Cho đến một ngày, cách đây khá lâu, tôi dự buổi triễn lãm ảnh nói về thế giới của những phụ nữ ” bán hoa”. Đó là những bức ảnh các cô gái tự chụp về cuộc sống của chính mình, với những câu chú thích ám ảnh nỗi khát vọng. Trần trụi những bức ảnh khách đi đường dừng chân và hỏi mua… Đội mưa trong đêm tối và chờ đợi. Mặc cả…Ngã giá…
Điều tôi nhớ nhất là đôi mắt ám ảnh của những đứa trẻ, con của một phụ nữ trẻ làm nghề bán thân. Hai em bé nằm trên võng – đôi mắt mở to nhìn mẹ đang chụp ảnh. Mẹ gửi các em cho bà ngoại, lao ra đường bằng mọi giá kiếm tiền để nuôi con.
Hay đó là một em bé bò lồm cồm sau chân mẹ mỗi khi mẹ em đi làm, nhìn thật tội. Hoặc nụ cười hiếm hoi của một bà mẹ khi được chơi với đứa con 11 tháng tuổi.
Nhìn những tấm hình mẫu – tử ấy, tôi cảm thấy mình và những người phụ nữ này, không có gì khác biệt, không có khoảng cách nào. Chúng tôi đều là phụ nữ, đều là những bà mẹ, đều khát khao một vòng tay, một mái ấm yên bình, đều nhọc nhằn mưu sinh giữa thành phố chật chội này để gắng gượng nuôi mình, nuôi con.
Trên đường đời, mỗi người mỗi số phận, ta không ở trong hoàn cảnh của người khác để hiểu rõ điều gì nằm sau những quyết định, những lựa chọn, những ngả rẽ… của họ vào một thời điểm nào đó của cuộc đời. Họ có đáng thương hay chỉ đáng trách?
Dưới đây là những bức ảnh khiến tôi thay đổi cách nhìn của mình về những người phụ nữ bán hoa, được trưng bày lại trong buổi trao giải Khát vọng yêu thương – góc nhìn nhân văn về cuộc sống của những phụ nữ bán dâm – vừa được tổ chức sáng 9/9 tại Hà Nội.
Một khách đi đường dừng xe và hỏi, cảnh gặp thường ngày của những cô gái bán dâm
“Mưa nhỏ thì dùng ô, mưa to thì mặc áo… Dù thời tiết thế nào, dù dông bão, vẫn cần có tiền để sinh sống”, H, 25 tuổi
“Công cụ cần thiết trong công việc của chúng tôi. Lúc nào tôi cũng mong những người khách của mình hiểu điều đó” (M, 23 tuổi)
Cửa hàng tẩm quất nơi một cô gái từng làm việc
2h12 sáng, M (23 tuổi) bỏ lợn tiết kiệm gửi về cho bố mẹ, tiền mua sữa cho con, tiền học cho em gái, cô để riêng tiền cuối năm sửa nhà cho bố mẹ vào một con lợn khác. Ảnh của nhiếp ảnh gia Na Sơn.
“Khách của tôi đủ mọi thành phần, có người thanh lịch, có người bặm trợn, có người hút thuốc, có những khách gọi chúng tôi đến sau khi đã lên cơn phê…” – một cô gái chia sẻ.
Hai cậu con trai của M, 23 tuổi được cô gửi ở quê cho mẹ trông giúp để đi làm. “Hai đứa trẻ là động lực để tôi sống và thấy mình có ý nghĩa hơn trong cuộc đời này”, M chia sẻ về bức ảnh do chính cô chụp.
L, 23 tuổi đang chơi với con trai 11 tháng tuổi.
Cậu bé 11 tháng tuổi bò bám theo chân mẹ và dì mỗi khi hai người đi làm. “Con trai tôi 11 tháng, rất nghịch. Nó bò rất nhanh”, L. nói về tấm hình mình chụp.
“Tôi đi sau cặp vợ chồng và đứa con này như bị thôi miên. Chị có chồng để yêu thương và che chở, con có bố để được chăm sóc và dạy dỗ. Giá mà tôi, tôi chứ không phải ai khác, được ngồi sau xe ấy”, L, 23 tuổi thổ lộ ước mơ giản dị qua bức hình cô chụp trên phố.
Có một gia đình là ước mơ của hầu như tất thảy phụ nữ, cả những người phải làm công việc bán thân. “Bây giờ, tôi đã gặp được một người đàn ông tốt. Anh ấy chấp nhận quá khứ của tôi. Tôi mong được lấy anh ấy làm chồng”, L chia sẻ.
“Tôi nhìn thấy chị bán hàng nước trên phố Lê Thạch. Chị ấy chỉ cần một công việc đơn giản mà lại có thời gian chăm sóc con của mình. Cái hạnh phúc đơn sơ ấy không phải ai cũng có được”, H. 26 tuổi chia sẻ.