Con đường dẫn vào làng chài Nam Hải (xã Cẩm Nhượng, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) hôm nay lổn nhổn gạch, ngói xi măng, xà gồ, khung sắt... Thay vì đi biển hay ra chợ buôn bán hải sản, người dân tất bật dọn dẹp nhà cửa sau bão Doksuri.
Trong căn nhà chỉ còn hai bức tường đầu hồi nằm cuối thôn Nam Hải, ông Nguyễn Thận lật tung từng viên gạch ngói cố tìm thứ gì còn có thể dùng được. Mồ hôi lấm tấm trên gương mặt đen sạm, người đàn ông 53 tuổi buông tiếng thở dài "mất hết rồi".
Từ trường học nơi trú bão, nghe gió rít liên hồi, tiếng mái tôn bay vèo vèo rồi va đập loảng xoảng, cây đổ ngổn ngang, tim ông đập thình thịch, mắt liên tục hướng về phía ngôi nhà. 16h, hay tin bão sang Lào, ông chạy nhanh về nhà và khựng lại trước cổng, nước mắt giàn giụa.
Căn nhà ông Nguyễn Thận ở thôn Nam Hải, xã Cẩm Xuyên. Ảnh: Đức Hùng. |
Ngôi nhà ba gian lợp ngói bao năm tích cóp mới xây được, chỗ đi về của vợ chồng ông và hai con, giờ trống hoác. Tài sản hoặc là bị gió cuốn, hoặc là vùi lấp dưới đống đổ nát.
"Cả xóm chài với hàng chục hộ dân ở khu này gần như bị xóa sổ. Con gái đầu đi làm ăn ở miền Nam, nghe tin bắt xe về, tôi khuyên đừng, bởi có còn nhà nữa đâu", ông Thận nói.
Cách nhà ông Thận khoảng 10 m, vợ chồng ông Trần Văn Công (73 tuổi) đang khiêng từng viên gạch ngói vỡ gom lại một chỗ. Chỉ kịp sơ tán ít đồ đạc lên trụ sở xã khi bão chưa đến, còn lại ông để hết ở nhà. Giờ nồi cơm điện, tivi, quạt... đều hỏng.
Từ hôm qua tới giờ, vợ chồng ông chỉ ăn mì tôm úp tạm. Nhớ cơm, thèm rau. Nhưng chiếc bếp gas đã bẹp dí dưới đống gạch vụn.
Không còn nhà, đêm qua vợ chồng ông phải ngủ nhờ hàng xóm, thức đến 3h vẫn chưa chợp mắt. Bao năm buôn bán cá, dành dụm xây được căn nhà 100 m2 làm chỗ đoàn viên cho bốn đứa con sinh sống trong Nam mỗi khi Tết đến, giờ tay trắng.
Ngồi bệt lên viên gạch sàn nhà, ông Công bảo sẽ vay thêm ít tiền của làng xóm để dựng căn nhà tạm.
Ông Trần Văn Công tìm được chiếc bếp gas méo mó. Ảnh: Đức Hùng |
"Nát, nát hết cả rồi", ông Dương Văn Dũng (52 tuổi) thốt lên khi chứng kiến hơn 20 ngôi nhà, quầy hàng bán hải sản của người dân sống tập trung sát đê biển Cẩm Nhượng bị bão san phẳng. Chài lưới, ngư cụ, giường chiếu, chăn màn, bàn ghế... tất cả đều hư hỏng.
Đánh giá cơn bão này "chưa từng gặp", ông Dũng bảo trưa qua tới giờ không muốn ăn uống gì bởi tiếc của. Đầu tư hàng trăm triệu đồng xây nhà hàng buôn bán hải sản, nay mất hết. Nhìn hai đứa con đang nhặt nhạnh từng vật dụng cá nhân dưới đống gạch, người đàn ông 52 tuổi ứa nước mắt.
Đám trẻ làng chài trước kia thường ra bờ biển chơi đùa, nay thấy nhà mất, sách vở không còn cũng mếu máo. "Đêm qua bố căng bạt nằm ngủ ngoài trời, em sợ lắm", Thu (12 tuổi, con ông Dũng) nói. Thu bảo sẽ nghỉ học vài ngày.
Tài sản còn lại có thể dùng được của chị Thu là chiếc mâm lấm lem bùn đất. Ảnh: Đức Hùng |
Ở thôn Nam Hải, nhiều gia đình đầu tư mua ngư cụ, bão quét qua hỏng hết. "Nhà tôi chẳng còn gì. Vay 30 triệu mua lưới về đánh cá, bây giờ phải kéo lưới từ dưới đất lên, rách tả tơi", chị Lê Thị Thu (45 tuổi) vừa nói, vừa giơ chiếc mâm bám đầy bụi đất - thứ lành lặn duy nhất còn sử dụng được.
Nhận điện thoại của người thân ở miền Nam hỏi về thiệt hại do bão, không nói được lời nào, chị chỉ khóc. Căn nhà hai gian đổ sập, điện mất, nước sạch không có, tiền có một chút song không dám tiêu, vợ chồng chị cùng ba con chuẩn bị bữa tối bằng bát mì tôm.
300 hộ dân ở thôn Nam Hải đều bị hư hại do bão. Trong đó, hơn 20 ngôi nhà nằm giáp biển Cẩm Nhượng của các hộ dân chuyên sống bằng nghề chài lưới, buôn bán hải sản bị san phẳng.
Trưởng thôn Lại Lý Luận cho biết, chính quyền đang tập trung khắc phục, trước mắt sẽ cấp điện, nước, sau đó là dựng lại nhà cửa để giúp bà ổn định cuộc sống.
10h ngày 15/9, bão Doksuri (bão số 10) đổ bộ Hà Tĩnh, Quảng Bình với sức gió tối đa 133 km/h (cấp 12) - mạnh nhất từ năm 2014 đến nay. Sau 6 tiếng hoành hành, bão đã làm 8 người chết, hơn 120.000 ngôi nhà tốc mái, hư hỏng, hệ thống điện, viễn thông tê liệt. Riêng tỉnh Hà Tĩnh có 2 người chết, gần 70.000 nhà tốc mái; gần 4.000 nhà bị ngập. |
Tác giả: Đức Hùng
Nguồn tin: Báo VnExpress