghiệm thu vật liệu đầu vào, nhật ký thi công… đều bỏ quên ở Cty” và suốt nhiều ngày sau đó, sau khi Báo điện tử Xây dựng phản ánh cũng không cung cấp được cho PV. Liệu có gì khuất tất sau hồ sơ dự án này không?

Quản lý tài nguyên theo kiểu “sống chết mặc bay”

Trong một diễn biến khác, sau khi phản ánh về việc Cty TNHH Hoàng Tuấn Khanh (xã Thạch Kênh, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) sử dụng điểm mỏ san lấp phục vụ Nông thôn mới tại xã Ngọc Sơn (huyện Thạch Hà) để bán ra ngoài địa bàn (cung cấp đất đắp cho Dự án củng cố, nâng cấp đê Đồng Môn) trục lợi với số lượng hàng chục nghìn mét khối.

Mặc dù chủ doanh nghiệp này là ông Từ Dương Hoàng đã thừa nhận sai phạm, thế nhưng, trao đổi với PV Báo điện tử Xây dựng ông Hoàng Việt Hùng - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) cho biết: “Bài báo nêu tôi đã đọc, việc doanh nghiệp Hoàng Tuấn Khanh khai thác đất bán ra ngoài địa bàn chúng tôi cũng có nghe phản ánh nhưng không nắm được chứng cứ nên không thể xử lý. Chúng tôi đã lập Đoàn thanh tra và đã nhắc nhở đơn vị này rồi”. Khi PV xin văn bản của Đoàn thanh tra thì ông Hùng trả lời: “Không có văn bản, chỉ bằng miệng”.

Việc một lãnh đạo, quản lý cao nhất của Phòng Tài nguyên và Môi trường cấp huyện nhưng lại dửng dưng trước việc quản lý và bảo vệ nguồn tài nguyên trên địa bàn của mình khiến dư luận hoài nghi về mục đích xin cấp mỏ và chủ trương cấp mỏ phục vụ Nông thôn mới ở huyện này.

Phải chăng, đến thời điểm hiện tại, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã hoàn thành mục tiêu xây dựng Nông thôn mới, nên người chịu trách nhiệm quản lý tài nguyên ở đơn vị này đang “bật đèn xanh” cho doanh nghiệp khai thác, phân phát nguồn tài nguyên cho các địa bàn khác một cách bất hợp pháp như trên.

Được biết, Dự án củng cố, nâng cấp đê Đồng Môn (giai đoạn II) được trích từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu Tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp và phòng chống giảm nhẹ thiên tai, ổn định đời sống dân cư của quốc gia trong tổng mức vốn thực hiện Chương trình: 306.660 tỷ đồng, trong đó: Ngân sách Trung ương cho Chương trình: 22.460 tỷ đồng; vốn ODA: 14.200 tỷ đồng; các nguồn vốn hợp pháp khác: Khoảng 270.000 tỷ đồng.

Như vậy, ngoài nguồn ngân sách Trung ương, nguồn huy động hợp pháp khác thì 1 phần trong đó là nguồn vay nợ nước ngoài. Và một khi chủ đầu tư buông lỏng quản lý, giám sát không chặt chẽ và nhà thầu đạt mục tiêu lợi nhuận chứ không quan tâm chất lượng công trình thì việc phát huy hiệu quả của nguồn vốn này là điều không tưởng.

Đề nghị các cơ quan chức năng có thẩm quyền nhanh chóng vào cuộc, kiểm tra xử lý sai phạm và chỉnh đốn lại các đơn vị có liên quan đến dự án, trả lại ý nghĩa thiết thực mà mục tiêu của dự án đã đề ra.

Báo điện tử Xây dựng sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc vấn đề này.

Tác giả: Phi Long – Lê Mỹ

Nguồn tin: Báo Xây dựng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP