Ông Đường Công Lự – Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ Hà Tĩnh chia sẻ: “Nhằm truyền thông đến đông đảo người dân về hệ lụy của tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, trong Chương trình của Lễ mít-tinh năm nay, ngoài phát biểu chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, phát biểu hưởng ứng của đại biểu Tỉnh đoàn Hà Tĩnh, chúng tôi dành một phần thời lượng chương trình cho phát biểu của hai cháu gái chăm ngoan học giỏi trong gia đình sinh con một bề và phát thưởng cho 26 cháu gái có nhiều thành tích trong học tập rèn luyện được sinh ra, lớn lên trong gia đình sinh con một bề”.
Thay mặt lãnh đạo tỉnh, ông Đặng Quốc Khánh – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ghi nhận những đóng góp lớn lao của đội ngũ hơn 3.600 cán bộ, cộng tác viên, công nhân viên ngành DS-KHHGĐ toàn tỉnh trong việc thực hiện chiến lược Quốc gia DS-KHHGĐ. Ông Khánh nhấn mạnh: “Song song với việc tổ chức tuyên truyền, phổ biến, quán triệt việc thực hiện quy định của pháp luật về việc nghiêm cấm lựa chọn thai nhi, pháp luật về bình đẳng giới, từ năm 2009 đến năm 2015, Hà Tĩnh đã tổ chức 431 cuộc gặp mặt, biểu dương tôn vinh 2.568 phụ nữ sinh con một bề là gái, song không sinh thêm con thứ ba để có điều kiện chăm sóc trẻ chu đáo. Chị em đã dám vượt qua những tập tục lạc hậu tồn tại bấy lâu nay để xây dựng gia đình văn hóa. Thời gian qua, Hà Tĩnh cũng đã biểu dương khen thưởng 1.066 cháu gái chăm ngoan, học giỏi…”.
Bên cạnh những thành công đáng ghi nhận, công tác dân số của Hà Tĩnh vẫn còn một số tồn tại cần khắc phục. Hà Tĩnh vẫn chưa hoàn thành mục tiêu giảm sinh. Từ năm 2010 – 2015, Hà Tĩnh có 114.969 trẻ được sinh ra (xấp xỉ bằng dân số của huyện Hương Sơn); Số con trung bình của một bà mẹ trong độ tuổi sinh đẻ là 2,75 con/bà mẹ; Tỷ số giới tính khi sinh ở mức cao: 112 bé trai/100 bé gái…
Những hạn chế trên đang đặt ra nhiều vấn đề về an sinh xã hội cần phải giải quyết. Đặc biệt tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh nếu không được khống chế ngay từ bây giờ sẽ để lại những hệ lụy không tốt.
Bức thư cháu Nguyễn Thị Phương gửi Mẹ.
“Cái gì con trai làm được thì con gái mẹ cũng làm được”…
Tại Lễ mít-tinh, Chi cục DS-KHHGĐ Hà Tĩnh đã biểu dương 26 cháu gái chăm ngoan học giỏi đến từ 13 huyện, thị trong cả tỉnh. Cháu Nguyễn Thị Phương – học sinh lớp 7B, Trường THCS Quang Thọ, Vũ Quang sinh ra trong một gia đình Công giáo nghèo. Bố mẹ Phương sinh được hai con gái nhưng đã quyết định không “cố sinh thêm”. Hiện bố mẹ Phương đi làm ăn xa.
Tại Lễ mít-tinh, Phương đã đọc bức thư gửi cho mẹ khiến hội trường rưng rưng xúc động. Xa mẹ, Phương nhớ câu ca dao mẹ hay đọc: “Trai mà chi, gái mà chi /Con nào có ngãi có nghì thì hơn” và Phương hứa với mẹ: “Cái gì con trai làm được thì con gái mẹ cũng làm được… Những tư tưởng cổ hủ trọng nam khinh nữ dần dần sẽ phai nhòa theo thời gian mẹ ạ! Điều này sẽ giúp người phụ nữ không còn chịu áp lực về việc phải sinh con trai, dẫn đến hệ lụy mất cân bằng giới tính khi sinh, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của gia đình và đất nước…”.
Còn em Nguyên Thanh Mai đến từ lớp 9A, Trường THCS Lam Hồng, Nghi Xuân. Mai sinh ra trong gia đình nghèo, Bố mẹ sinh con một bề. Đầu năm 2015, bố Mai mất vì tai nạn giao thông. Nhà còn ba người, mẹ con nương dựa vào nhau. Mẹ ốm đau, nhưng quần quật làm nuôi hai chị em ăn học. Thương mẹ, Mai vừa chăm ngoan học giỏi toàn diện vừa thương yêu em, giúp đỡ mẹ. Tám năm qua, em liên tục là học sinh giỏi. Mai còn làm lớp trưởng, một Liên chi đội trưởng xuất sắc. Vừa rồi Mai đạt giải 3 cuộc thi: “Em yêu Lịch sử Việt Nam”, giải khuyến khích cuộc thi tìm hiểu về thân thế và sự nghiệp văn học của Đại thi hào Nguyễn Du.
Cùng với ngành Dân số, thời gian qua lực lượng Đoàn Thanh niên Hà Tĩnh cũng đã nỗ lực hết mình trong công tác lồng ghép truyền thông, vận động. 262/262 cơ sở Đoàn đã tổ chức cho hơn 3.000 cán bộ Đoàn và 20.000 đoàn viên trong độ tuổi kết hôn ký cam kết không vi phạm chính sách DS- KHHGĐ. Đoàn Thanh niên tỉnh đã chú trọng xây dựng mô hình điểm về DS- KHHGĐ và nhân rộng mô hình này xuống tận đoàn cơ sở.
Lê Văn Vỵ/Báo Gia đình & Xã hội