Hai cầu này cách nhau khoảng 250 m, nằm trên 2 nhánh suối và phục vụ đi lại cho người dân ở hai vùng khác nhau.
“Cầu Gãy nằm trên tuyến đường giao thông đi vào xã Hương Điền, còn cầu Khe Tây phục vụ dân cư Khe Bùn – Eo Nâm thuộc thôn 6, nằm trên sườn núi Khe Tây thuộc xã Sơn Thọ phục vụ cho 43 hộ dân sản xuất sinh sống”, ông Kỳ cho hay.
Cũng trong báo cáo, ông Kỳ nêu rõ, nếu đi Cầu Gãy để đi vào vùng dân cư Khe Bùn – Eo Nâm thuộc thôn 6 thì người dân phải lội bộ qua dòng suối Khe Tiên, điều này chỉ thực hiện được khi vào mùa khô, còn về mùa mưa lũ nước dâng cao và rất nguy hiểm.
“Trước khi xây dựng cầu Khe Tây, vào mùa mưa lũ vùng dân cư này bị cô lập hoàn toàn với suối Khe Tây và suối Khe Tiên”, ông Kỳ nói.
Trong chuyến thực địa của Sở GTVT sau khi báo chí vào cuộc, mặc dù có cán bộ địa chính xã dùng dao phát rừng để đi nhưng không thể đến được các hộ dân cuối. Chuyến thực địa đã chứng minh một việc, người dân phía trong xóm 6 không thể đi cầu Khe Tây, trừ khi băng rừng lội suối. |
Cũng trong văn bản gửi Tổng cục Đường bộ VN, GĐ Sở GTVT Hà Tĩnh cho biết, nối tiếp với đường sau mố cầu Khe Tây là tuyến đường giao thông nông thôn xã Sơn Thọ, huyện Vũ Quang – tuyến từ thôn 6 ra trung tâm xã Sơn Thọ đã được UBND huyện Vũ Quang phê duyệt tại Quyết định số 4249/ QĐ – UBND ngày 12/12/2011 về việc phê duyệt quy hoạch nông thôn mới xã Sơn Thọ giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến 2020; Quyết định số 1281/QĐ – UBND ngày 14/4/2015 của UBND tỉnh điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển trang trại, vùng sản xuất chăn nuôi tập trung công nghiệp tỉnh Hà Tĩnh đến 2020 và trong thời gian vừa qua đã được đã được UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt báo cáo kinh tế – kỹ thuật xây dựng tuyến đường…
Hiện tại, trên tuyến đường này một số đoạn đã được người dân đào đất, mở đường để phục vụ đi lại và sản xuất.
“Việc xây dựng cầu Khe Tây nhằm đảm bảo an sinh, phục vụ sản xuất, từng bước xây dựng cơ sở hạ tầng theo quy hoạch nông thôn mới, nhằm mở rộng sản xuất và nâng cao đời sống cho người sân xã Sơn Thọ” – lời ông Kỳ trong báo cáo gửi Tổng cục Đường bộ VN.
Xây cầu phù hợp với quy hoạch?
Trao đổi với VietNamNet, ông Nguyễn Xuân Trường, Giám đốc Ban QLDA 3 cho biết: cầu treo Khe Tây được xây dựng dựa trên đề nghị của UBND tỉnh Hà Tĩnh, do đĩch thân Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Kim Cự đề nghị, có văn bản gửi Bộ GTVT.
Cụ thể, tại văn bản số 4718 UBND – GT1 điều chỉnh danh mục cầu treo dân sinh trên địa bàn của UBND tỉnh Hà Tĩnh gửi Bộ GTVT ngày 24/10/2014 do ông Võ Kim Cự ký, nói rõ, cầu Khe Tây (xã Sơn Thọ, huyện Hương Sơn, nay là huyện Vũ Quang) nằm trong danh mục các cầu đề nghị điều chỉnh thay thế và UBND tỉnh Hà Tĩnh đề nghị Bộ GTVT xem xét, điều chỉnh danh mục đầu tư.
Sau khi Tổng cục Đường bộ VN (được Bộ GTVT giao làm chủ đầu tư) xem xét, thấy đề nghị của UBND tỉnh Hà Tĩnh phù hợp với quy hoạch của địa phương, đã cấp quyết định đầu tư dự án cầu treo dân sinh Khe Tây.
“Cầu Khe Tây được xây dựng có tuổi thọ 25 năm nên chúng tôi phải xem xét phù hợp với cả quy hoạch trong tương lai cộng đồng người dân sẽ được hưởng lợi, chứ không đơn thuần làm cho các năm trước mắt.
Giao thông phải đi trước một bước nên ngoài việc phục vụ các hộ dân hiện tại thì cầu Khe Tây nằm trong quy hoạch con đường được phê duyệt của huyện và tỉnh nên mới được chọn”, ông Trường cho hay và khẳng định việc đầu tư xây dựng cầu treo Khe Tây là hoàn toàn khách quan.
Liên quan đến vụ việc, ngày 13/8, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN Nguyễn Văn Huyện sẽ có mặt tại xã Sơn Thọ cùng với chính quyền địa phương và các hộ dân để làm rõ vụ việc xây dựng cầu treo Khe Tây.
Vũ Điệp / VNN