Giáo dục - Đào tạo

Góp phần nâng cao hiệu quả dạy học Lịch sử – Văn hóa Hà Tĩnh cho học sinh phổ thông

Tình yêu quê hương là ngọn nguồn của lòng yêu nước. Rồi tình yêu quê hương lại nâng lòng yêu nước lên những tầm cao mới đối với từng con người. Từ đó, chúng ta thấy được lịch sử, văn hóa địa phương (LSVHĐP) là điều kiện cần thiết để các thế hệ học sinh thấm sâu lịch sử, văn hóa đất nước, nâng cao lòng yêu nước theo bước phát triển của thời đại.

Nghiên cứu, biên soạn và giảng dạy LSVHĐP có ý nghĩa quan trọng giúp giáo viên (GV) bộ môn Lịch sử ở trường phổ thông không những dạy học tốt LSVHĐP mà còn góp phần dạy tốt lịch sử dân tộc, lịch sử thế giới. Nhất là trong bối cảnh xu thế toàn cầu hóa diễn ra ngày càng sâu rộng như hiện nay, những giá trị truyền thống tốt đẹp của quê hương, đất nước đang đứng trước nguy cơ bị xói mòn thì việc dạy học LSVHĐP càng có ý nghĩa sâu sắc.

Mát ngọt Bến Tam Soa – Đức Thọ, Hà Tĩnh

Để giáo dục học sinh trở thành người công dân phát triển toàn diện, giàu lòng yêu quê hương, đất nước, Bộ GD&ĐT luôn quan tâm chỉ đạo và dành một thời lượng nhất định để đưa nội dung giáo dục địa phương cho học sinh (HS) phổ thông qua nhiều môn học như Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân, Mỹ thuật, Âm nhạc… Trong đó, môn Lịch sử có vai trò quan trọng trong việc bồi dưỡng, vun đắp tâm hồn, tình yêu quê hương cho các em; giúp các em hình thành nhân cách qua những bài học gần gũi, sinh động để vận dụng vào cuộc sống. LSVHĐP là lịch sử – văn hóa của miền quê nơi các em sinh ra và lớn lên nên rất gần gủi, thân thiết, gắn bó kể cả lúc tuổi ấu thơ cho đến khi trưởng thành.

Chúng ta cần nhận thức sâu sắc vị trí, vài trò, tầm quan trọng của việc nghiên cứu, biên soạn, dạy học LSVHĐP ở trường phổ thông; từ đó nêu cao tinh thần trách nhiệm, tâm huyết thực hiện công tác này bằng nhiều giải pháp nhằm góp phần nâng cao hiệu quả dạy học LSVHĐP.

1. Tiếp tục nghiên cứu, biên soạn, sử dụng các tài liệu phục vụ dạy học LSVHĐP có hiệu quả

Nội dung các loại tài liệu lịch sử Hà Tĩnh đã và đang dùng trong trường phổ thông đã phản ánh được hiện thực lịch sử khách quan, tương xứng với tầm vóc truyền thống lịch sử – văn hóa của quê hương Hà Tĩnh, vùng “địa linh nhân kiệt”.

Ngoài tài liệu LSVHĐP của Sở Giáo dục và Đào tạo đã xuất bản, GV cần tận dụng các loại tài liệu như: Lịch sử Hà Tĩnh, Tập 1, 2, NXBCTQG, HN, 2000; Lịch sử Đảng bộ Hà Tĩnh, Tập 1, 2, 3, NXBCTQG, HN; Lịch sử Đảng bộ các huyện, thành phố, thị xã, phường, xã, thị trấn; lịch sử các ngành, nghề; hồ sơ lý lịch các di tích lịch sử – văn hóa đã được công nhận di tích LSVH đặc biệt cấp quốc gia, di tích LSVH quốc gia, di tích LSVH cấp tỉnh. GV cần nghiên cứu, biên soạn các chủ đề dạy học LSVHĐP phù hợp với đối tượng HS để thực hiện tốt nội dung chương trình của Bộ GD&ĐT quy định.

Ở các trường THPT, GV cần biên soạn bài học theo các chủ đề: “Di tích lịch sử, văn hóa tiêu biểu của Hà Tĩnh từ thế kỷ VIII đến thế kỷ XIX” (lớp 10); “Những đóng góp tiêu biểu của nhân dân Hà Tĩnh trong phong trào yêu nước, chống thực dân Pháp cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX” (lớp 11); “Di tích lịch sử tiêu biểu của Hà Tĩnh ở thế kỷ XX” ; “Những đóng góp nổi bật của nhân dân Hà Tĩnh trong phong trào cách mạng Việt Nam từ sau Chiến tranh thế giới thứ nhất đến Cách mạng tháng Tám 1945”; “Những đóng góp nổi bật của nhân dân Hà Tĩnh trong cuộc kháng chiến chống Pháp (1945 – 1954), chống Mỹ cứu nước (1954-1975)”; “Hà Tĩnh trên con đường đổi mới”… (lớp 12).

