“Chi phí thì hướng đến hình thức”
Tiến sỹ Trần Trung Dũng trong buổi trao đổi với PV Tầm nhìn về VNEN (Ảnh: Đặng Sơn) |
PV: Ông có đánh giá như thế nào về quá trình thực hiện chương trình mô hình trường học mới VNEN ở Hà Tĩnh cho đến thời điểm này?
Ông Trần Trung Dũng (T.T.D): VNEN là một mô hình trường học mới mà Bộ GD&ĐT có triển khai trong cả nước thời gian qua. Trong quá trình triển khai dự án, trường Tiểu học Cẩm Quang (huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) là một đơn vị được thụ hưởng.
Trong quá trình triển khai, Bộ nhận thấy mô hình này có một số ưu điểm, từ đó đề nghị các địa phương, ngoài những trường được thụ hưởng thì có thể xem xét nhân rộng ra các trường khác.
Hà Tĩnh bắt đầu thực hiện từ trường Tiểu học Cẩm Quang theo hướng dẫn của Bộ, từ đó chúng ta nhân rộng dần: ban đầu là mỗi huyện, thị xã, thành phố 1 trường. Năm tiếp theo mỗi huyện, thị xã, thành phố nhân rộng lên 2, 3 hoặc 4 trường tùy vào từng địa bàn để thực hiện.
Cho đến thời điểm kết thúc năm học 2015-2016, Hà Tĩnh có 129 trường tiểu học có triển khai. Trên cơ sở thực hiện dự án ở bậc tiểu học, Bộ tiếp tục có chỉ đạo triển khai ở bậc THCS. Trên cơ sở hướng dẫn của Bộ, Hà Tĩnh đã triển khai ở bậc THCS. Cho đến cuối năm học 2015-2016, Hà Tĩnh đã thực hiện ở 32 trường THCS.
Trong quá trình triển khai, công tác chuẩn bị, nhất là mỗi lần tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, Hà Tĩnh được các chuyên gia của Bộ bồi dưỡng trực tiếp.
Theo đánh giá của ngành và một số kênh khác, việc triển khai mô hình này đã có hiệu quả nhất định trong chất lượng giáo dục. Về hiệu quả, ngoài các chuẩn kiến thức – kĩ năng, học sinh được bổ sung nhiều kĩ năng khác. Có người đã nhận xét, lâu nay học sinh Hà Tĩnh học giỏi nhưng bị hạn chế một số kĩ năng, nên chừng mực nào đó, mô hình này bổ trợ các kĩ năng cho các em.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai cũng có một số ý kiến trái chiều. Ngành cũng nhận thấy đang còn một số tồn tại, hạn chế.
Đây là một mô hình tốt, tuy nhiên trong quá trình triển khai một số cơ sở quá máy móc, rập khuôn thì sẽ có những cái không thật phù hợp. Hai là chúng ta chủ yếu tập trung làm chuyên môn, chưa làm tốt công tác tuyên truyền, truyền thông để xã hội và nhất là các lực lượng liên quan hiểu đầy đủ để cùng chung sức triển khai. Ngoài ra trong quá trình triển khai cũng có những vướng mắc nhất định khác.
PV: Ban đầu chỉ duy nhất trường Tiểu học Cẩm Quang thực hiện thí điểm dự án. Mặc dù, chưa có những đánh giá khách quan, đầy đủ thì tại sao Hà Tĩnh đã vội vàng nhân rộng trên toàn tỉnh mô hình này?
Ông T.T.D: Đây có thể cũng là một cách hiểu. Thực tế, trong quá trình thực hiện, Bộ GD&ĐT đã có kiểm tra đánh giá việc triển khai mô hình này ở các trường học trong toàn quốc.
Hà Tĩnh tiếp cận theo cách: sau khi triển khai ở trường tiểu học Cẩm Quang, những gì cần rút kinh nghiệm ở Cẩm Quang sẽ bổ sung vào những cái Bộ đã đánh giá ở các trường khác trong cả nước. Từ đó Hà Tĩnh mới triển khai ra các trường.
Vì vậy, nếu như nói Hà Tĩnh mới làm ở trường này đã vội vàng làm ở trường khác là chưa đầy đủ. Mà Hà Tĩnh làm trên cơ sở rút kinh nghiệm của Bộ từ các trường thực hiện trên toàn quốc.
PV: Nhiều địa phương khác triển khai VNEN khi có kinh phí do Bộ cấp, nhưng riêng Hà Tĩnh thì không. Vậy Hà Tĩnh thực hiện VNEN như thế nào khi không có kinh phí?
Ông T.T.D: Vấn đề liên quan đến kinh phí, cách làm của mỗi địa phương là khác nhau. Hà Tĩnh nhận thấy bản chất việc thực hiện mô hình VNEN có một số điều chỉnh, thay đổi về hình thức tổ chức dạy học, còn chuẩn kiến thức, kĩ năng thì vẫn thế. Các yếu tố khác chỉ mang tính chất hỗ trợ.
Hà Tĩnh nhận thấy mô hình này ưu việt thì nhân rộng. Tỉnh xác định mình có điều kiện, khả năng đến đâu thì làm đến đó.
Về cơ sở vật chất, ta dù giữ nguyên vẫn có thể tổ chức được. Ở đâu có điều kiện khang trang hơn thì sẽ hỗ trợ được tốt hơn. Còn những cái ở đâu chưa có, về sau có điều kiện thì sẽ bổ sung dần. Không phải cần nhiều tiền mới có thể làm được.
Vì xác định như thế nên Hà Tĩnh hướng đến áp dụng mô hình này về mặt nội dung, không phải hình thức, mà chi phí thì hướng đến hình thức.
Ví dụ cụ thể, bài học này, nếu theo cách dạy truyền thống thì học sinh chỉ có khoanh tay lên bàn, thầy giảng trò nghe. Còn ở mô hình trường học mới, học sinh có thể ra ngoài trời học thực tế.
Hay như học theo nhóm, theo đúng tinh thần VNEN thì không phải môn học, bài nào cũng có thể học theo nhóm được. Cũng có những nội dung cần thầy giảng, trò nghe. Học nhóm là để các em có thể chủ động trao đổi, thảo luận, chủ động tiếp nhận kiến thức. Nhưng không phải kiến thức nào cũng có thể theo nhóm được, mà tổ chức nhóm như thế nào tùy vào từng bài, từng phần… chứ không thực hiện một cách máy móc.
Việc nhiều cơ sở thực hiện máy móc có một số nguyên nhân như: Bản thân giáo viên, họ phân vân nếu như làm thật linh động thì không biết có việc gì không?. Giáo viên cũng phải chịu khó đầu tư, hôm nay dạy bài này, hôm sau dạy bài khác cần có sự điều chỉnh, nhưng không phải khi nào giáo viên cũng nghĩ ra và có thời gian cho việc này. Ngoài ra việc thực hiện máy móc còn xuất phát từ những chỉ đạo của Ban giám hiệu các trường, các Phòng giáo dục khi triển khai ở dưới.
“Chủ tịch tỉnh chỉ đạo như vậy mới tránh được những nóng vội”
Trước đó, trong một khảo sát của thầy Lê Văn Vỵ, học sinh lớp 7B trườngTHCS Nam Hà biểu quyết gần 100% bỏ chương trình VNEN |
PV: Trong quá trình triển khai VNEN, ông nhận thấy ý kiến của giáo viên, phụ huynh và học sinh về mô hình trường học mới này như thế nào?
Ông T.T.D: Tôi thấy những năm đầu thực hiện không nhận được nhiều ý kiến lắm. Bắt đầu từ trường Tiểu học Cẩm Quang nhân rộng ra, thỉnh thoảng có một vài ý kiến của giáo viên thể hiện sự lúng túng. Nhưng sau đó họ lại thấy thích và hứng thú với mô hình mới này.
Những năm đầu nhận được nhiều thông tin tốt từ giáo viên, phụ huynh, học sinh.
Chỉ bắt đầu từ năm học 2015-2016, có nhận được nhưng chưa phải nhiều ý kiến khác nhau khi triển khai ở bậc THCS. Sở đã rút kinh nghiệm và sẽ chấn chỉnh trong năm học 2016-2017. Tuy nhiên, khi chuẩn bị cho năm học này thì lại có thêm nhiều ý kiến. Sau đó, Sở đã thực hiện dừng triển khai đại trà theo chỉ đạo của Tỉnh.
Thực tế, thông tin đến với mình ít. Trong các cuộc họp, tiếp xúc với các huyện, các trường tôi trao đổi thẳng thắn, cầu thị nhưng có thể các anh em không dám nói. Nếu tiếp nhận được các thông tin, tôi sẽ cho kiểm tra và xem xét.
PV: Hiện nay tại nhiều trường đã thực hiện VNEN, thay vì sắp xếp bàn ngồi theo nhóm đã chuyển về ngồi ngang theo phương pháp truyền thống, không gọi bằng các chức danh như Chủ tịch Hội đồng tự quản…mà trở về với cách gọi thông thường như lớp trưởng, lớp phó, tổ 1, tổ 2…. Cách tổ chức như vậy có đúng với tinh thần VNEN không, thưa ông?
Ông T.T.D: Tôi nói một chút về tầm vĩ mô. Nước ta qua nhiều lần cải cách, đổi mới giáo dục thì đều hướng đến đổi mới về mặt nội dung. Mỗi lần cải cách, đổi mới về mặt nội dung thì đi cùng với đó là mong muốn các nhà giáo đổi mới về phương pháp. Tuy nhiên, đổi mới như thế nào thì không ai nói?
Lần này có cái khác cơ bản là đổi mới về phương pháp để học sinh chủ động hơn.
VNEN có hình thức tổ chức dạy học khác chương trình cũ sẽ kéo theo đổi mới về phương pháp.
