Sau 13 ngày điều trị ở Bệnh viện Cửa Đông (Tp Vinh, Nghệ An), anh Duẩn đã về nhà và đang hồi phục bàn chân trái. Trao đổi với PV chiều nay, người nhà chia sẻ: “Từ ngày anh Duẩn suýt bị cưa mất bàn chân, cuộc sống của cả nhà bị đảo lộn. Các thành viên trong gia đình phải thay phiên nhau chăm sóc, nhất là trong thời gian phục hồi chức năng, anh chỉ ngồi một chỗ”
Anh Lê Đình Duẩn bị tai nạn ngày 3/12/2014, gãy ngón cùng ba vết thương vào phần mềm ở bàn chân trái. Anh Duẩn được đưa vào Bệnh viện Đa khoa huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) cấp cứu. Các bác sĩ kiểm tra, chụp X- quang, chuẩn đoán tình trạng và cho nhập viện.
Trong suốt hơn một tháng nằm viện, anh Duẩn được các y – bác sỹ điều trị bằng kháng sinh, thay băng, theo dõi diễn biến. Tuy nhiên, tình trạng sức khỏe của anh Duẩn không những không tiến triển mà càng ngày càng có dấu hiệu nặng thêm. Khi toàn bàn chân trái của anh Duẩn đã phù nề to, bầm đen, các ngón chân đau rát, các y tá và thực tập sinh cũng chỉ tiêm kháng sinh và thuốc giảm đau.
Thấy tình trạng bệnh không có chuyển biến tích cực. Lo lắng cho sức khỏe của anh Duẩn, người nhà và chính bản thân anh Duẩn đã nhiều lần đề nghị BV thay đổi phương pháp điều trị hoặc cho chuyển lên tuyến trên nhưng các bác sỹ không đồng ý.
Đến ngày 1/1/2015, gia đình anh Duẩn buộc phải bỏ ngang việc điều trị ở BVĐK huyện Lộc Hà để chuyển anh lên tuyến trên trong tình trạng bàn chân trái có dấu hiệu lở loét, phù nề nặng. Tại Bệnh viện Cửa Đông (Tp Vinh, Nghệ An), bác sĩ chẩn đoán anh Duẩn bị gãy xương ngón chân, những vết thương ở mu bàn chân bị nhiễm trùng nặng, phần thịt bị hoại tử, nếu không mổ và cắt bỏ kịp thời có thể sẽ phải cưa mất bàn chân trái. Kíp mổ quyết định mổ bàn chân trái để giữ an toàn cho phần thân thể còn lại của bệnh nhân.
Trao đổi với PV, chị Lê Thị Duân (em gái anh Duẩn) bức xúc: “Khi thấy tình trạng bệnh không có dấu hiệu chuyển biến tích cực, đã nhiều lần gia đình chúng tôi đề nghị, thậm chí van nài bác sỹ cho anh tôi được chuyển lên tuyến trên, nhưng các bác sỹ đã không đồng ý và còn một mực giữ lại để tiếp tục điều trị. Khi thấy anh trai tôi đau đớn, gia đình buộc phải tự động cắt ngang việc điều trị ở đây và “trốn” bệnh viện để đưa lên tuyến trên”
“Các bác sỹ ở BVĐK Lộc Hà bảo nếu nhấn vào bàn chân mà anh Duẩn không thấy đau thì có nghĩa là nó đang có dấu hiệu phục hồi, nhưng ở BVĐK Cửa Đông thì các bác sỹ nói ngược lại: nếu nhấn vào bàn chân mà không thấy đau thì nó có dấu hiệu bị hoại tử, vì phần chân đã không còn có cảm giác. Sự thiếu chuyên môn và tắc trách của các bác sỹ ở BVĐK huyện Lộc Hà suýt chút nữa đã gây nên việc anh tôi phải cưa bỏ mất bàn chân” – Chị Duân nói tiếp.
Giảy bày của các bác sỹ
Ngày 6/1/2015, PV đã có cuộc trao đổi với ông Võ Viết Quang, GĐ BVĐK huyện Lộc Hà. Tại đây, ông Quang đã xác nhận sự việc.
Trao đổi với PV, ông Võ Viết Quang cho rằng: Tình trạng sức khỏe của anh Lê Đình Duẩn khi đang điều trị tại BV không có gì đáng lo ngại. Phía bệnh viện là làm đúng chuyên môn, thăm khám và điều trị đúng phương pháp.
Tuy nhiên, khi PV đề cập đến việc BV có nắm được tình trạng bệnh lý của bệnh nhân Duẩn không thì vị GĐ này trả lời là ông không hề biết. “Tôi đến thăm bệnh nhân Duẩn vì anh ấy là cán bộ xã, hôm đó cũng có nhiều lãnh đạo xã Thạch Châu đưa anh ấy vào đây chứ tình trạng bệnh lý như thế nào thì tôi không nắm được. Tuy nhiên, chúng tôi cũng đang bức xúc vì việc anh Duẩn tự bỏ ngang việc điều trị tại BV để tìm nơi khác mà chưa thanh toán viện phí” – ông Quang nói.
Làm việc với ông Trần Hậu Đức, Bác sỹ – Trưởng khoa Ngoại, người trực tiếp khám và điều trị cho anh Lê Đình Duẩn suốt hơn một tháng. Ông Đức cho biết: bệnh nhân Duẩn nhập viện trong tình trạng gãy ngón chân, cùng với ba vết thương ở bàn chân trái. Sau khi chụp phim và chuẩn đoán, kết luận bệnh nhân Duẩn bị nhiễm trùng lan tỏa, cần phải nhập viện và điều trị dài ngày.
“Hơn một tháng nằm ở đây, chúng tôi đã cho bệnh nhân uống kháng sinh, tiêm thuốc và thay băng thường xuyên. Nhưng nhiều lần bệnh nhân Duẩn tự ý bỏ viện và tự về nhà điều trị, không theo quy định của bệnh viện, nên tình trạng bệnh lý nặng thêm là điều khó tránh khỏi” – ông Đức nói thêm.
Tuy nhiên, theo bản thân anh Duẩn cho biết: Khi đang điều trị ở đây, tình trạng bàn chân của anh càng ngày càng đau, các vết thương lỡ loét, bốc mùi và phù nề nghiêm trọng nên anh buộc phải cắt ngang việc điều trị để đến nơi khác. Nếu anh và người nhà không cương quyết thì có thể anh đã gặp phải cảnh “tiền mất – tật mang”!