GV lịch sử phối hợp với các bộ môn Ngữ văn, Địa lý, Giáo dục công dân, Âm nhạc… xây dựng kế hoạch với nhà trường nhằm thực hiện mua sắm, sưu tầm các tài liệu, các phương tiện dạy học LSVHĐP đảm bảo nhu cầu dạy học. Biên soạn tài liệu LSVH địa phương phải đảm bảo tính khoa học, khách quan.

2. Biên soạn, dạy học LSVHĐP phải đảm bảo tính toàn diện, bao gồm lịch sử chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa của địa phương

Trên quê hương Hà Tĩnh, dù thời kỳ nào cũng hội tụ khá đầy đủ các yếu tố lịch sử chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa.

Đến cuối năm 2013, Hà Tĩnh có 395 di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng; trong đó có 1 di tích xếp hạng cấp Quốc gia đặc biệt – Khu lưu niệm Nguyễn Du; 72 di tích xếp hạng cấp Quốc gia, 322 di tích xếp hạng cấp tỉnh.

Các nhà khảo cổ học đã khai quật được nhiều di chỉ của thời kỳ nguyên thủy như di chỉ Phái Nam, Cồn Lôi Mốt, Thạch Lạc (Thạch Hà), Phôi Phối, Xuân An (Nghi Xuân), Rú Dầu (Đức Thọ), Rú Nghèn (Can Lộc), Cẩm Thạch (Cẩm Xuyên)…

Trong thời kỳ Bắc thuộc đến đầu thế kỷ X Hà Tĩnh được mệnh danh là “phên dậu” phía Nam của đất nước, nhân dân Hà Tĩnh vừa phải đấu tranh chống chính quyền đô hộ, vừa phải chống các cuộc xâm lấn của quân Lâm Ấp, Phù Nam (về sau gọi là Champa, Chân Lạp) để bảo vệ lãnh thổ và góp phần giữ gìn độc lập dân tộc. Trong đó, nổi bật là cuộc khởi nghĩa của Mai Thúc Loan năm 722 chống lại chính quyền đô hộ của nhà Đường.

Đến thời kỳ Quốc gia Đại Việt nổi tiếng với những di tích giữ gìn biên cương ở phía Nam – Hoành Sơn Quan (Kỳ Anh)… Khi quân Nguyên – Mông xâm lược, Hà Tĩnh là hậu phương vững chắc của thời Trần. Thời kỳ ách thống trị nhà Minh, Hà Tĩnh là chỗ đứng chân trong thời điểm quan trọng của nghĩa quân Lam Sơn với chiến thắng vang dội ở căn cứ Đỗ Gia (Hương Sơn). Hà Tĩnh là nơi chọn tướng, tuyển quân của vua Quang Trung khi tiến quân ra Bắc đánh bại quân Thanh…

Hà Tĩnh có những làng nghề truyền thống nổi tiếng trong và ngoài tỉnh như nghề dệt ở Hoàng Lễ (Kỳ Anh), Đồng Môn (Thạch Hà); nghề mộc ở Hương Sơn, Đức Thọ); rèn đúc ở Trung Lương… với những tấm gương khai khẩn đất hoang, xây dựng làng xã (Trần Thị Ngọc Hào, Sử Hy Nhan…).

Về văn hóa, Hà Tĩnh có nhiều công trình kiến trúc độc đáo như Chùa Hương Tích ở núi Hồng Lĩnh… Văn hóa dân gian ở Hà Tĩnh hết sức đặc sắc, đặc biệt là chuyện vè, hát ví dặm, hát phường vải. Về văn học, có nhiều tác giả và tác phẩm nổi tiếng: “La Sơn thi tập” của danh sĩ Nguyễn Thiếp; các tác phẩm chữ Hán, chữ Nôm của Đại thi hào Nguyễn Du; “Nguyễn Thám Hoa thi tập” của Nguyễn Huy Oánh… Sử học với những tên tuổi nổi tiếng như Đặng Minh Khiêm, Phan Huy Ôn, Nguyễn Nghiễm, Phan Huy Chú… Y học có Danh y Hải Thượng Lãn Ông.

Khi thực dân Pháp xâm lược, nhân dân ta đã anh dũng chống xâm lược, tiêu biểu là các cuộc khởi nghĩa dưới sự lãnh đạo của Lê Ninh, Cao Thắng, Phan Cát Tưu, Nguyễn Duy Chanh, Nguyễn Cao Đôn, Hoàng Bá Xuyên, Ngô Quảng, Võ Phát, Trần Hữu Châu… Đặc biệt là Cuộc khởi nghĩa Hương Khê (1885 – 1895) do Đình nguyên Phan Đình Phùng lãnh đạo. Đây là cuộc khởi nghĩa tiêu biểu nhất trong phong trào Cần vương chống Pháp cuối thế kỷ XIX.

Tới đầu thế kỷ XX, Hà Tĩnh có những di tích lịch sử, cách mạng nổi tiếng như Khu lưu niệm Tổng Bí thư Trần Phú, Khu lưu niệm Tổng Bí thư Hà Huy Tập, Khu dích tích Xô-viết Nghệ Tĩnh ở Ngã ba Nghèn, Khu lưu niệm Lý Tự Trọng…

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ, thời mà “ra ngõ gặp anh hùng”, bất kỳ nơi đâu trên quê hương Hà Tĩnh cũng in đậm những di tích lịch sử. Nhiều DTLS đã xếp hạng cấp quốc gia, cấp tỉnh, tiểu biểu như Khu dích tích Ngã ba Đồng Lộc (xã Đồng Lộc), Làng K30 (xã Tiến Lộc) thuộc Can Lộc…

3. Quan tâm tổ chức dạy học trực quan ở các di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng, các làng nghề truyền thống

Hà Tĩnh là một trong những tỉnh có nhiều di tích lịch sử, văn hóa, các làng nghề nổi tiếng… Đây là điều kiện đặc biệt thuận lợi để tiến hành thực hiện các biện pháp dạy học LSVH bằng trực quan sinh động.

Trên cơ sở điều kiện cụ thể của các trường học, các cấp học, GV chú ý tận dụng khai thác có hiệu quả các giá trị di tích LSVH, các làng nghề truyền thống…  Các nhà trường và Ban quản lý các di tích LSVVH cần phối hợp chặt chẽ để khai thác, phát huy những giá trị truyền thống của các di tích, di sản văn hóa ở địa phương.

Đối với CB, GV cần xây dựng kế hoạch, chuẩn bị tốt về những nội dung để dạy học trên thực địa; đặc biệt là yêu cầu HS khi đến các di tích chú ý quan sát hiện vật, lắng nghe thuyết minh của hướng dẫn viên, ghi chép đầy đủ. Tìm hiểu một số vấn đề cơ bản thông qua phiếu hoạt động. Bài thu hoạch được viết về một vấn đề nào đó mà HS tiếp thu được, có thể là một bài phát biểu về cảm tưởng, tranh vẽ về di tích… Ví dụ: Hãy phát biểu cảm tưởng của em khi tham quan, học tập tại Khu lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du, Khu tích Ngã ba Đồng Lộc…; Hoành Sơn Quan (Kỳ Anh) qua góc nhìn của em…

Dạy học LSVHĐP cần lồng ghép với nội dung các môn học khác ở trên thực địa phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi nên có sự hứng thú, hấp dẫn, tạo ấn tượng mạnh mẽ, sâu sắc cho HS. Trong quá trình dạy học, GV luôn quan tâm chú ý rèn luyện các kỹ năng cho HS, cần hướng dẫn các em khi sưu tầm các hiện vật, mẫu chuyện lịch sử, văn hóa, cách mạng… cần ghi rõ xuất xứ, ngày tháng năm sưu tầm, nguồn cung cấp tư liệu…

Trên quê hương Núi Hồng, Sông La, bất kỳ nơi nào cũng có những di tích lịch sử, văn hóa; cũng chứa đựng những hiện vật, những mẫu chuyện LSVH của các thế hệ ông cha trong quá trình đấu tranh chống thiên tai, chống giặc ngoại xâm, xây dựng quê hương, đất nước. Hiện nay, nhiều nhân chứng – những người trực tiếp làm nên lịch sử đang còn sống, các nhà trường tổ chức mời họ nói chuyện về  những chủ đề có ý nghĩa giáo dục thiết thực. Tuy nhiên, để thực hiện tốt công tác này, GV cần xây dựng kế hoạch ngay từ đầu năm học và báo cáo với nhà trường để có sự phối hợp chặt chẽ giữa các tổ chức đoàn thể, hội cha mẹ học sinh cùng thực hiện. Đồng thời GV cần đa dạng hóa phương pháp dạy học LSVHĐP bằng nhiều hình thức: dạy học chính khóa, tích hợp, câu lạc bộ, chuyên đề, chăm sóc, tham quan, học tập, sưu tầm hiện vật, mẫu chuyện lịch sử, văn hóa, thi tìm hiểu, khai thác, phát huy các giá trị di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng, các làng nghề truyền thống qua góc nhìn của HS có sự hướng dẫn của GV… góp phần nâng cao hiệu quả dạy học LSVHĐP, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho các thế hệ HS./.

.Phan Đăng Quang

Phó trưởng phòng GDTrH

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP