Người dân hoa mắt với các loại quỹ
Theo đơn tố cáo của ông Phan Văn Lý, người dân thôn Nhân Phong, xã Gia Hanh, trong gần 10 năm qua (từ năm 2006 -2015), không chỉ gia đình ông mà hàng trăm hộ dân ở xã Gia Hanh phải nộp khoản tiền thuế trái quy định do UBND xã tự đặt ra. Nhiều loại quỹ “mọc” ra không thông qua các cuộc họp với người dân. Sự việc ông đã gửi đơn tố cáo lên các cấp nhiều lần nhưng chưa được giải quyết triệt để.
Theo ông Lý thì trong số đó khoản thu bất cập nhất là khoản phí sửa chữa kênh mương từ 2008-2015.
Ông Phan Văn Lý, bức xúc về những khoản thu vô lý của UBND xã trong thời gian 2006-2015 |
“Sau khi có chủ trương giảm thủy lợi phí thì địa phương “đẻ” ra khoản này gọi là quỹ sửa chữa kênh mương, mà toàn bộ tuyến mương đầu nguồn phần nhà nước quản lý là Công ty thủy nông Can Lộc (này là công ty TNHH MTV Thủy lợi Bắc Hà Tĩnh) trực tiếp quản lý, trực tiếp sửa chữa là Công ty bỏ kinh phí, các khoản thu còn lại thu cào bằng, gia đình chính sách chỉ giảm cho đối tượng chính sách”, ông Lý cho hay.
Ngoài ra, từ năm 2014 - 2016, UBND xã Gia Hanh được nhà nước cấp kinh phí gần 727.782.150 triệu hỗ trợ đất trồng lúa theo Nghị định 42/2012/NĐ-CP của Chính phủ. Sau đó, UBND xã đã chi số tiền 727.782.000 triệu đồng. Số tiền gần 22 triệu đồng, hiện vẫn chưa được chi trả hỗ trợ đất trồng lúa cho người dân.
Nhiều khoản thu có sự trùng lặp, người dân cho rằng chính quyền xã cố tình đánh tráo tên gọi. Qua nhiều phiếu thu ông Lý còn lưu giữ có nhiều khoản thu được thu 2 – 3 lần nhưng được thay đổi cách tính.
Theo ông Lý, UBND xã Gia Hanh đã tự ý thu nhiêu khoản trái quy định. Nhiều khoản thu cố tình đánh tráo cách tính để thu. |
Trong các năm 2013 và 2014, UBND xã Gia Hanh đề ra 13 loại khoản thu: Chỉ riêng quỹ xây dựng hội trường và quỹ quản lý đã được chính quyền xã thu 2 lần với 2 hình thức thu theo khẩu và diện tích. Theo đó, quỹ Xây dựng hội trường thu theo khẩu với mức 50.000 đồng/khẩu, thu theo diện tích 15.000 đồng/sào. Tương tự quỹ Quản lý thu theo khẩu 7.500 đồng/khẩu, thu theo diện tích 7.500 đồng/sào.
Năm 2013-2014, vào đầu các năm học mới mọi học sinh đều phải đóng tiền xây dựng cơ sở vật chất nhà trường, nhưng các khẩu trong xã vẫn phải đóng nộp thêm khoản phí với tên gọi là Quỹ đối ứng trường tiểu học 1 và xây dựng trường Mầm Non. Với mức nộp 30.000 -50.000 đồng/khẩu.
Ông Lý cũng cho hay, những khoản thu này không được chính quyền địa phương tổ chức họp bỏ phiếu thông qua người dân.
Tận thu cả hộ nghèo, gia đình chính sách?
Qua ông Lý chúng tôi được biết, từ 2006 – 2015 gia đình ông có 3 thế hệ sống tại thôn Nhân Phong, xã Gia Hanh. Trong suốt 10 năm đó gia đình ông thuộc diện hộ nghèo và hộ cận nghèo, nhưng vẫn phải đóng ít nhất đến 7 -13 loại quỹ.
Không riêng gì gia đình ông Lý, nhiều hộ dân là người già cả, gia đình chính sách, thậm chí trẻ em dưới 6 tuổi… cũng phải oằn mình cõng những loại phí này.
Bà Phan Thị Em không giẩu nổi bức xúc vì gia đình bà mãi không được công nhận hộ nghèo trong khi 2 vợ chồng đã già cả, lại bệnh tật không có khả năng sức lao động. |
Gia đình ông Nguyễn Minh Kính có 5 khẩu, bản thân ông là thương binh 1/4. Ngoại trừ bản thân ông Kính được miễn giảm, những các khoản đóng nộp các thành viên khác vẫn phải đóng.
Hay cám cảnh hơn là trường hợp vợ chồng bà Phan Thị Em (73 tuổi, thôn Nhân Phong) và ông Nguyễn Văn Lục (76 tuổi). Ông Lục đã mất sức lao động gần 10 năm nay, đi lại khó khăn. Bản thân bà Em đã già yếu không thể làm lụng gì. Tuy nhiên, gia đình bà không được công nhận hộ nghèo.
“Căn nhà chúng tôi không có gì đáng giá, ngoài 2 chiếc giường với chiếc thùng phuy đựng đồ nhưng năm nào cũng “rớt” hộ nghèo. Cách đây mấy năm, làm đường tôi xin một đồng chí cán bộ xã miễn giảm. Nhưng họ gạt đi, bảo ai cũng xin miễn giảm thì lấy ai nộp, nói tôi về ngã tay mà xin con”, bà Em nói trong nước mắt.
Cực chẳng đã, vợ chồng bà Em phải sang nhà con trai để xin 300.000 đồng để về đóng đậu.
Ông Nguyễn Minh Kính (thương binh 1/4) chỉ được giảm một phần khoản quỹ đóng đậu. Những khẩu còn lại vẫn phải đóng nộp |
Nhiều người dân bị mắc bệnh hiểm nghèo, nhưng hằng năm gia đình bà vẫn phải "còng lưng" gánh các khoản phí do địa phương đề ra. “Bởi, nếu không đóng thì lên xã xin giấy tờ gì cũng khó khăn", một người dân lý giải.
Ngoài ra, qua phản ánh của người dân nhiều gia đình chính sách, người già neo đơn, người mất sức lao động cũng phải đóng nộp, trẻ em dưới 6 tuổi đều phải gánh các khoản thuế phí như những lao động bình thường.
Khi phát hiện ra việc thu tiền của UBND xã Gia Hanh là trái quy định, năm 2015 ông Lý đã làm đơn phản ánh lên chính quyền địa phương. Cũng từ đó, gia đình ông được đưa ra khỏi danh sách hộ nghèo.
Khi phát hiện ra việc thu tiền của UBND xã Gia Hanh là trái quy định, năm 2015 ông Lý đã làm đơn phản ánh lên chính quyền địa phương. |
Ông Lý đã nhiều lần gửi đơn cầu cứu đến UBND huyện Can Lộc. Đến ngày 26/5/2020, UBND huyện đã có văn bản kết luận số 1460/KL-UBND. Tại kết luận, UBND huyện Can Lộc đã khẳng định có nhiều sai phạm tại UBND xã Gia Hanh, trong đó có việc lạm thu đối với hộ nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi; lạm thu quỹ sữa chữa kênh mương nội đồng thờ gian từ 2008-2015 là có cơ sở vì UBND xã đã thực hiện quy trình vận động thu chưa đảm bảo quy định và sai với tinh thần chỉ đạo của Chính phủ.
Tuy nhiên về phía UBND xã Gia Hanh, ông Phan Văn Cường - Chủ tịch UBND xã cho rằng: Kết luận của UBND huyện Can Lộc chưa chính xác. Phía chính quyền xã đã yêu cầu đoàn kiểm tra xác minh lại một số nội dung trong bản kết luận.
Dân trí sẽ tiếp tục thông tiếp về sự việc này!
Tác giả: Phượng Vũ
Nguồn tin: Báo Dân Trí