Hương Khê

Hà Tĩnh: Cần xem xét lại những hành động của một Chủ tịch xã vùng biên.. !

Xã vùng biên Hương Lâm (Hương Khê, Hà Tĩnh) đang nóng lên việc các cán bộ xã bị tố cáo tham nhũng và làm sai nguyên tắc tài chính trong nhiều năm qua. Ngoài Bí thư Đảng ủy bị tố cáo có nhiều sai phạm, thì ông Đinh Viết Mạnh – Chủ tịch UBND cũng lộng quyền tác oai, tác quái để trục lợi. 

  >> “Liên minh” Bí thư Đảng ủy, kế toán, thủ quỹ xã vùng biên “thụt” két hàng trăm triệu”

Lập hồ sơ khống để rút tiền ngân sách

Ngày 25/8/2016 Báo có bài viết “Liên minh” Bí thư Đảng ủy, kế toán, thủ quỹ xã vùng biên “thụt” két hàng trăm triệu”  phản ánh việc công dân tố cáo ông Phan Văn Thông-Bí thư Đảng ủy xã có nhiều sai phạm trong nhiều năm qua. Những nội dung sai phạm một phần được chỉ rõ năm 2012 nhưng ông Thông không gương mẫu khắc phục, mà dựa vào uy quyền của mình để không thực hiện.

Theo đơn thư của công dân phản ánh, phóng viên Báo Tamnhin.net đã phát hiện ngoài những sai phạm của ông Thông-Bí thư  Đảng ủy thì còn có sai phạm của ông Đinh Viết Mạnh-Chủ tịch UBND trong nhiều năm qua.

hatinh24h
Ông Trần Trọng Cát đã dũng cảm đứng lên tố cáo “liên minh” lãnh đạo xã rút tiền ngân sách nhà nước.

Ông Đinh Viết Mạnh giữ chức vụ Phó bí thư Đảng ủy xã, chủ tịch UBND xã Hương Lâm từ cuối năm 2012 đến nay. Trong thời gian này, mỗi năm xã Hương Lâm được cấp 200 triệu đồng năm quỹ tiền biên giới (phục vụ cho công tác tuần tra, sẻ phát đường biên và bảo dưỡng cột mốc biên giới trên địa bàn xã) nhưng các cán bộ trong UBND xã và nhân dân không biết quỹ này.

Ông Lê Hữu Thức-Phó chủ tịch UBND xã cho P.V biết “Tôi làm xã đội trưởng từ năm 2004 đến năm 2015, tôi được bầu giữ chức Phó chủ tịch UBND xã. Hàng năm tôi có ký hồ sơ nhận tiền sẻ phát đường biên. Ký thì ký nhưng tiền không được nhận được đồng nào. Tôi hỏi kế toán thì họ nói nhờ ký hồ sơ để rút nguồn về cho xã, chứ không được nhận tiền. Công an điều tra đã về làm việc với tôi, tôi cũng đã nói rõ việc này rồi”.

Anh Biện Thế Kiên – hiện đang làm nhân viên Bảo vệ rừng của Cty TNHH MTV Lâm nghiệm Chúc A bất ngờ khi bị công an điều tra mời lên làm việc khi có chữ ký trong danh sách nhận tiền tuyên truyền nhân dân phát tuyến biên giới “Trước đây tôi có giữ chức Phó công an xã từ năm 1997-2004, sau đó tôi chuyển sang làm bên Bảo vệ rừng của công ty Chúc A. Công việc của tôi hơn chục năm nay là làm bảo vệ rừng, không liên quan gì đến UBND xã. Nhưng vừa rồi công an tỉnh về điều tra có mời tôi lên làm việc vì có liên quan chữ ký nhận tiền của tôi trong danh sách với số tiền hơn 14 triệu trong năm 2015 gì đó. Tôi khẳng định đó không phải chữ ký của tôi, và tôi cũng không nhận tiền và không tham gia đoàn sẻ phát đường biên trong năm 2015”.

Ngoài việc lập khống hồ sơ để rút tiền quỹ biên giới, ông Mạnh còn bị tố cáo làm giả hồ sơ xây dựng Nhà văn hóa thôn 11 để rút quỹ ngân sách. Trong xây dựng Nhà văn hóa thôn 11, có hạng mục sân làm hết 30 triệu đồng. Trong đó, lãnh đạo thôn đi vay lương của các cán bộ công chức, viên chức được 20 triệu đồng, vay của Hội đồng hương Thạch Hà 10 triệu đồng để làm sân. Sau khi làm xong sân năm 2015, năm 2016 thôn tiến hành thu tiền làm giao thông nông thôn với mức 150 ngàn/khẩu. Số tiền này thu được dùng để trả nợ tiền vay năm trước làm sân Nhà văn hóa thôn.

Thôn 11 làm sân nhà văn hóa nhưng không có được sự hỗ trợ kinh phí từ UBND xã, thế nhưng khi công an điều tra về làm việc đã phát hiện  một bộ hồ sơ khống trong việc hỗ trợ thôn 11 làm sân nhà văn hóa. Liên quan đến bộ hồ sơ này, ông Hồng phụ trách tài chính ngân sách xã lập và nhận được 500 ngàn đồng.

Trong xây dựng đường giao thông nông thôn, ông Mạnh cũng chỉ đạo thuộc cấp đội số chi ngân sách để trục lợi. Cụ thể trong năm 2014-2015 xã tiến hành đổ cột mốc hành lang các tuyến đường liên thôn. Với hơn 1000 cột mốc, giá thành cụ thể 35.000/cột. Thế nhưng ông Mạnh đã chỉ đạo nâng giá quyết toán từ 35.000/cột lên thành 140.000/cột.

Cắt giao dịch với xã khi dân chưa đóng nộp quỹ

Xã vùng biên Hương Lâm người dân còn nhiều khó khăn, nhưng năm nào cũng phải đóng tiền làm đường giao thông NTM. Cụ thể trong năm 2015, ở thôn 11 mỗi khẩu phải đóng 150.000 đống để hoàn thiện các tuyến đường giao thông trong thôn. Sang năm 2016, mỗi khẩu phải tiếp tục đóng thêm 150.000 đồng tiền làm GTNT nhưng số tiền này thu về để trả nợ tiền làm sân Nhà văn hóa thôn.

Hội quán thôn 11, thôn vay nợ làm rồi tự ý thu tiền dân để trả nợ. Trong khi chủ tịch xã chỉ đạo làm hồ sơ xây dựng hỗ trợ để rút tiền hơn 50 triệu đồng bỏ túi mà không đưa về thôn.

Ông Trần Trọng Cát-Nguyên phó chủ tịch Hội CCB, cán bộ nông nghiệp, thú y xã Hương Lâm cho rằng “người dân sống chủ yếu dựa vào rừng và đất lâm nghiệp nên rất khó khăn. Năm ngoái thôn công bố từ nay không phải làm đường giao thông nữa, thế nhưng năm nay lại tiếp tục thu của dân. Có nhiều hộ phải oằn mình để chạy vạy đóng tiền cho thôn, cho xã. Một số hộ chưa có tiền đóng nộp thì lên xã giao dịch, xin giấy xin tờ thì xã không cho, dù việc giấy tờ cho con em đi học, đi làm không liên quan gì đến đóng nộp tiền đường”.

Anh Nguyễn Văn Lâm ở thôn 11 có con đi học nghề, lên xã làm hồ sơ, nhưng xã giữ lại, không cho, bởi gia đình anh còn nợ tiền làm đường GTNT của xóm.

“Việc thôn 11 tiến hành thu tiền làm GTNT mới không thông qua họp dân, không thông qua HĐND xã mà tự ý đặt mức thu, và tiến hành thu thì xã vẫn đồng ý. Ông Mạnh chủ tịch UBND nhiều lần về tiếp xúc cử tri bị dân phản ánh nhưng không có tác đông gì, vẫn để thôn tiến hành làm. Ngày 9/5/2016 cuộc họp thôn 11, người dân nghe thôn thông báo đã vay nợ 30 triệu đồng tiền làm sân năm 2015 và 4 triệu đồng tiền trả lãi trong 1 năm qua. Ngày 7/6/2016 thì thôn phát loa thu tiền dân, thu được 44 triệu đồng dùng để trả nợ. Cán bộ thôn, cán bộ  xã thông đồng với nhau làm, rồi đi vay xong đè đầu dân ra để thu tiền trả nợ là không hợp với lòng dân và chính sách “Khoan thư sức dân” của Đảng và Nhà nước”.

Trả lời những việc trên ông Đinh Văn Mạnh thừa nhận “Sân nhà văn hóa thôn 11 do nhân dân đóng góp, xã hỗ trợ chút ít, bên xã hỗ trợ nhưng không có hồ sơ, còn mức hỗ trợ bao nhiêu thì tôi không nhớ cụ thể nữa, vì Công an đã thu hết hồ sơ rồi. Việc của xóm thì họ tự làm, họ vay xong giờ họ tìm nguồn để giải quyết. Còn tiền biên giới thì được phân về trong tiền ngân sách chung. Toàn bộ hồ sơ đã bàn giao cho công an. Anh không quyết”.

“Việc tiến hành làm và cắm cột mốc hành lang các tuyến đường liên thôn giá cả thế nào tôi giao cho đòng chí Thuận phục trách, tôi không biết rõ. Nay đồng chí Thuận đang đi công tác ở tỉnh, không có ở UBND xã nên chưa trả lời rõ được”.

Sau khi Báo Tamnhin.net phản ánh “Liên minh” Bí thư Đảng ủy, kế toán, thủ quỹ xã vùng biên “thụt” két hàng trăm triệu” thì Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về Kinh tế và chức vụ-Công an Hà Tĩnh đã tiến hành vào cuộc điều tra.

Thông tin phóng viên Tamnhin.net nắm được thì số tiền quỹ biên giới cho đến lúc này “Liên minh” Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND, kế toán ngân sách, thủ quỹ đã lập khống rút tiền ngân sách trong vòng 9 năm, với số tiền hơn 600 triệu đồng chứ không phải 158 triệu như trong năm 2012 của tổ rà soát của xã đã chỉ ra.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin vụ việc…

Thanh Hà – Minh Tâm – Đặng Sơn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP