Nhiều hộ dân tại xã Thạch Kim hoang mang khi mất hàng ngàn đô la thông qua một vị cán bộ xã nhưng sau gần 2 năm vẫn chưa thể cho con em đi xuất khẩu được (ảnh: Mỹ Hoa) |
Gia đình ông Đường Văn Thái (55 tuổi, ngụ thôn Long Hải, xã Thạch Kim) là một trong 19 hộ dân nghèo tại xã này bị “sập bẫy” đường dây xuất khẩu lao động “chui” sang Singapore.
Trong đơn tố cáo gửi công an, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Tĩnh và các cơ quan chức năng của huyện Lộc Hà, ông Thái cho biết, lúc đến làm thủ tục tại trụ sở UBND xã Thạch Kim thì đã gặp ông Nguyễn Văn Hồng (46 tuổi, cán bộ văn phòng thống kê của xã Thạch Kim).
Ông Đường Văn Thái thời gian qua đưa đơn đi gửi khắp các cơ quan chức năng nhưng đến nay vẫn chưa được trả lời một cách thấu đáo (ảnh: Mỹ Hoa) |
Qua chuyện trò, ông Hồng giới thiệu với ông Thái mình có “mối” xuất khẩu lao động “chui” sang Singapore với giá đi “trọn gói” gồm: tiền phí xuất cảnh, vé máy bay, chi phí đi lại là 8.000 USD/người (khoảng 170 triệu đồng). “Ngoài ra, ông Hồng còn nói sang đó lao động được tạo nơi ăn, chốn ở, làm việc tại nhà hàng, khách sạn sang trọng với mức lương 1.500 USD/tháng/người; làm việc dài hạn tại Singapore, được chủ cho về nước thăm nhà một năm 2 lần”, ông Thái nói.
Tin lời, ông Thái đã quyết định mang toàn bộ số tiền tích góp được của gia đình và vay thêm hàng trăm triệu đồng ngân hàng để đưa cho ông Hồng nhằm cho 2 người con được xuất ngoại.
Nhiều hộ dân hoang mang khi tiền mất nhưng nay vẫn chưa thể đi lao động xuất khẩu đúng như ông Hồng cam kết (ảnh: Mỹ Hoa) |
Lúc này, thấy ông Thái “đăng ký” cho 2 người con sang Singapore lao động, nhiều anh em họ hàng, làng xóm trong xã cũng có nguyện vọng cho con em mình đi theo. Từ tháng 5/2014 đến tháng 11/2014, ông Thái đã nhận tiền của 9 hộ dân tại địa phương và đóng thêm 10.000 USD tiền riêng của gia đình (tiền ông Thái đóng cho 2 người con ruột xuất ngoại) rồi đưa toàn bộ cho ông Hồng làm thủ tục cho tổng cộng 11 người được xuất khẩu lao động. “Tháng 5/2014, chúng tôi đưa cho ông Hồng 55.000USD/11 người; đến tháng 11/2014, chúng tôi đưa thêm 27.000 USD nữa; tổng 2 lần mà ông Hồng nhận để làm thủ tục là 82.000 USD”, ông Thái nói.
Tuy nhiên, theo ông Thái thì sau khi nhận số tiền trên, ông Hồng không làm thủ tục để người dân đi xuất khẩu lao động sang Singapore như đã hứa. Ngày này qua tháng khác, phải “dài cổ” chờ đợi được xuất cảnh lao động sang Singapore nhưng vẫn vô vọng, từ cuối năm 2014 đến nay, người dân đã nhiều lần yêu cầu ông Hồng hoàn trả lại toàn bộ số tiền mà họ đã đóng.
Bà Trần Thị Mai (51 tuổi, xã Thạch Kim) cũng là phụ huynh có con em mang mộng xuất ngoại làm giàu bất thành. Bà Mai nói: “Sau nhiều lần đòi, ông Hồng mới trả lại cho chúng tôi 38.000 UDS, riêng 44.000 UDS còn lại thì đến nay ông ấy vẫn không chịu trả. Hiện ông ấy đã cắt điện thoại và bỏ trốn khỏi địa phương từ nhiều tháng nay”.
Bà Mai cho biết thêm, không riêng gì gia đình bà mà nhiều hộ dân nghèo khác tại xã Thạch Kim bị “sập bẫy” đường dây xuất khẩu lao động của ông Hồng hiện đang rất hoang mang, lo lắng và lâm cảnh nợ nần chồng chất.
“Mỗi tháng tôi làm nghề nướng cá thuê cũng chỉ kiếm được hơn 1 triệu đồng, rứa mà vừa rồi, vì vay ngân hàng để đóng tiền cho ông Hồng, nay gia đình tôi lâm cảnh trắng tay, còn phải trả lãi gần 3 triệu đồng/tháng”, bà Mai nói.
Trao đổi với chúng tôi, nhiều hộ dân nghèo tại xã Thạch Kim là nạn nhân của đường dây xuất khẩu lao động trên cho biết, hiện mỗi tháng họ đang phải “còng lưng” trả tiền lãi vốn tín dụng ngân hàng với lãi suất 1,2%. “Riêng gia đình tôi, vì vướng cú lừa của ông Hồng mà 10 tháng vừa rồi phải trả hơn 40 triệu đồng tiền lãi. Chừ lâm vào cảnh đường cùng rồi”, ông Thái (thôn Long Hải, xã Thạch Kim) nói.
Đã đề nghị Bộ Công an ngăn chặn người đứng đầu bỏ trốn
Ông Hà Minh Tân, Chủ tịch UBND xã Thạch Kim cho biết, hiện cơ quan CSĐT Công an huyện Lộc Hà đã vào cuộc điều tra vụ việc ông Nguyễn Văn Hồng (cán bộ văn phòng thống kê xã Thạch Kim) nhận tiền của nhiều hộ dân tại địa phương, hứa đưa đi xuất khẩu lao động “chui” sang Singapore nhưng đã không thực hiện. “Hiện Huyện ủy Lộc Hà cũng đã ra quyết định cách chức đảng ủy viên đối với ông Hồng; còn UBND huyện thì đã có quyết định buộc thôi việc đối với người này về hành vi làm mất uy tín, ảnh hưởng đến tập thể và nhiều tháng không đến trụ sở xã làm việc”, ông Tân nói.
Đơn thư khiếu kiện lừa chiếm đoạt gần 4 tỷ đồng nhưng cơ quan điều tra huyện Lộc Hà vẫn trả lời chưa có dấu hiệu lừa đảo (ảnh: Mỹ Hoa) |
Ông Nguyễn Việt Cường, Trưởng phòng nội vụ huyện Lộc Hà và ông Nguyễn Duy Sơn, Chủ nhiệm ủy ban kiểm tra huyện ủy Lộc Hà xác nhận thông tin trên với chúng tôi. Ông Sơn cho biết thêm, sau quá trình xác minh, đơn vị này biết được có thực tế là ông Hồng không được cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp phép xuất khẩu lao động sang Singapore nhưng lại nhận tiền của nhiều hộ dân nghèo tại xã Thạch Kim và hứa đưa lao động sang làm việc tại nước này nhưng cuối cùng đã không thực hiện. “Khi vụ việc bị đổ bể, người dân làm đơn tố cáo ông Hồng về hành vi lừa đảo xuất khẩu lao động thì chúng tôi đã vào cuộc xác minh cụ thể. Hiện chúng tôi đã ra quyết định cách chức Đảng ủy viên đối với ông Hồng và đồng thời chuyển hồ sơ cho công an huyện tiếp tục điều tra theo thẩm quyền”, ông Sơn nói.
Còn ông Nguyễn Duy Sơn, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Huyện ủy huyện Lộc Hà cũng cho biết, phía huyện ủy đã có quyết định cắt chức Đảng ủy viên, cắt chức về mặt nhà nước đối với ông Nguyễn Văn Hồng, cán bộ UBND xã Thạch Kim. Toàn bộ hồ sơ thẩm định, xác minh về việc người dân tố giác ông Hồng có dấu hiệu lừa đảo tiền của dân chúng tôi đã gửi toàn bộ hồ sơ qua cơ quan điều tra Công an huyện Lộc Hà – ông Sơn nói.
Trao trực tiếp với PV Infonet, ông Nguyễn Văn Quyết, Viện trưởng viện kiểm sát nhân dân huyện Lộc Hà cho biết: “Theo tìm hiểu ban đầu thì số nạn nhân đã đưa tiền cho ông Hồng để được sang Singapore lao động là 19 người, với tổng số tiền trên 4 tỷ đồng”.
Văn bản trả lời từ Công an huyện Lộc Hà về việc trả lời đơn thư khiếu kiện của người dân xã Thạch Kim (ảnh: Mỹ Hoa) |
Cũng theo ông Quyết, theo kết quả điều tra của cơ quan chức năng thì ông Hồng chỉ là người môi giới xuất khẩu lao động cho Công ty TNHH MTV Tư vấn Giáo dục Du lịch Toàn cầu (trụ sở tại quận Phú Nhuận, TP.HCM) do bà Nguyễn Thị Hồng Oanh làm Giám đốc.
“Theo điều tra thì ông Hồng đã nhận hơn 4 tỷ đồng từ người dân đưa cho bà Oanh để làm thủ tục cho lao động sang Singapore làm việc. Lý do mà cơ quan điều tra kết luận ban đầu việc ông Hồng không có dấu hiệu ”Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” bởi ông Hồng chỉ là môi giới, toàn bộ số tiền 4 tỷ ông Hồng nhận của người dân đều chuyển cho bà Oanh. Trong khi đó, công ty bà Oanh có giấy phép hoạt động đúng pháp luật. Trong bản cam kết với cơ quan điều tra, bà Oanh cũng hứa vào tháng 5/2016 sẽ hoàn trả toàn bộ số tiền trên cho người dân. Cũng theo thẩm định, thì tài sản của bà Oanh đủ thế chấp” – ông Quyết lí giải.
Khi PV hỏi vì sao cơ quan điều tra công an huyện nhận được nhiều đơn tố giác của nhân dân về việc bà Oanh, ông Hồng lừa đảo chiếm đoạt tài sản của 19 hộ dân nhưng sau gần 2 năm cơ quan điều tra vẫn chưa có động thái nào? trả lời cho câu hỏi này, đại tá Nguyễn Trọng Tranh – Trưởng Công an huyện Lộc Hà cho biết, về vụ việc hàng chục người dân tại xã Thạch Kim tố giác ông Nguyễn Văn Hồng, hiện cơ quan điều tra công an huyện đã vào cuộc, điều tra làm rõ vụ việc nêu trên. Nếu xét thấy những sai phạm của bà Oanh, ông Hồng đủ cấu thành tội phạm thì cơ quan điều tra sẽ khởi tố – ông Tranh khẳng định.
Để phục vụ cho quá trình điều tra, ngăn ngừa người đứng đầu đường dây là bà Nguyễn Thị Hồng Oanh bỏ trốn ra nước ngoài, Công an huyện Lộc Hà cũng đã gửi văn bản lên Cục Quản lý xuất nhập cảnh (A72) Bộ Công an để có biện pháp ngăn chặn xuất cảnh đối với bà Oanh.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.