Tin Hà Tĩnh

Hà Tĩnh: Chặt bỏ hàng cây lâu năm chống lũ để làm kè

Những gốc cây cổ thụ, bụi tre lâu năm được người dân xã Gia Phố, huyện Hương Khê trồng nhằm tránh sạt lở đất, đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân mỗi mùa mưa lũ về. “Lá chắn” vững chắc như vậy nhưng nay có nguy cơ bị thay thế bằng một bờ kè bằng đá và bê tông khiến người dân bất bình, lo lắng.

Khu vực sông Ngàn Sâu, đoạn chảy qua thôn Thượng Hải và Trung Hải, xã Gia Phố

Nguy cơ xóa sổ hàng cây lâu năm chống lũ

Người dân thôn Thượng Hải, thôn Trung Hải thuộc xã Gia Phố phản ánh: Vào ngày 20/2 vừa qua, người dân 2 thôn nhận được giấy mời của UBND huyện Hương Khê với nội dung mời các hộ dân sống dọc theo sông Ngàn Sâu chịu ảnh hưởng của dự án đầu tư xây dựng công trình Kè chống sạt lở bờ sông Ngàn Sâu đoạn qua địa bàn xã Gia Phố (được phê duyệt theo Quyết định của dự án số 3583/QĐ-UBND ngày 15/9/2015 của UBND tỉnh Hà Tĩnh), để nghe UBND huyện phổ biến quy định đền bù giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án ở bờ sông Ngàn Sâu.

Nhờ phù sa bồi đắp, bờ Hữu sông Ngàn Sâu ngày càng trở nên tốt tươi, trù phú

Theo tìm hiểu được biết, dự án đầu tư xây dựng công trình kè chống sạt lở bờ sông Ngàn Sâu do UBND huyện Hương Khê làm chủ đầu tư, với mục tiêu đảm bảo an toàn và ổn định đời sống cho 600 hộ dân sống dọc sông Ngàn Sâu của xã Gia Phố, góp phần phát triển sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân, dự án này thuộc công trình thủy lợi cấp IV.

Với tổng chiều dài thiết kế 1.567m gồm 2 tuyến, tuyến kè bờ Hữu dài 1.313m, tuyến bờ Tả dài 253m, công trình có tổng mức đầu tư hơn 48 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương và chủ đầu tư huy động các nguồn vốn hợp pháp khác.

Công trình này được mở thầu ngày 20/12/2019, đến ngày 26/12/2019 UBND huyện Hương Khê đã có quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu. Theo đó, đơn vị trúng thầu là Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Hoàng Ngọc (có trụ sở tại Thị trấn Hương Khê) với giá trúng thầu 39.873 triệu đồng.

Mặc dù là công trình trọng điểm nhằm mục tiêu đảm bảo an toàn và ổn định đời sống cho 600 hộ dân dọc bờ sông Ngàn Sâu nhưng khi dự án về địa phương, chính quyền chưa qua một lần họp dân, lắng nghe ý kiến của dân để biết dự án có phù hợp với khu vực này hay không.

Sau khi tổ chức đấu thầu thành công, có kết quả trúng thầu từ ngày 26/12/2019. Phải đến gần 2 tháng sau, vào ngày 20/2/2020 mới tổ chức họp dân để phổ biến quy định bồi thường giải phóng mặt bằng, tiến hành thực hiện dự án. Khi đó, người dân mới “ngã ngửa”.

Nhiều người dân trong buổi họp đã nêu ý kiến không đồng tình xây dựng dự án và mong muốn để nguyên trạng hai bên bờ sông Ngàn Sâu đoạn qua xã Gia Phố.

Những cây cổ thụ được trồng ven sông trở thành “lá chắn” vững chắc, giữ đất và phù sa khiến khúc sông càng ngày càng bồi, cây cối xanh tốt.

Bà Phạm Thị Hóa, thôn Trung Hải cho biết: “Khi nghe phổ biến và nghiên cứu dự án cũng như thực tế cuộc sống của những người dân xung quanh dọc bờ sông Ngàn Sâu, chúng tôi nhận thấy việc chặt phá toàn bộ cây trồng có tuổi đời hàng trăm năm, bao đời nay vẫn là “bờ thành” vững chắc nhất để bảo vệ nhà cửa, cây cối và tính mạng chúng tôi, thay vào đó là một bờ kè bằng đá chỉ chống được sạt lở phía dưới là hoàn toàn không phù hợp.”

Theo bà Hóa, mỗi lần mưa lũ về nước tràn vào nhà, có cây cối thì không chỉ chống xói lở dưới đất, mà hàng cây trở thành bức tường thành cao lớn, vững chắc chắn gió, chắn nước, chắn rong rêu tuồn vào nhà, khó khăn lắm mới trồng được hàng cây vững chắc tồn tại lâu năm như thế mà bây giờ phá hết để làm dự án kè bằng đá và bê tông với mức đầu tư hàng chục tỷ đồng thì quá lãng phí.

Nhiều hộ dân không đồng tình

Theo tìm hiểu của phóng viên, vào tháng 10/2019, xã Gia Phố đã có văn bản gửi UBND huyện Hương Khê kiến nghị không nên xây bờ kè đoạn qua thôn Thượng Hải, Trung Hải xã Gia Phố vì khu vực này không hề bị sạt lở, xói mòn bởi lũ lụt. Xã cũng có đề xuất xây dựng bờ kè tại khu vực phía trên cầu từ Cầu Trộ đến cầu Đông Hải đoạn qua thôn Nhân Phố khoảng 800m hiện nay đã sạt lở nghiêm trọng.

Tuy nhiên, kiến nghị của xã không được huyện đồng ý, vẫn tiếp tục hoàn thành các công đoạn để triển khai xây dựng dự án kè tại khu vực ban đầu.

Cụ Lê Hồng Tư (84 tuổi) thôn Thượng Hải cho rằng, với 8 hộ dân có đất liền kề thì không nên thu hồi đất thực hiện dự án, do người dân đã trồng tre, các loại cây chắn sóng, ngăn dòng chảy của sông trong mùa mưa lũ nên không làm lở đất, không làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân.

Trao đổi về vấn đề này, cụ Lê Hồng Tư (84 tuổi) thôn Thượng Hải, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Gia Phố cho biết: Từ đời cố, ông cha rồi đến đời tôi nay đã trên 80 tuổi đều sống tại mảnh đất bên cạnh bờ sông Ngàn Sâu này. Khu vực dọc bờ sông này năm nào cũng chịu nhiều tác động của thiên tai, lũ lụt nên các thế hệ sinh sống ở đây đã trồng tre và nhiều cây cối nhằm ngăn dòng chống lũ nên dù thiên tai lũ lụt liên tiếp nhưng cuộc sống người dân vẫn ổn định, chưa từng có hiện tượng sạt lở, những hàng cây chúng tôi đã trồng và chăm sóc dọc theo bờ sông trải qua nhiều thế hệ, hàng trăm năm nay rất thiết thực, như bức tường thành vừa cao, vừa vững chắc để ngăn gió, bão, lũ, ngăn dòng chảy, chống xói mòn nhưng đồng thời cũng là một “tấm lọc” vừa ngăn lũ nhưng đồng thời cũng giữ lại phù sa khiến vùng đất này ngày càng bồi đắp, trù phú, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện.

Nhìn những gốc cây cổ thụ có tuổi đời “nhiều hơn tuổi mình” có nguy cơ bị chặt hạ để làm kè, anh Hán Duy Thạch (40 tuổi, thôn Trung Hải) không khỏi xót xa. Theo anh Thạch, nếu muốn xây dựng dự án bờ kè với mục đích bảo vệ người dân thì phải họp và lắng nghe nguyện vọng của nhân dân, bây giờ đã đấu thầu xong, chuẩn bị triển khai dự án mới thông báo thì dân trở tay sao kịp.

“Chúng tôi mong muốn nếu huyện làm bờ kè này thì phải di dời chúng tôi đến nơi ở khác, còn nếu không di dời dân mà vẫn làm kè thì nếu mưa lũ về dân thiệt hại thì ai chịu trách nhiệm?”.

Những bụi tre được trồng từ thế hệ này sang thế hệ khác với mục đích chống xói sở, ngăn dòng chảy trong mùa mưa lũ.

Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó trưởng Ban Quản lý Xây dựng cơ bản huyện Hương Khê cho biết: Hiện nay, khi huyện bắt đầu triển khai họp dân để giải phóng mặt bằng, lên phương án đền bù, chuẩn bị cho việc thi công dự án kè chống sạt lở bờ sông Ngàn Sâu đoạn qua xã Gia Phố thì có một số hộ dân không đồng tình việc xây dựng kè.

Hiện nay, "chúng tôi cũng đã nằm được sự việc, quá trình triển khai thi công chúng tôi sẽ có văn bản đề nghị UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra và điều chỉnh quy mô, nếu người dân ở khu vực nào không không tình với việc triển khai dự án này thì chúng tôi sẽ không làm ở khu vực đó mà triển khai làm ở các khu vực khác. Tuy nhiên, tại các khu vực không đồng ý làm kè thì các hộ phải cam kết, nếu sau này có sạt lở, ảnh hưởng đến người dân thì phải tự chịu trách nhiệm".

Những cây cổ thụ được trồng ven sông trở thành “lá chắn” vững chắc, giữ đất và phù sa khiến khúc sông càng ngày càng bồi.

Việc xây dựng kè “chắp nối” giữa kè bê tông đan xen lẫn bờ cây chắn lũ cũng khiến người dân lo ngại liệu có ảnh hưởng đến chất lượng của bờ kè hay không? Bởi việc điều chỉnh thiết kế nếu không cẩn trọng sẽ gây hậu quả lớn vì khu vực sông Ngàn Sâu hàng năm đều có mưa lũ đổ về với lưu lượng rất lớn, có thể gây xói mòn, ngập lụt và ảnh hưởng đến tính mạng cũng như tài sản của người dân sống bên bờ kè.

Bà Phạm Thị Hóa không khỏi xót xa trước thông tin hàng cây từ đời cha ông bà vun trồng bao nhiêu năm có nguy cơ xóa bỏ để làm dự án.

Việc xây dựng bờ kè nhằm chống sạt lở, đảm bảo an toàn cho người dân là rất cần thiết và mang lại lợi ích lớn, nhất là vùng hay chịu thiên tai, lũ lụt như miền núi Hương Khê. Tuy nhiên, việc xây dựng kè ở đâu, xây dựng như thế nào cho phù hợp với tình hình thực tế từng khu vực cũng là vấn đề rất quan trọng cần phải xem xét kỹ.

Hơn ai hết, người dân sống hai bên bờ sông qua thực tiễn nhiều năm chống bão lũ sẽ có những ý kiến xác đáng và sát thực tiễn, chính quyền cần lắng nghe ý kiến từ người dân, nên chăng đánh đổi hàng cây lâu năm chống bão thay bằng bờ kè hàng chục tỷ vừa lãng phí tiền của Nhà nước vừa ít mang lại giá trị?

Tác giả: Hải Yến

Nguồn tin: Báo Thanh Tra

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP