Thứ nhất “Công tác bồi dưỡng đội ngũ”
Nâng cao chất lượng đội ngũ là yếu tố then chốt, Ngành GD&ĐT TXHL đã luôn chú trọng công tác bồi dưỡng từ tư tưởng nhận thức, đạo đức nghề nghiệp; bồi dưỡng năng lực thực tiễn chuyên môn. Để làm tốt vấn đề này trước hết chuyên môn mầm non đã xây dựng kế hoạch hoạt động từ ngắn hạn đến dài hạn (tháng, kỳ, năm) một cách cụ thể, hướng ban giám hiệu các trường phải là người đứng đầu, gương mẫu, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm trong mọi hoạt động, đặc biệt công tác tự học, tự bồi dưỡng, nắm bắt kịp thời các văn bản chỉ đạo về phát triển giáo dục nói chung và giáo dục mầm non nói riêng, cập nhật kịp thời những tri thức mới để ứng dụng vào công tác quản lý, tư vấn cho giáo viên trong quá trình chăm sóc, giáo dục trẻ. Đặc biệt là công tác “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”. Từ đó đã xây dựng kế hoạch bồi dưỡng giáo viên hợp lý về mặt thời gian, đảm bảo kinh phí để thực hiện, phân công cán bộ quản lý, giáo viên giỏi kèm cặp giúp đỡ giáo viên yếu kém phù hợp với đặc điểm và hoàn cảnh; bố trí công việc phù hợp từng người và từng độ tuổi trẻ được phụ trách, nhằm phát huy tối đa năng lực, sở trường của đội ngũ CB, GV, NV. Thông qua các hình thức chỉ đạo điểm tại trường MN Nam Hồng, kiểm tra dự giờ xác suất, góp ý kịp thời; sinh hoạt chuyên môn liên trường 1 lần/tháng; tổ chức chuyên đề cho 100% CB, GV; khảo sát chất lượng giáo viên hàng năm; đánh giá xếp loại chuẩn nghề nghiệp,.. Đến nay đội ngũ giáo viên có trình độ đạt chuẩn 100% (141/141), trên chuẩn 121/141 đạt 85.8%. 100% giáo viên chắc và triển khai tốt chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”.
Trang trí lớp học
Thứ hai “Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục lấy trẻ làm trung tâm”. Trong công tác xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục, ngoài các nhiệm vụ khác thì hai vấn đề cần tập trung quan tâm đó là thực hiện chế độ sinh hoạt trong ngày của bé và tổ chức hoạt động lễ hội và các hoạt động khác trong nhà trường. Để thực hiện có hiệu quả công tác chăm sóc, giáo dục trẻ theo quan điểm lấy trẻ làm trung tâm, ngành đã chỉ đạo đội ngũ giáo viên đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ nhằm khẳng định tầm quan trọng của giáo dục mầm non với cộng đồng. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chuyên môn đã chú trọng xây dựng kế hoạch chăm sóc, giáo dục phù hợp với đặc điểm tâm, sinh lý của trẻ “Học bằng chơi – chơi mà học”; chỉ đạo cho trẻ ăn như thế nào? để trẻ phát triển bình thường, không thừa cân, không suy dinh dưỡng; chơi như thế nào? để thông qua chơi trẻ phát triển toàn diện đặc biệt là giáo dục tình cảm, kỹ năng sống, hình thành và phát triển nhân cách cho trẻ, chuẩn bị tốt tâm thế cho trẻ bước vào trường Tiểu học. Bên cạnh đó, muốn thực hiện có hiệu quả tốt ngoài nắm chắc chương trình chăm sóc, giáo dục mầm non thì phải thực sự quan tâm hiểu đặc điểm tâm, sinh lý của từng cá nhân trẻ. Tìm hiểu về điều kiện, hoàn cảnh gia đình và có kế hoạch hợp tác với cha mẹ trẻ một cách thường xuyên.
