Tuỳ bút Quê hương

Giữ gìn nét văn hóa chợ quê Hà Tĩnh

Từ lâu, chợ không chỉ nhằm trao đổi hàng hóa mà còn là nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Đến chợ, chúng ta được sống trong không khí náo nhiệt của cảnh mua bán với khung cảnh tươi tắn, đủ màu sắc của áo quần, hàng hóa, nhất là với những chợ lớn ở trung tâm tỉnh lỵ, huyện lỵ…

Trên mọi miền quê, có rất nhiều chợ họp vào thời gian, địa điểm khác nhau. Xa xưa, những phiên chợ quê như chợ Gôi (Hương Sơn), chợ Giang Đình (Nghi Xuân) và chợ một số nơi khác còn lưu giữ nhiều nét văn hóa dân tộc, bày bán nhiều sản phẩm truyền thống, thể hiện sự tài hoa, khéo léo của người lao động…


Nét đặc sắc, độc đáo thể hiện tâm hồn dân tộc qua các phiên chợ là điểm thu hút khách du lịch khám phá, tìm hiểu đất nước, con người Việt Nam. Cách đây 30-40 năm, đi chợ là một thú vui đối với nhiều người, nhất là đi chợ tết và qua cách mua bán, ứng xử ở chợ, có thể đánh giá được nét văn hóa của mỗi người.


Từ khi nước ta bước vào nền kinh tế thị trường, KT-XH phát triển, hàng hóa ở chợ thật phong phú, từ các mặt hàng cao cấp đến những thứ đơn giản phục vụ sinh hoạt hàng ngày của người dân. Đây là điều hết sức đáng mừng. Tuy vậy, điều đáng tiếc là ở chợ vẫn còn không ít điều chướng tai gai mắt.


Đó là cảnh mua bán xô bồ, nhốn nháo, nạn nói thách, cân điêu, ngôn ngữ thô tục… còn xảy ra. Ở TP Hà Tĩnh và các huyện, thị chợ cóc, chợ vỉa hè nhóm họp tràn lan, lấn chiếm lòng đường, làm mất mỹ quan đô thị và cản trở giao thông.


Vấn đề vệ sinh môi trường, VSATTP ở các chợ cũng là nỗi lo ngại vì ý thức một số người kinh doanh, buôn bán chưa cao. Nhiều người đi chợ phàn nàn vì nếu vào chợ xem hàng xong mà không mua thì bị chửi bới, thậm chí còn bị… đánh!


Ông Thuận, một người dân ở huyện Kỳ Anh đã kể cho tôi nghe trường hợp cháu B., học sinh THPT vào chợ thị trấn Kỳ Anh ướm thử một đôi dép nhưng sau đó không mua; khi B. vừa quay đi liền bị chủ quán chạy theo đánh cho thâm tím mặt (?!). Hành động phi văn hóa trên của người chủ quán rất đáng lên án.


Từ nhiều năm nay, để giữ gìn nét văn hóa, trật tự, vệ sinh chợ, Ban quản lý chợ TX Hồng Lĩnh đã có nhiều biện pháp quản lý, xây dựng chợ văn minh, người bán hàng trung thực. Biện pháp thực hiện là người bán hàng ký cam kết không bán hàng giả, hàng nhái, thực hiện việc niêm yết giá và bán hàng theo giá niêm yết, ứng xử văn hóa trong giao tiếp…


Theo ông Bùi Văn Thành (Can Lộc), việc làm đó cần phải được nhân rộng ra các nơi khác, để góp phần giữ gìn nếp sống văn hóa chợ, thực hiện đúng lời Bác Hồ dạy: Xây dựng và phát triển văn hóa là sự nghiệp của toàn dân. Toàn dân tham gia sáng tạo văn hóa, làm nghĩa vụ văn hóa, đồng thời toàn dân được hưởng thụ những thành tựu văn hóa.


Dân Ý

Báo Hà Tĩnh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP