Nhiều tài xế mặc áo đồng phục Grab tập trung trước văn phòng đại diện Công ty TNHH Grab tại Hà Nội. Ảnh: Linh Trần/Phụ Nữ Việt Nam. |
Như báo giới đưa tin, hàng trăm tài xế mặc áo đồng phục Grab vào sáng 7/12 đã tập trung rất đông trước văn phòng đại diện Công ty TNHH Grab tại Hà Nội (Số 1 Tòa nhà Kim ánh, ngõ 78 Duy Tân, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội). Tất cả các tài xế này đều tắt ứng dụng, yêu cầu được làm việc với đơn vị chủ quản về việc tăng thuế ảnh hưởng tới thu nhập của họ.
Trước đó, với lý do để đảm bảo thu nhập cho tài xế khi thuế VAT tăng theo Nghị định 126, Grab vừa tăng giá 5-6% dịch vụ taxi, xe ôm công nghệ trên toàn quốc. Theo đó, giá cước 2 km đầu tiên cho dịch vụ GrabCar 4 chỗ tại Hà Nội, Bắc Ninh, TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Cần Thơ tăng lên 27.000 đồng, cao hơn 2.000 so với trước ngày 5/12. Mức cước này tại các thành phố khác như Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng... tăng 3.000 đồng lên 25.000 đồng.
Ngoài ra, Grab cũng điều chỉnh tăng giá cước mỗi kilomet (sau 2 km đầu tiên) cho dịch vụ GrabCar 4 chỗ 500 - 1.000 đồng tùy từng thành phố, trong đó 1.000 đồng là mức tăng lớn nhất áp dụng cho khách hàng tại Hà Nội và Bắc Ninh.
Trước khi sự việc nói trên xảy ra, Grab là ứng dụng đặt xe công nghệ nhận được đông đảo sự ủng hộ của các tài xế và người dùng. Sau hơn nửa thập niên hình thành và phát triển ở Việt Nam, Grab đã thay đổi hoàn toàn thị trường vận chuyển hành khách chặng ngắn, kéo theo đó là sự gia nhập của loạt tên tuổi lớn như Be (Việt Nam) hay GoViet (Indonesia).
Ngược lại dòng thời gian, Grab âm thầm xuất hiện ở Việt Nam vào tháng 2/2014 với tên gọi ban đầu là Công ty TNHH GrabTaxi, tiền thân của Công ty TNHH Grab sau này. 8 tháng sau, tức tháng 10/2014, công ty tiếp tục ra mắt dịch vụ GrabBike. Thời điểm đó, ít người nghĩ Grab sẽ có ngày “làm mưa làm gió” tại Việt Nam. Thực tế đã minh chứng điều ngược lại.
Năm 2015, Grab Việt Nam được Bộ Giao thông Vận tải cấp phép thí điểm hoạt động tại Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng. Một cột mốc đáng chú ý là vào tháng 3/2018, Grab đã thu mua toàn bộ hoạt động kinh doanh của Uber tại Đông Nam Á - thỏa thuận sáp nhập lớn nhất từ trước tới nay tại khu vực. Chưa dừng lại ở đó, với tham vọng mở rộng thị phần, Grab vào tháng 8/2019 đã công bố sẽ rót thêm 500 triệu USD vào Việt Nam.
Sự tăng trưởng nhanh chóng của Grab được thể hiện qua việc doanh thu tăng liên tục qua các năm. Cụ thể, doanh thu năm 2019 Grab (công ty mẹ) đạt 3.382 tỷ đồng, tăng hơn 54,1% so với cùng kỳ, cao nhất trong giai đoạn 2016 - 2019. Có thể thấy, con số này vượt rất xa so với Be và GoViet.
|
Do đó, không ngạc nhiên khi báo cáo dữ liệu của ABI Research cho thấy, Grab trong năm 2019 đứng top 1 thị trường với 146 triệu cuốc xe, tương đương 73% thị phần; con số này áp đảo hoàn toàn so với Be (16%) và GoViet (10%).
|
Ở chiều ngược lại, lỗ thuần của Grab ngày càng lớn. Tính riêng năm 2019, Grab lỗ đến 1.670 tỷ đồng, lỗ tăng 88,7% so với năm 2018, và cũng là con số lỗ lớn nhất của Grab giai đoạn 2016 – 2019.
Dĩ nhiên, nên hiểu đây là câu chuyện chấp nhận lỗ để chiếm lấy thị phần của các ông lớn ứng dụng đặt xe công nghệ. Bởi, một khi đã nắm thị trường trong tay, câu chuyện đơn phương tăng giá cước như trường hợp của Grab là một ví dụ điển hình.
Đặc biệt, ngoài lĩnh vực vận tải, Grab đã mở rộng phát triển lĩnh vực thương mại điện tử với CTCP Dịch vụ Công nghệ Moca (GrabPay by Moca) – doanh nghiệp mà Grab nắm 3,523%. Do đó, ngoài câu chuyện thị phần, tập dữ liệu chi tiết hàng chục triệu người dùng là một trong những tài sản đáng giá nhất của Grab.
Dựa trên nền tảng này, bên cạnh các dịch vụ như thanh toán hóa đơn, nạp tiền điện thoại, thanh toán các điểm bán lẻ, Grab đang hướng đến triển khai dịch vụ tài chính với Grab Financial. Cụ thể, các dịch vụ này bao gồm: Cho vay tiêu dùng, tín dụng trả sau - cho phép người dùng sử dụng các sản phẩm khác của công ty như gọi xe, giao đồ ăn, rồi thanh toán tổng số tiền vào cuối tháng (đang được áp dụng tại Singapore, Malaysia); dịch vụ cho vay đối với các doanh nghiệp nhỏ; bảo hiểm;….
