Ông Trần Trung Dũng – Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Tĩnh đã có cuộc trao đổi với PV Báo Infonet xung quanh câu chuyện về vấn đề thu chi đầu năm học.
Ông Trần Trung Dũng – Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Tĩnh (ảnh: Mỹ Hoa) |
Thưa ông, Hà Tĩnh năm nay nổi lên việc thu phí đầu năm học làm đau đầu các bậc phụ huynh, nhất là đối với những gia đình đông con, khó khăn. Ông đánh giá thế nào về vấn đề này?
Ông Trần Trung Dũng – Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Tĩnh: Chủ trương xã hội hóa nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đang một vấn đề cấp thiết tại các trường học. Để phát triển giáo dục, ngoài đầu tư của nhà nước, cần sự đóng góp của nhân dân. Tại trường học, với mong muốn nâng cấp cơ sở vật chất, cái gì chưa đủ, chưa đạt thì đầu tư, xây dựng, sửa chữa. Đến khi trường đẹp, khang trang mới thôi.
Rồi trường chưa đạt chuẩn thì muốn đạt chuẩn. Trường thiếu bồn hoa, cây cảnh, cái quạt, bóng đèn đến nhà ăn bán trú thì phải đầu tư xây dựng cho bằng được… Mọi khoản thu từ đó mà đẻ ra. Chính các bậc phụ huynh cũng chia sẻ, họ mong muốn con mình học một ngôi trường đẹp, cơ sở vật chất đầy đủ nên việc đóng học đầu năm đa số đều đồng tình.
Tâm lý số đông, tâm lý con nhà giàu cũng là lý do dẫn đến “thỏa hiệp” đưa ra các khoản thu đầu năm tại trường. Nhà giàu thì chi tiền không tiếc, đó là chưa kể đến các “mạnh thường quân” mạnh tay chi ra số tiền lớn đóng góp xây dựng trường. Còn với nhà nghèo, con cái đông thì các khoản phí đầu năm luôn khiến họ lo lắng.
Thế nhưng, nhà nước có quy định về miễn giảm đóng học đối với gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Việc đóng học không nhất thiết phải nộp một lần mà chia nhỏ ra. Cái này nhà trường phải linh động.
Với tư cách một giám đốc Sở, cứ đầu năm tôi lại chỉ đạo các phòng, ban thanh tra, kiểm tra các khoản thu nghiêm ngặt. Nếu có tình trạng bất thường đề nghị kiểm tra, xử lý nghiêm. Còn đối với bậc học mần non, tiểu học không thuộc thẩm quyền quản lý thì Sở kiến nghị, đề xuất nếu trường đó có vấn đề về thu chi đầu năm.
Vừa rồi, Sở ra quyết định đình chỉ công tác 1 tuần đối với hiệu trưởng Trường THCS Đậu Liêu, thị xã Hồng Lĩnh về việc đưa ra các khoản thu “lạ mắt”. Tưởng, đó sẽ là hồi chuông cảnh báo nhưng “vi rút lạm thu” vẫn bùng phát tại các trường học, ông lý giải thế nào về điều này?
Trường hợp tại Trường THCS Đậu Liêu là một điều đáng buồn, khi đề ra 15 khoản thu, trong đó có những khoản không phù hợp. Ngay sau khi báo chí phản ảnh, Sở đã thành lập đoàn thanh tra cùng các ban, ngành địa phương đến trường tìm hiểu, kiểm tra và có phát hiện sai sót trong thu chi. Ngay lập Sở đã tạm đình chỉ công tác hiệu trưởng và đề nghị cắt bỏ những khoản thu vô lý, nếu đã thu tiền của học sinh thì phải trả lại.
Ngay từ đầu năm học mới, Sở đã ban hành quy định rõ ràng gửi các trường học về các khoản thu. Nếu trường nào thu trái quy định sẽ phải xử lý nghiêm, đúng pháp luật. Sở vẫn luôn thanh tra, kiểm tra bất ngờ những trường có dấu hiệu bất thường trong thu chi. Nếu nằm trong thẩm quyền quản lý sẽ xử lý nghiêm minh, còn đối mới mần non, tiểu học thì sở kiến nghị địa phương cần công khai, minh bạch, đúng quy trình để đưa ra các khoản thu phù hợp.
Nhiều ý kiến phụ huynh cho rằng, năm nào cũng phải đóng khoản xây dựng trường học. Nhiều khi chỉ thay một chậu hoa, một viên gạch hay một cái quạt đã gãy cánh cũng bắt học sinh đóng, mà phí năm nào cũng cao, lên đến tiền triệu. Trong khi đó, trường lại không minh bạch số tiền xây dựng công trình, sửa sang đó bao nhiêu?
Cái đó rõ ràng là trường sai. Làm bất kỳ một công trình mới, hay sửa sang, mua mới những vật dụng gì đều phải có hồ sơ, giấy tờ quyết toán. Trong các cuộc họp giao ban tôi luôn nhấn mạnh về việc phải công khai, minh bạch mọi khoản thu chi liên quan đến đóng nộp của các em học sinh. Các khoản thu không đúng, không phù hợp thì phụ huynh bức xúc, băn khoăn thôi. Đó là điều dễ hiểu. Mình càng minh bạch bao nhiêu thì sự việc càng dễ giải quyết bất nhiều. Cái này các trường phải nên tiếp thu, rút kinh nghiệm.
Xã thì bảo trường tự nghĩ ra các khoản thu, trường lại bảo đã trình lên và được xã phê duyệt. Vậy quy trình nào để trường đưa ra những khoản thu đó?
Về phía ngành đã hướng dẫn rất kỹ về mặt quy trình. Hàng năm, công tác đề ra các khoản đóng học được triển khai trong hè và dịp đầu năm. Có hướng dẫn rất rõ, cụ thể bằng văn bản.
Trước hết nhà trường xác định nhu cầu, năm nay nhà trường cần làm cái gì, sửa cái gì? mua gì, tổ chức hoạt động nào? Nhà trường phải xác định, với những nội dung tương đối lớn, ngành yêu cầu phải có sự tham gia, đánh giá của các cơ quan chức năng. Ví dụ, mời đại diện HĐND, ủy ban, rồi cấp huyện… đến kiểm tra đúng là cái này hỏng, đã đến lúc phải thay hay chưa.
Sau khi xác định được nhu cầu mới đề xuất. Đầu tiên cơ quan chuyên môn phải có ý kiến như phòng giáo dục, sở. Làm việc ấy để hướng dẫn anh, em và kiểm tra nếu có động cơ lạm dụng, hoặc ở những nơi nhận thức chưa đúng. Vì vậy cơ quan quản lý giáo dục là phải có ý kiến theo từng trường học cụ thể để xem thử các khoản trên có đúng không. Sau khi có ý kiến chuyên môn thì xin ý kiến chính quyền theo phân cấp.
Như vậy các khoản thu đề ra phải làm đúng theo quy trình từ ngành chuyên môn, địa phương, trường học và cuối cùng là phụ huynh. Sau đó sẽ cân đối và lấy ý kiến mới chính thức đưa ra các khoản thu chính thống, khi đó mới bắt tay vào thu tiền đóng học.
Vậy thưa ông, vai trò của phụ huynh trong việc nhà trường đề ra các khoản thu ở đây là gì?
Phụ huynh là ý kiến cuối cùng sau khi trải qua 3 cấp, cấp chuyên môn, cấp địa phương và cấp trường học. Trước khi tiến hành thu tiền đóng học, nhà trường phải tổ chức họp phụ huynh, lấy biểu quyết. Vì vậy vai trò của phụ huynh đóng góp quan trọng trong công tác chống “lạm thu”.
Làm thế nào để bảo vệ học sinh nếu phụ huynh lên tiếng phản đối các khoản thu tại trường?
Trường nào để tôi phát hiện nhà trường, giáo viên “trù dập” học sinh khi cha mẹ phản ánh thu chi tại trường đến báo chí, tôi sẽ đích thân đến tận nơi, xử lý nghiêm. Tôi mong muốn phụ huynh phải công khai, càng công khai càng dễ bảo vệ. Nếu lấp lửng dẫn đến nghi kị nhau. Phụ huynh phản ánh tình hình của trường trong đóng học là thể hiện tinh thần, trách nhiệm cao trong đóng góp, xây dựng trường lớp.
Việc tiếp theo của Sở sẽ có những chế tài nào để thay đổi tình hình này thưa ông?
Phía Sở vẫn luôn kiểm tra, thanh tra tại các trường học theo cấp thẩm quyền. Nếu phát hiện có sai sót trong thu phí đầu năm phải có chế tài xử lý nghiêm. Nhẹ thì buộc nhà trường hoàn tất số tiền đã thu, hoặc cắt bỏ ngay các khoản không phù hợp, nặng thì đình chỉ lãnh đạo cao nhất của trường.
Đối với các bậc mần non, tiểu học, phía Sở cũng kiến nghị chính quyền các cấp vào cuộc thật sự về thu chi đầu năm. Từ xã, đến huyện, phòng giáo dục phải thực sự nghiêm túc vào cuộc quyết liệt. Vai trò của chính quyền sở tại hết sức quan trọng đề tránh tình trạng xấu về “lạm thu” đầu năm.
Xin chân thành cảm ơn ông!
Ngày 1/10, bà Trần Thị Văn – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Cẩm Trung (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) cho biết, Trường đã tổ chức họp phụ huynh thông báo dừng thu, trả lại các khoản: 70.000 đồng/HS khối 1 và 2 mua sắm đồ dùng dạy học tiếng Anh (khối này chưa học tiếng Anh); 100.000 đồng/HS đối với khối 3,4,5 không học bán trú; 864.000 đồng/HS tất cả các khối tiền học buổi 2; 100.000 đồng/HS tiền “vệ sinh lớp” cho toàn bộ tất cả các khối. 300.000 đồng/6 buổi tiền lao động phụ huynh của tất cả các khối.