>> CA TP Hà Tĩnh: Điều tra người giữ 2918 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
>> Hà Tĩnh: Tạm giữ 2.918 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chưa rõ nguồn gốc
Người nắm giữ sổ đỏ này là Nguyễn Thị Minh (SN 1978, quê xã Thạch Môn, TP Hà Tĩnh, hiện đang cư trú tại xã Tân Đức, huyện Hàm Tân, Bình Thuận). Điều đáng nói, cách đây hơn 1 năm, vào ngày ngày 10/4/2012, tại Công an Thành phố Hà Tĩnh, cũng người phụ nữ này đã đến trụ sở giao nộp hơn 500 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và một số giấy tờ liên quan đến dự án trồng rừng.
Từ 500 sổ đỏ…
Ngày 10/4/2012, chị Nguyễn Thị Minh, sinh năm 1978, quê quán xã Thạch Môn – Thành phố Hà Tĩnh, trú ở ở Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận đã đến Công an Thành phố Hà Tĩnh giao nộp 523 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, 82 sổ giao khoán bảo vệ rừng, 07 sổ lâm bạ và 01 hợp đồng bảo vệ rừng.
Chị Minh cho biết, trong hai năm 2008, 2009, một số doanh nghiệp tư nhân đã đứng ra tổ chức thu gom giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) và đất lâm nghiệp (sổ xanh) để thực hiện một dự án trồng rừng do nguồn tài trợ của tổ chức phi chính phủ. Được tin có nguồn lợi lớn, hàng nghìn người dân ở các huyện miền núi hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh đã giao nộp sổ để được tham gia dự án. Một trong những doanh nghiệp tư nhân tổ chức thu gom sổ đỏ nhiều nhất trên địa bàn Nghệ An là Công ty cổ phần đầu tư lâm nghiệp Quý Nhân, có văn phòng tại đường Lê Lợi, thành phố Vinh do ông Nguyễn Viết Quý làm giám đốc. Hàng trăm sổ đỏ đó, chị Minh có được lấy từ ông Nguyễn Viết Quý, quê ở xã Hùng Thành, Yên Thành, Nghệ An; là Giám đốc Công ty cổ phần Lâm nghiệp Quý Nhân, có trụ sở ở số 207 phường Lê Lợi – TP. Vinh – Nghệ An.
Đơn tố cáo của chị Minh năm 2012
Theo chị Nguyễn Thị Minh, thấy sự việc không minh bạch, bà Minh đã đem giao nộp cơ quan Công an. Công an TP Hà Tĩnh đã nhanh chóng xác minh, kiểm đếm toàn bộ số lượng giấy tờ liên quan đến quyền sở hữu, sử dụng đất nói trên là của hơn 520 hộ dân có đất lâm nghiệp chủ yếu ở các huyện Thanh Chương, Yên Thành, Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Tân Kỳ, Anh Sơn, Diễn Châu, Quỳnh Lưu tỉnh Nghệ An và ở Hà Tĩnh có 85 hộ dân thuộc xã Sơn Kim, huyện Hương Sơn.
Bà Nguyễn Thị Minh đã đưa danh sách đến một số địa phương thông báo cho các gia đình có sổ đỏ liên hệ với Công an TP Hà Tĩnh để nhận lại. Được biết, ngoài số sổ đỏ trên, hiện vẫn còn hàng nghìn sổ đổ của người dân chủ yếu ở Nghệ An bị thu gom đang nằm ở Hà Nội.
Biên bản giao nhận hồ sơ chị Minh cung cấp năm 2012
Sau khi tiếp nhận, bước đầu cán bộ đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ Công an TP Hà Tĩnh đã tiến hành phân loại các giấy tờ. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất này phần lớn của các hộ dân thuộc tỉnh Nghệ An, còn lại là của Hà Tĩnh. Trong đó, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) có 100 sổ, huyện Con Cuông 99 sổ, huyện Tân Kỳ 45 sổ, huyện Quỳ Châu 36 sổ, xã Sơn Kim 1 và Sơn Kim 2 của huyện Hương Sơn – Hà Tĩnh 64 sổ, còn lại là các huyện như Quỳ Hợp, Anh Sơn của tỉnh Nghệ An, Can Lộc của tỉnh Hà Tĩnh.
Danh sách các đơn vị nộp hồ sơ xin vốn mà Nguyễn Thị Minh cung cấp cho Công an năm 2012
Thời điểm đó, Công an Thành phố Hà Tĩnh đã thông báo với Công an huyện Hương Sơn – tỉnh Hà Tĩnh và Công an tỉnh Nghệ An tiến hành hoàn trả lại sổ đỏ cho các hộ dân và các đơn vị liên quan.