Mặt khác, Grab cũng thể hiện tham vọng với lĩnh vực bảo hiểm khi thành lập Công ty TNHH GrabInsure Việt Nam vào ngày 19/9/2019 (thông qua công ty con là Công ty TNHH GPay Network Việt Nam).
Bí ẩn các cổ đông người Việt tại Grab
Trong quá trình hình thành và phát triển của Grab, sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến vai trò của các cổ đông người Việt.
Công ty TNHH Grab vào năm 2016 có vốn điều lệ 20 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông khá bất ngờ gồm 3 người Việt, đó là: Ông Nguyễn Tuấn Anh (34%), Nguyễn Phú Sinh (33%) và Trần Anh Đức (33%).
Trong đó, ông Nguyễn Tuấn Anh (SN 1982) đóng vai trò quan trọng đặc biệt tại Grab. Ông chính là người mở đường triển khai thành công ứng dụng đặt xe, đặc biệt là GrabBike, GrabTaxi và GrabCar. Mặt khác, ông cũng là người đem đến các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt cho người dùng trên ứng dụng Grab thông qua hợp tác chiến lược với Moca. Tại Grab Việt Nam, ông từng đảm nhiệm các vị trí quan trọng như Giám đốc sáng lập Grab Việt Nam và Tổng giám đốc Grab Financial Group Việt Nam.
Kể từ tháng 4/2016 đến tháng 3/2020, doanh nhân sinh năm 1982 luôn duy trì tỷ lệ sở hữu tại Công ty TNHH Grab là 51%. Trong khi đó, Grab INC - pháp nhân đến từ Quần đảo Cayman, chỉ nắm 49% vốn.
Như đã biết, ông Tuấn Anh vào ngày 1/2/2020 đã chính thức nghỉ việc ở Grab. Lô 1,02 triệu cổ phần, tức 51% vốn này sau đó đã có chủ mới là bà Lý Thụy Bích Huyền (27/3/2020). Theo tìm hiểu của Nhadautu.vn, ngoài vai trò cổ đông, bà Huyền còn giữ là lãnh đạo cấp cao tại Công ty TNHH Grab.
Khá thú vị, bà Huyền cũng tại ngày 27/3/2020 đã đem toàn lô cổ phần nói trên thế chấp tại Công ty TNHH GPay Network Việt Nam; và đến tháng 11/9/2020, bà tiếp tục thế chấp 100% vốn Công Ty TNHH G-Trees cũng vẫn tại GPay Network Việt Nam.
Lưu ý rằng, 100% vốn GPay Network Việt Nam thuộc sở hữu của chính Công ty TNHH Grab. Hay nói cách khác, bà Huyền đã đem 51% vốn Grab thế chấp tại chính công ty con của Grab.
Theo FiinResearch, GPay Network Việt Nam thành lập vào tháng 11/2017, chuyên cung cấp các dịch vụ trung gian thanh toán cho Grab (Việt Nam). Tuy nhiên, đến tháng 11/2018, công ty không được cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán theo thông tin công khai của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Như đã biết, Grab sau đó đã hợp tác với CTCP Dịch vụ Công nghệ Moca.
Trở lại với cơ cấu cổ đông của Công ty TNHH Grab, nên hiểu rằng cuộc chơi tại doanh nghiệp này vẫn nằm trong tay Grab Holdings Inc (Singapore). Dù vậy, với tỷ lệ vừa đủ ở mức 49%, Công ty TNHH Grab vẫn được coi là một nhà đầu tư trong nước.
Với cách thức này, một số thủ tục của công ty có thể nhanh chóng thuận lợi hơn. Đơn cử, có thể kể đến hoạt động đầu tư góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp.
Cụ thể, theo Luật Đầu tư 2014, nhà đầu tư nước ngoài mua dưới 51% tổng vốn của doanh nghiệp Việt Nam kinh doanh các ngành nghề không có điều kiện chỉ cần thực hiện thủ tục thay đổi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Còn với trường hợp tỷ lệ nắm giữ trên 51%, các doanh nghiệp phải có hồ sơ đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp gồm: Văn bản đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp với những nội dung, như thông tin về tổ chức kinh tế mà nhà đầu tư nước ngoài dự kiến góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp; tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài sau khi góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế).
Mặt khác, nếu là một nhà đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp có thể bị hạn chế tiếp cận một số ngành nghề hoặc có thể phải thêm một số điều kiện cụ thể nhất định.
Ông Trần Thanh Nam (SN 1975) - cổ đông sáng lập, Giám đốc Moca, đang đứng tên tại Gpay Network Việt Nam, Công ty TNHH GFin Việt Nam (Hoạt động dịch vụ tài chính khác chưa được phân vào đâu, trừ bảo hiểm và bảo hiểm xã hội), Công ty TNHH GrabInsure Việt Nam (Hoạt động của đại lý và môi giới bảo hiểm), Công ty TNHH GFinHoldings Việt Nam (Hoạt động tư vấn quản lý), CTCP CFG Holdings Việt Nam (Hoạt động tư vấn quản lý). 5 doanh nghiệp này đều đóng trụ sở tại Tòa nhà Mapletree Business Center, số 1060 Đại lộ Nguyễn Văn, phường Tân Phong, quận 7, TP.HCM. |
Tác giả: Hóa Khoa
Nguồn tin: Báo Nhà Đầu Tư