Được sự giúp đỡ của các ngành chức năng và nỗ lực của chính quyền các cấp, tính đến hết tháng 3/2013, toàn huyện Kỳ Anh đã có 4.056 hộ của 15 xã (trong đó có 5 xã vùng thượng) được giao rừng gắn với đất lâm nghiệp, với diện tích 7.508 ha. Một số xã có diện tích lớn, như: Kỳ Tây 1.566 ha/710 hộ, Kỳ Hợp 772 ha/510 hộ, Kỳ Tân 715 ha/350 hộ… Hơn 4.000 hộ này đang chờ ngày được Sở Tài nguyên – Môi trường thẩm định và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng. Theo UBND huyện Kỳ Anh, hiện toàn huyện còn khoảng 17.000 ha rừng và đất lâm nghiệp đang được UBND các xã quản lý sẽ tiếp tục làm thủ tục để giao cho các hộ dân trong thời gian tới.
Ông Lê Văn Phâng – Chủ tịch UBND xã Kỳ Tân, cho biết: Diện tích trên chủ yếu là nằm trên phần của dự án trồng rừng 661 (dự án trồng rừng Việt – Đức trước đây). Tuy dự án này đã kết thúc nhưng các hộ vẫn tiếp tục chăm sóc, sản xuất và cho hiệu quả khá tốt (chủ yếu là rừng thông và thông xen keo). Nhiều hộ được giao đất, giao rừng ở đây tỏ ra rất vui mừng, bởi theo họ, từ sau ngày làm thủ tục để được cấp sổ đỏ, họ mới thực sự yên tâm đầu tư sản xuất để nâng cao thu nhập, dù từ lâu đã “làm ăn” trên diện tích đất rừng này…
Nếu như trên 4.000 hộ dân của các xã trong huyện đang vui mừng chờ cấp có thẩm quyền thẩm định để có tấm sổ đỏ, thì hàng trăm hộ dân khác của 5 xã vùng tái định cư cũng đang phấn khởi đợi chờ. Bởi thời gian qua, các ngành chức năng, chính quyền các cấp cũng đang tiến hành khẩn trương việc rà soát rừng và đất lâm nghiệp để làm thủ tục giao khoán cho các hộ.
Theo ông Lê Khắc Hữu – Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện, việc rà soát rừng và đất lâm nghiệp cho hàng trăm hộ dân 5 xã tái định cư đã và đang được thực hiện một cách tích cực, chính xác, đảm bảo đúng quy trình, quy định và đến nay đã đạt được một số kết quả bước đầu.
Theo số liệu từ UBND huyện, đến cuối tháng 3/2013, xã Kỳ Phương đã tổ chức họp các thôn để xét các đối tượng ưu tiên và đang tiến hành rà soát rừng, đất lâm nghiệp. Còn ở xã Kỳ Liên, việc rà soát rừng, đất lâm nghiệp đã thực hiện xong. Theo đó, diện tích cắt chuyển về cho UBND xã là 30,5 ha đang thuê tư vấn lập hồ sơ giao cho 37 hộ; diện tích 40,7 ha từ BQL Rừng phòng hộ Nam Hà Tĩnh đã được rà soát và giao khoán cho 24 hộ thuộc diện ưu tiên. Số diện tích này đã giao thực địa và hiện tại đang mời các hộ nhận khoán trước đây xuất trình hồ sơ, thủ tục để thanh lý hợp đồng…
Trong khi đó, tại xã Kỳ Long, việc rà soát, kiểm đếm đã xong diện tích và giá trị tài sản đền bù theo quy định của UBND tỉnh của các hộ nhận khoán cũ (38 hộ, diện tích 114,9 ha). Tổ công tác cũng đã mời các hộ nhận khoán cũ họp công bố kết quả rà soát, kiểm đếm nhưng chưa họp xét đối tượng ưu tiên giao khoán.
Đối với xã Kỳ Thịnh, đến thời điểm cuối tháng 3/2013 cũng đã rà soát được 50 ha, hiện việc rà soát vẫn đang tiếp tục thực hiện. Còn về đối tượng giao khoán, UBND xã này đang chờ rà soát xong quỹ đất mới tiến hành họp bình xét đối tượng. Xã Kỳ Lợi, một trong 5 xã tái định cư cũng đang tiến hành rà soát diện tích cắt chuyển của 3 xã Kỳ Trinh, Kỳ Hưng, Kỳ Hoa để bình xét cho các đối tượng…
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện cũng đã nảy sinh những khó khăn, vướng mắc rất cần được các cấp, ngành chung tay tháo gỡ, tránh tạo tiền lệ, làm ảnh hưởng đến tiến độ. Đó là trong giao khoán rừng, một số hộ nhận khoán cũ đã không chịu thanh lý hợp đồng; không chấp nhận áp giá đền bù theo quyết định của UBND tỉnh. Trong khi đó, các chủ nhận khoán mới lại không chịu bỏ tiền đền bù cho chủ cũ mà chờ tỉnh hỗ trợ. Một số hộ thuộc diện này gây khó bằng cách yêu cầu Nhà nước giao mặt bằng “sạch” mới nhận…
Giao khoán rừng đã vậy, giao rừng cũng không ít khó khăn. Nhiều người cho rằng, tiến độ giao đất, giao rừng chậm là do thiếu kinh phí để thuê tư vấn. Nguồn này chủ yếu do các hộ được giao rừng đóng góp. Thế nhưng, trong thực tế, người dân đã không thực hiện. Một vấn đề khác là, hiện một số diện tích rừng tự nhiên nghèo nhưng UBND các xã chưa dám lập phương án giao cho các hộ vì sợ không quản được, các hộ sẽ trồng keo dẫn đến sai quy định.
Không riêng ở Kỳ Anh, những khó khăn, vướng mắc này cũng đang diễn ra phổ biến tại các địa phương trong tỉnh. Nếu không sớm có biện pháp giải quyết thì công tác giao đất, giao rừng trên địa bàn tỉnh nói chung khó hoàn thành vào cuối năm 2013 như kế hoạch.
Trọng Tuệ
Báo Hà Tĩnh