Đặt tên con để nhớ ơn bác sĩ
Dù đã gần 15 năm trôi qua nhưng khi nhắc về lần sinh cháu Bùi Thị Hoàng Nhân, bà Phan Thị Bé (56 tuổi, trú thôn Đông Dũng, xã Đức Dũng, huyện Đức Thọ) vẫn nhớ như in, bởi lần đó, nếu không có đơn vị máu của bác sĩ Trần Văn Nhân, Phó GĐ kiêm Trưởng khoa Sản BVĐK huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) thì mẹ con bà khó qua cơn nguy kịch.
Bà Bé kể, vào năm 2000, bà mang thai cháu Hoàng Nhân (có thai ngoài dạ con). Khi thai 38 tuần tuổi, bà được chuyển vào khoa Sản BVĐK huyện Đức Thọ. Tới khoảng 2 giờ sáng, cháu Hoàng Nhân (nặng 2,6 kg) chào đời trong sự vui mừng của mọi người.
Bác sĩ Trần Văn Nhân thăm khám tận tình cho các sản phụ. |
Tuy nhiên, lúc này bà Bé lại mất máu rất nhiều, hồng cầu từ 4,2 triệu/ml máu giảm xuống còn 800 ngàn/ml máu, tình trạng phù nề hết sức nguy kịch. Mặc dù có khoảng 20 người ở ngoài nhưng không ai hợp với nhóm máu B của bà Bé.
Biết mình nhóm máu B, bác sĩ Nhân (trưởng kíp mổ) đã nhanh chóng tới làm thủ tục chuyền máu cho bà Bé 1 đơn vị máu. Được cấp máu, thể trạng bà Bé có biến chuyển tích cực.
Cùng với 4 đơn vị máu sau đó (2 của người nhà, 2 đơn vị máu đi mua), bà Bé cùng cô con gái được cứu sống khỏi “lưỡi hái tử thần” trong gang tấc. Để ghi nhớ “ơn”, gia đình bà Bé đã đặt tên con trùng với tên của bác sĩ Nhân – cháu Bùi Thị Hoàng Nhân.
Gia đình bà Phan Thị Bé luôn khắc ghi tấm lòng của bác sĩ Trần Văn Nhân (ảnh nhỏ) đã hiến máu cứu sống bà cùng con gái Bùi Thị Hoàng Nhân. |
“Lúc ấy không có bác sĩ Nhân hiến máu thì mẹ con tôi chắc không qua khỏi. Gia đình luôn khắc sâu lòng tốt của bác sĩ. Chúng tôi đặt tên con giống tên bác sĩ Nhân để luôn nhắc nhở cháu – nhờ có bác sĩ mẹ con tôi mới có ngày hôm nay. Công ơn của bác sĩ Nhân không khi nào gia đình tôi có thể quên được”, bà Bé nói.
“Vui nhất là khi thấy mẹ tròn con vuông”
Khi PV VietNamNet tới khoa Sản BVĐK huyện Đức Thọ để tìm gặp bác sĩ Trần Văn Nhân đúng vào thời điểm bác sĩ đang bận kiểm tra sức khỏe cho các sản phụ. Sau khi PV đề cập tới “nội dung” cuộc gặp, bác sĩ Nhân chia sẻ: “Đó là việc phải làm của một bác sĩ. Đối với chúng tôi, cứu sống bệnh nhân là trên hết”.
“Để cứu chữa thành công cho một bệnh nhân, không phải chỉ mỗi mình tôi mà là sự phối hợp của các y, bác sĩ khác. Mỗi lần thấy “mẹ tròn con vuông”, bao mệt mỏi, căng thẳng của chúng tôi lại tan biến hết”, bác sĩ Nhân cười nói.
Được biết, tháng 9/1990, bác sĩ Nhân tốt nghiệp ngành Ngoại Sản của ĐH Y Hà Nội. 2 năm sau, bác sĩ về nhận công tác tại BVĐK huyện Đức Thọ và cũng từ đây, công việc “đỡ đẻ”, chăm sóc sản phụ gắn với cuộc đời của anh.
Bằng sự tận tụy với công việc, tận tâm, chu đáo với sản phụ, khoa Sản BVĐK huyện Đức Thọ do bác sĩ Nhân làm Trưởng khoa luôn là điểm đến tin cậy của những phụ nữ tới thời kỳ “sinh nở”.
“Khi đưa con tới đây (khoa Sản BVĐK huyện Đức Thọ), gia đình chúng tôi rất yên tâm. Bác sĩ Nhân cùng các y, bác sĩ ở đây rất nhiệt tình, chu đáo với sản phụ”, bà Trần Thị Hằng (người nhà một sản phụ) cho biết.
Bác sĩ Nhân đã từng hiến máu cứu một sản phụ khác ở xã Yên Hồ (huyện Đức Thọ). Hay khi sản phụ Nguyễn Thị Định (xã Sơn Long, Hương Sơn) sinh non nhưng gia cảnh khó khăn, không có tiền mua thuốc Oxytocin – co giãn tử cung (khi ấy 1 lọ giá 2.000 đồng). Bác sĩ Nhân đã bỏ tiền mua thuốc, giúp sản phụ Định qua cơn nguy kịch.
Khoa Sản BVĐK huyện Đức Thọ luôn là điểm đến tin cậy cho nhiều gia đình. |
Để cảm ơn, chồng chị Định đã mang “tài sản” lớn nhất của gia đình lúc đó là…quả mít để mời mọi người trong khoa. Gia đình này cũng đã đặt tên con là Nhân để ghi nhớ ơn của bác sĩ Trần Văn Nhân.
Tâm sự về công việc, bác sĩ Trần Văn Nhân nhỏ nhẹ: khi bệnh nhân tới BV là lúc họ cần mình nhất. Nhưng không phải vì thế mà mình có thể “hách dịch”. Làm việc gì cũng cần cái tâm và sự yêu nghề, có thế mới tạo được sự tin tưởng ở người dân.
Nói về những lúc khó khăn, bác sĩ Nhân trầm giọng: “Tính chất công việc không phải lúc nào cũng suôn sẻ, có những lúc xẩy ra chuyện mà mình không tiên lượng được hết. Lúc ấy, bản thân cũng thấy buồn, chán nản. Nhưng cái quan trọng là mình dám đối mặt với nó để nhận ra khuyết điểm và rút kinh nghiệm”.
Ông Lê Ngọc Châu, GĐ sở Y tế Hà Tĩnh cho biết, bác sĩ Nhân là một người rất tâm huyết với nghề. Từ lúc ra trường và trong quá trình công tác, bác sĩ luôn cố gắng nỗ lực hết mình. Nhờ bác sĩ Nhân mà BVĐK huyện Đức Thọ là một “điểm sáng” trong công tác khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh.
Dù là BV tuyến huyện nhưng mỗi năm khoa Sản BVĐK huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) tiếp nhận 4.000 trường hợp tới thăm khám, sinh nở. Trong số này có hơn 60% bệnh nhân ngoài huyện (Vũ Quang, Hương Sơn, Hồng Lĩnh, Can Lộc), thậm chí có cả người từ Nam Đàn (Nghệ An). |
Văn Đức – Duy Tuấn