Tin Hà Tĩnh

Hà Tĩnh: Chính quyền lo đổ lỗi, dân 'ôm nợ'

Lấy lý do bể biogas không đạt chuẩn nên chính quyền huyện không chi trả tiền hỗ trợ cho hàng chục hộ chăn nuôi lợn ở hai xã Thạch Đài và xã Ngọc Sơn, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh), khiến họ lâm vào cảnh nợ nần.

CÔNG TY DO XÃ GIỚI THIỆU LÀM VẪN... KHÔNG ĐẠT

Tháng 10.2014, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành quy định thực hiện một số chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn, nhằm thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng giá trị gia tăng và phát triển bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới.

Trong đó có kế hoạch phát triển chăn nuôi quy mô vừa và nhỏ theo hình thức liên kết giữa các hộ dân và doanh nghiệp thông qua hợp tác xã, tổ hợp tác giai đoạn 2014-2020. Theo kế hoạch, người dân sau khi xây dựng chuồng trại đúng thiết kế sẽ được hỗ trợ 750.000 đồng/con đối với quy mô từ 20 - 50 con; từ trên 50 con đến dưới 100 con sẽ được hỗ trợ 500.000 đồng/con. Sở NN-PTNT sau đó cũng gửi mẫu thiết kế xây dựng chuồng trại và bể chứa biogas tiêu chuẩn về cho các địa phương triển khai.

Người chăn nuôi lợn ở H.Thạch Hà đã trở thành "con nợ" do không nhận được tiền hỗ trợ. ẢNH PHẠM ĐỨC

Đầu năm 2015, xã Thạch Đài và xã Ngọc Sơn được UBND huyện Thạch Hà đề xuất triển khai chính sách trên. 12 hộ dân xã Thạch Đài và 17 hộ dân xã Ngọc Sơn đã thành lập tổ hợp tác chăn nuôi và tiến hành xây dựng các hạng mục công trình chuồng, trại, bể chứa biogas. Thông qua Hội phụ nữ tỉnh Hà Tĩnh giới thiệu, Công ty Gia Bảo Lê có trụ sở tại Quảng Bình đã vào liên kết chăn nuôi với 2 xã trên. Công ty này sau đó được UBND xã giới thiệu thi công bể chứa biogas cho các hộ dân. Tuy nhiên, sau khi hoàn thành, đơn vị nghiệm thu công trình là Phòng NN-PTNN cho rằng bể biogas không đạt tiêu chuẩn 1m3/con, nên không cấp tiền hỗ trợ, khiến người dân “ôm nợ”.

Bà Nguyễn Thị Lý (41 tuổi, ngụ tại thôn Kỳ Phong, xã Thạch Đài) phản ánh, đầu tháng 3.2016, sau khi được UBND xã vận động vào tổ hợp tác, gia đình bà vay mượn ngân hàng số tiền 200 triệu đồng để xây dựng chuồng trại với quy mô trên 50 con. Riêng hạng mục bể biogas được Công ty liên kết Gia Bảo Lê nhận thi công lắp đặt cho các hộ dân.

Quá trình làm chuồng trại và hạng mục môi trường đều có cán bộ huyện, xã đế kiểm tra theo dõi, hướng dẫn. “Bây giờ đoàn nghiệm thu của Phòng NN-PTNT huyện về kiểm tra lại bảo bể biogas của gia đình không đạt chuẩn thì chúng tôi thấy vô lý quá. Đơn vị thi công là do xã giới thiệu về làm cho người dân. Gia đình tui được họ đào 2 bể và phải trả cho họ gần 12 triệu đồng sau khi làm xong. Nếu gia đình tui không được hỗ trợ thì không biết lấy đâu ra tiền để trả cho ngân hàng bây giờ”, bà Lý bức xúc.

HUYỆN, XÃ ĐỔ LỖI CHO NHAU

Ông Dương Văn Hải, Phó chủ tịch xã Thạch Đài cho biết, về chuồng trại thì người dân tự thuê đơn vị thi công, còn về bể biogas thì do công ty liên kết đảm nhận. Trong quá trình triển khai thực hiện ngoài chính quyền địa phương, còn có giám sát của các cán bộ của Văn phòng điều phối nông thôn mới của tỉnh và Phòng NN-PTNT huyện Thạch Hà.

“Công ty Gia Bảo Lê là đơn vị đã có nhiều năm làm bể biogas nên chúng tôi rất tin tưởng. Tuy nhiên, Công ty này đã lắp đặt bể biogas cho người dân cùng một kích cỡ với thể tích hơn 12 m3 mà không căn cứ theo quy định 1m3 /con”. Đồng thời ông Hải cũng lý giải: “Do giai đoạn triển khai thực hiện không ồ ạt một lần nên chính quyền địa phương và các phòng chuyên môn cũng có sự giám sát không đến nơi đến chốn”. Ông Hải cho biết, cuối năm 2016, UBND xã cũng đã trích ngân sách của xã hỗ trợ cho mỗi hộ dân 6 triệu đồng.

Trong khi đó, ông Lê Văn Thuận, Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện Thạch Hà cho rằng, việc bể biogas làm không đúng thiết kế là do lãnh đạo các xã thiếu giám sát chặt chẽ. “Chúng tôi đã gửi văn bản hướng dẫn đến cho các xã trước khi triển khai thực hiện mô hình này. Khi triển khai mô hình, các cán bộ của phòng cũng đã về nhắc nhở. Bây giờ, người dân không còn được hưởng hỗ trợ như trước nữa vì UBND tỉnh đã ban hành Nghị định mới quy định mức hỗ trợ 15 triệu đồng cho mỗi mô hình. Vì thế, người dân muốn được hưởng chính sách (theo quy định mới - PV) thì chỉ còn cách phải sửa lại bể biogas”, ông Thuận nói.

Tác giả: Phạm Đức

Nguồn tin: Báo Thanh niên

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP