>> Can Lộc: Biến ruộng thành ao để lấy đất bán cho nhà máy gạch
Sau khi chúng tôi đăng tải bài viết “Biến ruộng thành ao để bán đất cho nhà máy gạch”, dư luận nhân dân xã Thanh Lộc hết sức đồng tình, đánh giá cao và tiếp tục có phản ảnh về những việc làm sai trái của lãnh đạo chính quyền địa phương. Trong đó, vấn đề bức xúc nhất hiện nay chính là việc UBND xã, cụ thể là ông Chủ tịch Lê Văn Nhiếu đã bất chấp các quy định của pháp luật, tự ý cho thuê hàng chục lô đất với thời gian từ 10 – 49 năm. Để làm rõ, chúng tôi tiếp tục quay trở lại xã Thanh Lộc tìm hiểu sự việc và thực sự bất ngờ trước những gì đang diễn ra ở đây.
Dạo quanh một vòng dọc theo tuyến đường Thiên Phú, đoạn đi qua các xóm: Thanh Đồng, Thanh Bình, Thanh Tiến, Thanh Sơn, Thanh Thủy, quan sát về phía bên phải vốn trước đây là ruộng, giờ đã san sát những ngôi nhà mới dựng lên. Rẽ vào một quán nước ven đường hỏi thăm thì được ông chủ tên T. thật thà “khai”: “Nhà tui ở trong xóm, đất này vợ chồng tui thuê của xã để vừa làm nhà ở, vừa làm quán bán hàng với thời hạn 10 năm, mỗi năm 3 triệu đồng, vị chi là 30 triệu đồng. Toàn bộ số tiền trên xã bắt nộp một lần, tui đã trả đầy đủ”. Qua câu chuyện, chủ nhà còn “bật mí” thêm, mục đích thuê chủ yếu là chờ cơ hội để hợp thức hóa thành đất ở lâu dài, chứ chỉ để bán hàng thì lãi từ mấy cốc nước làm sao bù được số tiền bỏ ra trả cho xã và chi cho đầu tư xây dựng nhà cửa.
... Đất của Doanh nghiệp tư nhân Hải Ngôn được xã cho thuê trái phép |
|
Cũng như ông T., hàng chục hộ khác trong xã, mỗi người có một mục tiêu riêng nhưng tất cả đều hăm hở xin thuê đất với hy vọng sẽ có sự “ưu tiên” nào đó sau này. Thậm chí, nhiều người còn phải nhờ “các mối quan hệ” mới thuê được một suất đất. Theo số liệu do cán bộ địa chính xã cung cấp, đến nay, dọc tuyến đường Thiên Phú có 18 hộ gia đình và 2 doanh nghiệp thuê đất để làm nhà ở và nhà xưởng sản xuất kinh doanh. Đối với các hộ gia đình, “định mức” xã cho thuê mỗi lô 200 m2. Riêng 2 doanh nghiệp được xã cho thuê với thời hạn tới 49 năm. Trong đó doanh nghiệp Hải Ngôn được thuê 1.500 m2 và phải nộp cho xã 225 triệu đồng, còn doanh nghiệp Lâm Thông thuê 1.000 m2, nộp 150 triệu đồng.
Như vậy, nếu tính mỗi hộ gia đình thuê đất phải nộp cho xã 30 triệu đồng, cộng thêm với khoản tiền của 2 doanh nghiệp trên thì xã cũng đã thu về hơn 900 triệu đồng. Điều kỳ lạ là tất cả hộ dân khi nộp tiền đều không có phiếu thu. Về vấn đề này, khi được hỏi, ông Chủ tịch UBND xã Lê Văn Nhiếu giải thích rằng, tất cả số tiền trên xã đã cho vào các khoản thu khác và nộp vào kho bạc rồi? Còn số tiền 2 doanh nghiệp nộp là hoàn toàn tự nguyện hỗ trợ địa phương xây dựng nông thôn mới và xã cũng đã có phiếu thu rõ ràng. Tuy nhiên, khi chúng tôi trực tiếp hỏi doanh nghiệp, họ khẳng định đấy là tiền thuê đất. “Chúng tôi chỉ là doanh nghiệp sản xuất đồ mộc dân dụng nhỏ, đang hết sức khó khăn, dù muốn cũng chẳng lấy đâu ra tiền để hỗ trợ”, chủ doanh nghiệp Hải Ngôn cho biết.
Về vấn đề thẩm quyền và thời gian cho thuê đất, khi được hỏi, ông Chủ tịch xã một mực khẳng định, đối với các hộ dân, thời gian xã cho thuê chỉ là 5 năm, thậm chí còn đưa cả hợp đồng cho chúng tôi xem. Tuy nhiên, khi phóng viên đưa ra chứng cứ thì ông Nhiếu lại phân trần: Hợp đồng chỉ là về nguyên tắc theo quy định, nhưng nếu chỉ cho được 5 năm thì chẳng có ai thuê. Bởi sau khi thuê, các hộ dân phải mất 1 – 2 năm để xây dựng, vì vậy xã phải làm đồng ý cho dân là 10 năm. Còn 2 doanh nghiệp, thời hạn cho thuê như vậy là sai nhưng chúng tôi chỉ thực hiện theo nghị quyết hội đồng?”.
Liên quan đến những sai phạm trong quản lý đất đai, mới đây, sau khi kiểm tra cơ sở sản xuất đồ mộc dân dụng và mỹ nghệ xuất khẩu của Doanh nghiệp tư nhân Hải Ngôn, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có công văn với nội dung: Nghiêm khắc phê bình UBND huyện Can Lộc đã buông lỏng quản lý đất đai, thiếu kiểm tra, giám sát để UBND xã Thanh Lộc tự ý cho thuê đất không đúng thẩm quyền, xây dựng các công trình khi chưa được cấp có thẩm quyền cấp phép. Giao UBND huyện Can Lộc kiểm điểm nghiêm túc UBND xã Thanh Lộc và các tập thể, cá nhân liên quan.
Sai phạm thì đã rõ, thế nhưng điều dư luận băn khoăn là sẽ xử lý thế nào, có đủ nghiêm khắc để làm gương cho những vị “quan xã” “coi trời bằng vung” hay lại “giơ cao, đánh khẽ”. Câu hỏi này chúng tôi xin gửi về UBND huyện Can Lộc?