Kinh tế

Giật mình bầy sâu trắng ởn, lổm ngổm trên đĩa mồi nhậu của dân Việt

Vào những ngày đầu thu, bà con dân tộc Thái (đen) sinh sống tại bản Huổi Thướn (xã Phiêng Cằm, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) lại tấp nập lên rừng săn tìm sâu tre đem về rang giòn cùng lá chanh. Đây là món ăn đặc sản, hấp dẫn nhiều người đam mê ẩm thực dân tộc vùng cao Tây Bắc.

Video: Bà con dân tộc Thái (đen) lên rừng săn tìm sâu tre

Những con sâu tre dài gần bằng hai đốt ngón tay, có màu trắng muốt thường sinh sống trong những cây tre non mới mọc trên các triền núi khu vực Tây Bắc như các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu.

Đầu thu là thời điểm loại sâu tre này phát triển nhiều nhất. Những cây tre non được đồng bào dân tộc vùng cao chặt đổ xuống lấy sâu tre, khoảng nửa kg sâu/cây.

Anh Lò Văn Trung (bản Huổi Thướn, xã Phiêng Cằm), một trong những người hay săn tìm sâu tre, cho biết: “Sâu tre bắt đầu xuất hiện từ đầu tháng 9 đến hết tháng 10, đây là thời điểm sâu sinh sôi nảy nở nhiều và béo ngậy nhất. Song sâu này khá hiếm, không phải cây tre nào cũng có.

Để phát hiện ra sâu tre, tôi thường tìm những cây tre, nứa có biểu hiện héo ngọn, đốt tre bị co rúm, ngắn lại khác thường. Chặt những đốt đó xuống, chúng tôi thấy những con sâu tre màu trắng bò lúc nhúc bên trong.

Sâu tre gần giống với sâu chít nhưng sâu chít người dân chúng tôi thường để ngâm rượu, còn sâu tre mọi người thường đem về chế biến thành món ăn cho gia đình”.

Những con sâu tre trong rừng.

Đặc sản sâu tre được đồng bào dân tộc Thái (đen) chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn khác nhau như: Sâu tre xào măng chua, sâu tre chiên giòn, sâu tre hấp, sâu tre đồ, sâu tre rang lá chanh… nhưng ngon nhất và phổ biến nhất là món sâu tre rang cùng với lá chanh. Bởi không chỉ đơn giản trong quá trình chế biến mà khi rang lên sâu tre còn có mùi thơm khá độc đáo, khi ăn thì giòn tan trong miệng.

Anh Trung chia sẻ: “Cách chế biến sâu tre rất đơn giản, chúng ta chỉ cần đổ sâu tre vào rổ, rồi đem đi rửa qua nước sạch. Sau đó để ráo nước, cho ra bát tô trộn đều với một ít muối hay bột nêm, nước mắm cho ngấm. Lá chanh rửa sạch thái chỉ, tỏi băm nhỏ.

Dầu sôi, cho sâu tre vào đảo đều đến lúc chín vàng và cho ít lá chanh vào là chúng ta đã có món sâu tre rang lá chanh thơm ngon và hấp dẫn. Sâu tre rang có thể ăn với cơm nếp và làm mồi nhậu thì không có gì tuyệt vời bằng”.

Món sâu tre rang của người dân tộc Thái (đen).

Với những vị khách nào đã từng lên mảnh đất (Sơn La) được thưởng thức món sâu tre rang, chắc chắn sẽ nhớ mãi cảm giác giòn tan, béo ngậy, hương vị độc đáo của món đặc sản này.

Hàng năm cứ đến mùa thu, khi thời tiết se lạnh người ta lại mong muốn được thưởng thức món sâu tre giòn tan trong miệng, vị ngọt bùi hòa cùng cảm giác tê tê gây kích thích, khiến thực khách bỏ qua sợ hãi ban đầu mà không thể chối từ.

Tác giả: Hoàng Hà

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP