Tin

Hà Tĩnh: Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ – Đổi mới giáo dục không thể như đánh du kích

“Hà Tĩnh phải mạnh dạn thay đổi căn bản, khắc phục những hạn chế, yếu kém để tiến tới những cái thực tiễn. Đổi mới giáo dục không thể như đánh du kích, nhỏ lẻ, thậm chí phải chấp nhận trả giá để hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục”, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh vào chiều ngày 24/6.

Nằm trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Hà Tĩnh, chiều ngày 24/6, đoàn công tác của Bộ GD&ĐT do Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ dẫn đầu đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các sở, ban ngành Hà Tĩnh.

Báo cáo với Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tại buổi làm việc, ông Đặng Quốc Khánh, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Kinh tế Hà Tĩnh tăng trưởng nhanh, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp – xây dựng và dịch vụ. GRDP bình quân đầu người năm 2015 đạt trên 38,9 triệu đồng.

Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Quốc Khánh báo cáo kết quả đạt được của Hà Tĩnh trong những năm vừa qua
Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Quốc Khánh báo cáo kết quả đạt được của Hà Tĩnh trong những năm vừa qua.

Đến nay toàn tỉnh có 2 khu kinh tế, 19 khu, cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thu hút 446 dự án đầu tư trong và ngoài nước với tổng số vốn đăng ký trên 49.7000 tỷ đồng và 21 tỷ USD.

Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng nhanh, năm 2015 đạt hơn 12.121 tỷ đồng, 6 tháng đầu năm 2016 thu đạt 3.650 tỷ đồng.

Về vấn đề giáo dục và đào tạo, năm 2013 Hà Tĩnh đã đạt chuẩn phổ cập mầm non cho trẻ em 5 tuổi. Năm 2015 đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức 2. Là một trong năm tỉnh có số tiêu chí thi đua dẫn đầu nhiều nhất, tốp 10 tỉnh có tỷ lệ học sinh giỏi quốc gia cao nhất. Nhiều năm liền được Bộ GD&ĐT tặng cờ đơn vị tiêu biểu xuất sắc.

Hà Tĩnh cũng đã triển khai việc quy hoạch lại mạng lưới trường mầm non và phổ thông theo hướng mỗi xã có 1 trường MN công lập, 1 trường TH công lập, đối với THCS thì theo hướng liên xã. Cụ thể có 267 trường Mầm non, trong đó có 164 trường đạt chuẩn; về giáo dục phổ thông có 504 trường, trong đó có 397 trường đạt chuẩn….

Tuy nhiên, ngành Giáo dục Hà Tĩnh cũng đang gặp nhiều khó khăn nhất là về cơ sở vật chất. Hiện nay Hà Tĩnh đang còn thiếu hơn 1000 phòng học, hơn 500 phòng chuyên môn, hơn 600 phòng chức năng…

Đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo vẫn còn nhiều bất cập về số lượng, cơ cấu, bố trí không đều. Chất lượng giáo dục chưa đồng đều giữa các vùng, miền, các cấp học, ngành học. Công tác quản lý còn bất cập nhất là trong phân cấp, giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục.

Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng đưa ra những giải pháp sắp tới như tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động đổi mới trong ngành, áp dụng mô hình mới của Việt Nam tại tất cả các trường. Quy hoạch, phân luồng trong giáo dục. Đồng thời huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục, thực hiện tốt cơ chế phối hợp giữa nhà trường – gia đình và xã hội trong giáo dục học sinh.

Tại buổi làm việc chiều nay, Bộ trưởng cũng đã nhận được nhiều ý kiến, kiến nghị của các ngành chức năng Hà Tĩnh:

Ông Hoàng Trung Dũng, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Tĩnh nêu quan điểm: Vấn đề của ngành Giáo dục Hà Tĩnh lúc này cần quan tâm đó là nguồn nhân lực.
Ông Hoàng Trung Dũng, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Tĩnh nêu quan điểm: Vấn đề của ngành Giáo dục Hà Tĩnh lúc này cần quan tâm đó là nguồn nhân lực.

Ông Hoàng Trung Dũng, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Tĩnh cho rằng: “Vấn đề của ngành Giáo dục Hà Tĩnh lúc này cần quan tâm đó là nguồn nhân lực. Phải tuyên truyền, đào tạo, bồi dưỡng từ lãnh đạo, trước hết phải đào tạo, bồi dưỡng từ người hiệu trưởng rồi mới đến giáo viên”.

Còn PGS-TS Nguyễn Đình Thọ, Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Tĩnh cho biết, nhà trường sẽ tập trung vào những lĩnh vực địa phương có nhiều nhu cầu như nông nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực cho Khu Kinh tế Vũng Áng.

PGS-TS Nguyễn Đình Thọ, Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Tĩnh: Cần chú trọng ngoại ngữ và công nghệ thông tin
PGS-TS Nguyễn Đình Thọ, Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Tĩnh: Cần chú trọng ngoại ngữ và công nghệ thông tin

“Đào tạo ngoại ngữ và công nghệ thông tin là việc làm cấp bách, có yếu tố quyết định đến sự hội nhập cũng như sự phát triển của trường cũng như tỉnh nhà. Nếu không 5 năm, 10 năm sau các nước Thái Lan, Singapore… sẽ nhảy sang cạnh tranh với ta”, ông Nguyễn Đình Thọ nhấn mạnh.

PGS.TS. Đặng Minh Ất, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Việt Đức thẳng thắn chia sẻ quan điểm là hiện nay số lượng học đại học quá nhiều, trong khi học nghề lại còn quá ít: “Hiện nay nếu xã hội có đến 80% học Đại học, còn Trung cấp nghề chỉ 15 -20% thì nên kinh tế sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Vấn đề thứ 2 là trường đại học mở ra quá nhiều, nên quan tâm đến chất lượng, bây giờ người dân vào học đại học quá dễ, có nhiều địa phương có đến 90% con em đi học đại học”.

PGS.TS. Đặng Minh Ất, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Việt Đứ:  Hiện nay số lượng học đại học quá nhiều, trong khi học nghề lại còn quá ít
PGS.TS. Đặng Minh Ất, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Việt Đứ: Hiện nay số lượng học đại học quá nhiều, trong khi học nghề lại còn quá ít

“Học nghề thì sau khi ra trường có đến 90% học viên xin được việc làm, còn học đại học ra thì thất nghiệp rất nhiều. Ở các nước trên thế giới, công tác đào tạo nghề có sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp, còn ở ta thì công tác đào tạo là của nhà trường, doanh nghiệp đang đứng ở ngoài và hưởng lợi”.

Phát biểu kết thúc buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ ghi nhận những kết quả mà ngành giáo dục Hà Tĩnh đã đạt được. Đồng thời ghi nhận những ý kiến, kiến nghị của các ngành chức năng về vấn đề nâng cao chất lượng giáo dục.

 Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ: Đổi mới giáo dục không thể như đánh du kích.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ: “Đổi mới giáo dục không thể như đánh du kích”.

Bộ trưởng nhấn mạnh: “Chúng ta cần phải thẳng thắn nhìn nhận vào vấn đề. Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả đáng mừng nhưng vẫn còn nhiều hạn chế, tồn tại. Phải mạnh dạn thay đổi căn bản. Khắc phục những hạn chế, yếu kém để tiến tới những cái thực tiễn. Đổi mới giáo dục không thể như đánh du kích, nhỏ lẻ, thậm chí phải chấp nhận trả giá để hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục”.

“Đồng thời liên kết với các trường quốc tế để có những mã ngành mới, hướng đến trở thành một khu đại học chứ không phải là chắp vá”.

“Về vấn đề quy hoạch, Hà Tĩnh phải có hướng đi cụ thể phù hợp với điều kiện miễn cái đích cuối cùng là hiệu quả, chất lượng. Còn phân luồng đây là một trong những khâu yếu nhất từ trước đến nay của cả nước. Thực tiễn đào tạo và nhu cầu thực tế nó không tương thích dẫn đến đào tạo thừa. Cho nên tất cả phải xuất phải từ thực tiễn chứ không phải từ quy chế. Thực tiễn mới là chân lý”, Bộ trưởng chỉ rõ.

Ngoài ra, Bộ trưởng cũng đồng tình với các kiến nghị, định hướng đưa ra của các ngành chức năng Hà Tĩnh về vấn như vấn đề trường công, đào tạo lại đội ngũ giáo viên, cũng như các vấn đề liên quan đến dạy thêm, học thêm…

Xuân Sinh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP