Trao “cần câu”
Những ngày này, hầu hết ngư dân ra khơi nhưng không khí tại làng chài ven biển Thạch Kim, huyện Lộc Hà vẫn rất tấp nập. Bà Nguyễn Thị Hòa (63 tuổi, ở thôn Long Hải) cho biết: “Ở Thạch Kim bây giờ không chỉ ngư dân đi biển mà hậu cần nghề cá trong bờ cũng phát triển rất mạnh. Trước đây chỉ những gia đình có điều kiến kinh tế mới đầu tư buôn bán, nhưng bây giờ những hộ cận nghèo như gia đình tôi cũng tham gia buôn bán từ sản phẩm mà ngư dân đánh bắt được”.
Doanh số cho vay của Ngân hàng CSXH tỉnh Hà Tĩnh hiện đạt hơn 1.097 tỷ đồng, doanh số thu nợ đạt 964 tỷ đồng với 124.237 khách hàng còn dư nợ. Nợ quá hạn chỉ có 2,2 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 0,065% tổng dư nợ.
Cũng theo bà Hòa, gần 5 năm lại đây nhờ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng CSXH huyện Lộc Hà mà gia đình bà gây dựng được cơ sở sản xuất nước mắm, làm ruốc, mỗi năm thu nhập từ 70-100 triệu đồng. “Trước đây đang là hộ nghèo, tôi được vay 15 triệu đồng vốn ưu đãi mở cơ sở sản xuất nhỏ.
Từ năm 2014, tôi thoát nghèo lại được vay 30 triệu đồng chương trình hộ cận nghèo nên mở rộng quy mô sản xuất…”-bà Hòa thổ lộ. Mỗi năm, cơ sở của bà Hòa chế biến được 3 tấn ruốc và hơn 500 lít nước mắm. Người dân Thạch Kim không có đất sản xuất nông nghiệp như bà Hòa rất phấn khởi đón nhận các chương trình tín dụng chính sách của nhà nước đưa về vùng bãi ngang…
Chị Trần Thị Huế – Chủ tịch Hội ND xã Thạch Lạc, huyện Thạch Hà bày tỏ: “Người dân ở vùng bãi ngang thường vất vả hơn nơi khác bởi đất đai khô cằn, hoang hóa. Như xã tôi, người dân thôn Bắc Lạc chỉ trông chờ vào biển. Vì vậy, những năm qua, nhờ vốn vay ưu đãi của Ngân hàng CSXH mà nhiều hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trong xã có điều kiện đầu tư phát triển sản xuất, thoát nghèo”.
Gỡ cái “eo” cho 32 xã nghèo
Ông Trần Văn Bé- Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Lộc Hà cho biết, nhờ nguồn vốn ưu đãi, tỷ lệ hộ nghèo những năm gần đây có giảm, nhưng số hộ cận nghèo lại phát sinh. Riêng nguồn vốn cho hộ vay đầu tư sản xuất kinh doanh vùng khó khăn trên địa bàn huyện hiện đạt hơn 48 tỷ đồng với 1.768 hộ hưởng lợi.
Bà Nguyễn Thị Hòa ở thôn Long Hải xã Thạch Kim (Lộc Hà) gây dựng cơ sở chế biến ruốc, nước mắm từ nguồn vốn vay Ngân hàng CSXH. Ảnh: L.K
Theo ông Lưu Văn Minh – Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh Hà Tĩnh, chính sách cho hộ nghèo và mới đây là hộ cận nghèo vay vốn ưu đãi, trước đó là các chương trình tín dụng học sinh-sinh viên; cho vay làm nhà ở… đã thực sự mang đến những cơ hội mới cho người dân nghèo. 5 năm qua, nguồn vốn ưu đãi đã góp phần tạo việc làm cho gần 63.000 lao động; gần 47.000 hộ thoát ngưỡng đói nghèo, hơn 46.000 hộ cải thiện đời sống; hàng chục nghìn học sinh-sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập. Ngoài ra, còn hỗ trợ xây dựng trên 65.000 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn…
Hà Tĩnh là địa phương có tới 32 xã nghèo vùng bãi ngang nằm trên địa bàn các huyện Nghi Xuân, Lộc Hà, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh. Các chương trình tín dụng của Ngân hàng CSXH đã giúp hàng ngàn hộ có vốn đầu tư phát triển sản xuất, tạo việc làm, cải thiện thu nhập…
Lam Khê