Đến gần 3000 sổ đỏ…
Vụ 500 sổ chưa được làm rõ thì cách đây mấy ngày, từ tin báo của quần chúng, Công an TP Hà Tĩnh kiếm tra khách sạn Phú Quý (xã Thạch Trung, TP Hà Tĩnh), phát hiện một phụ nữ đang giữ 2.918 sổ đỏ (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) thuộc các tỉnh Nghệ An, Đắk Lắk, Sơn La… Người nắm giữ sổ đỏ này cũng chính là Nguyễn Thị Minh (quê xã Thạch Môn, TP Hà Tĩnh, hiện đang cư trú tại xã Tân Đức, huyện Hàm Tân, Bình Thuận)- người đã cách đây hơn 1 năm đến công an TP Hà Tĩnh tự giao nộp 500 sổ đỏ và tố cáo chủ doanh nghiệp lừa đảo.
Tuy nhiên, vụ việc mới đây lại “khác” hơn so với những gì chị Minh đã khai báo với Công an TP Hà Tĩnh năm 2012. Quá trình điều tra, CA đã tiếp xúc với một bị hại là ông Ngô Trí Hiền (ngụ xã Quang Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An). Theo ông Hiền, khoảng năm 2009, Doanh nghiệp tư nhân Mai Sáu và Công ty Cổ phần Lam Sơn đã về địa phương vận động người dân nộp sổ đỏ để tham gia dự án trồng rừng. Những doanh nghiệp này hứa, mỗi ha đất sẽ được hỗ trợ 15 triệu đồng, các hộ phải trích phí cho người chạy dự án là 3%. Nhưng, giao sổ đỏ xong, người dân ngồi chờ mãi nhưng vẫn không thấy có dự án nào triển khai cả nên mới biết bị lừa. Sau đó, họ kéo nhau ra Hà Nội để đòi lại sổ đỏ, nhưng không tìm được các doanh nghiệp này. Họ đành quay về liên lạc với bà Nguyễn Thị Minh và được bà này hẹn vào khách sạn Phú Quý ở TP Hà Tĩnh trả lại.
Người dân được Nguyễn Thị Minh hẹn đến khách sạn Phú Quý để lấy sổ đỏ
Ông Hiền cho biết, nhiều lần ông và các nạn nhân đã đưa cho bà Minh mỗi người 2 triệu đồng để nhận lại sổ đỏ, nhưng bà này bảo số tiền đó chỉ tương đương với tiền đặt cọc. Bà Minh yêu cầu chủ của mỗi cuốn sổ đỏ phải đưa đủ 30 triệu đồng thì mới chịu trả lại. Tuy nhiên, lúc mọi người đưa đủ tiền vào chuẩn bị “chuộc” sổ đỏ thì xảy ra cãi nhau nên bà Minh đã từ chối không giao.
Cần sớm điều tra làm rõ…
Vì sao Nguyễn Thị Minh lại có trong tay hàng nghìn sổ đỏ? Ai là người đứng ra thu gom sổ đỏ? Các dự án đó đã đi đâu về đâu? Liệu người dân đã được hưởng lợi hay chăng là “tiền mất tật mang”? Dư luận đang mong chờ sự quyết liệt vào cuộc của các cơ quan chức năng.
Sổ đỏ được CATP phân loại chuyển cho các đơn vị liên quan
Trao đổi với chúng tôi Thượng tá Nguyễn Tiến Nam – Trưởng Công an TP Hà Tĩnh cho biết: Công an TP Hà Tĩnh đã lập biên bản và thu hồi toàn bộ số sổ đỏ nói trên, tuy nhiên, các sổ đỏ trên không thuộc cá nhân trên địa bàn TP Hà Tĩnh nên Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Tĩnh sẽ tiến hành cho các đơn vị liên quan để điều tra làm rõ… Nguyễn Thị Minh năm 2012 đã đến Công an TP Hà Tĩnh tự giao nộp 500 sổ đỏ…
Nguyễn Thị Minh tại Cơ quan điều tra
Được biết, trước đó, ngày 11-5-2009, Cục Lâm nghiệp, thuộc Bộ NN&PTNT đã có Công văn số 395/LN-VP gửi Sở NN&PTNT các tỉnh thành đề nghị phòng ngừa hiện tượng lừa đảo kinh tế. Công văn nêu rõ: “Hiện đang có một số công ty đã và đang tiếp cận với các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhà nước các địa phương để vận động ký kết hợp đồng liên doanh, liên kết lập dự án đầu tư trồng rừng sản xuất bằng nguồn vốn vay rất lớn có nguồn gốc từ tổ chức phi chính phủ nước ngoài… Bộ NN&PTNT không quản lý và điều hành loại dự án như vậy. Hoạt động của các công ty như đã nêu trên có dấu hiệu lừa đảo về kinh tế”.
Xuân Lý – PX15
Công An Hà Tĩnh