Việc tổ chức các hoạt động lễ, hội cho trẻ là việc làm thường xuyên, song tổ chức để phụ huynh cùng tham gia mới quan trọng và có ý nghĩa thiết thực, đây chính là công tác tuyên truyền có hiệu quả nhất. Phụ huynh tham gia cùng với giáo viên và trẻ đó chúng ta đã tạo một cơ hội được trải nghiệm, được giao tiếp, được chia sẻ niềm vui, cũng như những khó khăn mà nhà trường, lớp, cá nhân trẻ, giáo viên đang vướng mắc. Vì vậy, 6/6 trường mầm non đã thực sự chú trọng và đầu tư có hiệu quả cho các ngày lễ, hội trong nhà trường ngày hội đến trường của bé, đêm hội trăng rằm…, các hội thi như: bé với an toàn giao thông, hội thi hát dân ca; giao lưu phát triển vận động…), đặc biệt cho trẻ tham quan các danh lam thắng cảnh và di tích lịch sử của địa phương.
Thứ ba “Xây dựng môi trường giáo dục”
Thực sự, muốn làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục (XHHGD) để xây dựng đủ các phòng học, phòng chức năng đáp ứng nhu cầu chăm sóc, giáo dục trẻ đã là một vấn đề rất khó, nhưng việc xây dựng khuôn viên cảnh quan trong nhà trường phù hợp với đặc điểm tâm lý của trẻ mầm non còn là một vấn đề càng khó hơn. Bởi muốn thu hút trẻ đến trường thì trường phải đẹp để khi trẻ bước vào trường có cảm giác mình đang được đi công viên chơi, được tham quan thế giới cổ tích,…Và để có được môi trường giáo dục thân thiện, không gian phù hợp với trẻ đối với Bậc học mầm non chỉ có con đường XHHGD mới đi tới đích thành công.
Với mục tiêu xây dựng môi trường giáo dục để từng cá nhân trẻ thực sự muốn và được trải nghiệm, khám phá một cách tích cực thì phải chỉ đạo xây dựng song hành cả 2 môi trường trong và ngoài lớp học. Bước đi đầu tiên là Phòng GD&ĐT tham mưu kịp thời, đúng mục đích trong việc đầu tư kinh phí từ thị xã để xây dựng cơ sở vật chất cho các nhà trường được đưa vào mục tiêu, chỉ tiêu của Nghị quyết HĐND thị xã. Đây là yếu tố quan trọng nhằm kích thích các địa phương các phường, xã và các doanh nghiệp, nhà hảo tâm phối hợp làm công tác XHHGD trên địa bàn. Theo đó, chỉ đạo các trường xây dựng kế hoạch cụ thể phù hợp với tình hình thực tế, đưa ra các giải pháp tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương, ban chấp hành Hội phụ huynh để triển khai thực hiện có tính khả thi nhất. Môi trường giáo dục ngoài lớp học an toàn, đẹp, hấp dẫn trẻ. Các trường có diện tích sân, vườn và diện tích các khu vực bổ trợ cho hoạt động dạo chơi ngoài trời của trẻ; vườn cây ăn quả, vườn rau sạch không chỉ để cho trẻ quan sát, khám phá, trải nghiệm và còn cung cấp nguồn rau sạch cho bé hàng ngày. Cách bố trí các khu vực giáo dục an toàn giao thông, khu giáo dục phát triển vận động, các trò chơi dân gian,..cho trẻ hoạt động vui chơi, sinh hoạt, học tập ngoài trời một cách khoa học và phù hợp. Môi trường ngoài lớp học được cán bộ giáo viên nghiên cứu, tìm hiểu như: bố trí diện tích sân tập thể dục cho trẻ toàn trường và khu chơi thể thao (cột bóng rổ, thang leo…); khu vực chơi với đồ chơi ngoài trời (cầu trượt, đu quay, đu bay, bập bênh, nhà bóng…); khu vực chơi “giao thông”; khu vực chơi với đất, cát, nước, đá, sỏi…; khu vực trẻ ươm mầm, trồng rau, trồng cây và chăm sóc cây cối, con vật nuôi; khu chơi với các nhân vật cổ tích, hay còn gọi là ” vườn cổ tích”; khu “sân khấu ngoài trời”, trò chơi dân gian; khu chợ quê, khu ươm, trồng hoa, gieo hạt, trồng cây cảnh, cây ăn quả, cây bóng mát trên sân, vườn trường; khu tạo cảnh hòn non bộ, núi, vòi phun nước…; hệ thống đường đi lối lại trong vườn cổ tích; khu đặt bảng tuyên truyền, hộp thư góp ý cuả các bậc cha mẹ… Ví dụ: Cũng là lối đi trong vườn cổ tích, hôm nay cô trò tạo cho nó là đường đến khu du lịch “Suối Tiên” với những trang trí “khu du lịch”, lần sau lại là đường đến lễ hội “Thể thao” với những trang trí “lễ hội”; cũng là vườn cây cảnh, hôm nay giáo viên hướng dẫn trẻ tưới nước cho cây với những dụng cụ vừa sức với trẻ, ngày mai giáo viên lại hướng dẫn trẻ nhìn ngắm quan sát, phát hiện cây có gì mới so với hôm qua,… Điều đáng nói ở đây là đã khuyến khích trẻ, tạo cơ hội cho trẻ có nhiều cơ hội trải nghiệm, khám phá, tìm tòi và được nói lên suy nghĩ của mình. Trong đó, chỉ đạo điểm MN Nam Hồng để nhân rộng trong toàn thị xã từ cách xây dựng môi trường để có đủ diện tích, không gian của các lớp học, các phòng chức năng, cách bố trí các góc chơi trong lớp cũng như ngoài trời đến cách tổ chức các hoạt động học và các hoạt động chăm sóc, giáo dục khác. Chính vì vậy, hiện nay không những trường mầm non Nam Hồng mà các trường như MN Trung Lương, MN Đức Thuận,… cũng là điểm đến cho các trường trong toàn thị xã và các trường bạn trong, ngoài tỉnh đến tham quan, học tập.
Từ những giải pháp đó, bậc học mầm non thị xã Hồng Lĩnh có sự chuyển biến tích cực về chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ, tạo niềm tin cho phụ huynh khi đưa trẻ đến trường. Đến nay, công tác huy động trẻ nhà trẻ ra lớp 45,0%, duy trì tỷ trẻ đến lớp chuyên cần cao; tỷ lệ suy dinh dưỡng chung còn 4,0%; thị xã đạt phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi năm 2012; 83,3% trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó 50% trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2.
“Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” đã thể hiện rõ trong việc sử dụng môi trường xung quanh vào chăm sóc, giáo dục trẻ gắn liền với việc thiết kế tạo môi trường trong và ngoài lớp học hợp lí, giáo viên xây dựng kế hoạch giáo dục sáng tạo, do đó đã vận dụng phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý của trẻ cũng như phù hợp với tình hình thực tế của địa phương; khoa học, đa dạng các loại hình thức lồng ghép tích hợp vào trong các hoạt động học cũng như các hoạt động khác một cách nhuần nhuyễn. Với những bàn tay khéo léo, tinh thần đầy tâm huyết, tận tâm của đội ngũ giáo viên tôn tạo làm thay đổi môi trường hàng ngày luôn tạo sự mới lạ hấp dẫn, gắn với các nội dung chăm sóc giáo dục vừa sức và nâng dần lên theo từng độ tuổi của trẻ. Chính vì vậy mà đã làm thỏa mãn nhu cầu, các ý tưởng của từng cá nhân trẻ. Sân chơi, vườn rau, vườn cây ăn quả,.. trở nên thân thiện, gần gũi và bắt mắt không những đối với trẻ, phụ huynh mà còn được các đoàn kiểm tra từ Bộ, Sở GD&ĐT và các đơn vị trong, ngoài tỉnh đánh giá cao. “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” của các trường mầm non thực sự để lại dấu ấn tốt đẹp cho mỗi thầy, cô, bạn bè ghé thăm./.
Bùi Thị Dương Hào
Phòng GD&ĐT thị xã Hồng Lĩnh