Tôi nhận thấy, thời điểm này, cán bộ giáo viên đang chịu nhiều áp lực tương đối lớn từ phụ huynh muốn trả lại cái cũ cho các em. Theo tôi, đây là một hạn chế trong công tác tuyên truyền. Nói đến hiệu quả của VNEN, chúng ta nói nhiều đến kết quả định tính mà ít nói đến định lượng, mà hiệu quả định tính thì không đo lường được, dẫn đến hiệu quả thuyết phục chưa cao.
Ví dụ, kết quả định tính cho thấy học sinh chủ động hơn, tự tin hơn, nhanh nhẹn hơn… Nhưng phụ huynh lại quan tâm đến đánh giá định lượng như: học sinh học toán được mấy điểm, văn được mấy điểm, có được học sinh giỏi hay không?…
Do công tác tuyên truyền chưa tốt nên nhiều vấn đề phụ huynh chưa hiểu hết.
Mô hình trường học mới với hình thức tổ chức dạy học mới hướng đến hệ thống giáo dục mở, trường học mở. Việc dạy học không đóng khung trong 4 bức tường, trong hàng rào cổng trường…Cả gia đình, xã hội cùng tham gia vào hệ thống giáo dục.
Ví dụ, những bài nào có thể cho các em học gắn với không gian bên ngoài, cho các em có cơ hội thảo luận, chia sẻ thì phải tạo điều kiện hết sức. Đó mới là tinh thần VNEN. Và tất cả quá trình dạy học đều được thực hiện dựa trên nền chuẩn kiến thức, kĩ năng. Tuy nhiên, trong quá trình thiết kế bài học, để triển khai phù hợp thì có thể có những điều chỉnh cho phù hợp.
PV: Ông Đặng Quốc Khánh, Chủ tịch UBND tỉnh vừa có quyết định dừng thực hiện đại trà chương trình VNEN. Ông đánh giá như thế nào về quyết định này?
Ông T.T.D: Cá nhân tôi cũng như ngành giáo dục Hà Tĩnh thấy chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh là cần thiết. Lãnh đạo tỉnh có chỉ đạo như vậy mới tránh được những nóng vội từ phía cơ sở, từ đó chúng ta làm cẩn trọng hơn.
Trong quá trình thực hiện VNEN ở Hà Tĩnh còn có những vấn đề rập khuôn, máy móc nên chúng ta chưa nhân rộng là cần thiết.
Đó là những chỉ đạo phù hợp, kịp thời.
“Tôi sẽ chịu trách nhiệm về VNEN”
PV: Hiện tại Chủ tịch UBND tỉnh đã có quyết định dừng triển khai đại trà VNEN, nhưng nhiều trường đã vội đập bục giảng, cưa ngắn bàn hay đã mua tài liệu dạy học… để lại khá nhiều hậu quả, nhất là gây thất thoát cơ sở vật chất. Ông có ý kiến như thế nào về vấn đề này?
Ông T.T.D: Đó là kết quả của sự triển khai máy móc.
Các em (phóng viên) có thể đến hỏi tất cả các hiệu trưởng trường Tiểu học, THCS và THPT để biết, khi họp thầy Dũng đã dặn như thế nào: Không phải cứ đập bục giảng, cưa ngắn bàn hay mua tài liệu mới là thực hiện mô hình trường học mới.Vì đó chỉ là những yếu tố hỗ trợ để chúng ta thực hiện tốt hơn. Nhưng để nguyên thì vẫn triển khai được, chúng ra phát triển dần.
Tiếc là anh em máy móc quá.
PV: Có ý kiến cho rằng giá sách VNEN là quá cao, lại chỉ có một nguồn cung duy nhất, một đại lý duy nhất bán ra, từ đó hình thành thế độc quyền khi cung ứng sách cho các trường. Ông có ý kiến như thế nào về vấn đề này?
Ông T.T.D: Sách VNEN là công cụ để hỗ trợ chúng ta thực hiện chương trình tốt hơn. Có thể thực hiện không cần sách này. Sách này bản chất gần như là giáo án trong hồ sơ chuyên môn. Bản chất tài liệu này là đưa ra các yêu cầu, hình thành các hoạt động cho giáo viên và học sinh.
Đó là tài liệu tham khảo. Tài liệu này là tốt vì Dự án VNEN có sự tài trợ của Ngân hàng thế giới, tập hợp các chuyên gia viết nên. Tài liệu ấy viết trên cơ sở Sách giáo khoa hiện hành, nó không phải mới, cũng không phải SKG. Có tài liệu sẽ hỗ trợ tốt hơn cho việc triển khai mô hình.
Công ty bán sách, tài liệu không phải là công ty của Sở Giáo dục mà là công ty con của NXB Giáo dục. Trong quá trình thực hiện, tôi không kí văn bản chỉ đạo sử dụng tài liệu VNEN.
Tôi có chỉ đạo các trường trong quá trình triển khai sử dụng SGK để dạy học, không nhất thiết phải mua. Nếu điều kiện quá khó khăn, trong quá trình dạy học mìnhnghiên cứu xây dựng cách thức tổ chức như thế nào cho phù hợp.
PV: Thời gian tới Hà Tĩnh có kế hoạch gì trong việc triển khai VNEN, thưa ông?
Ông T.T.D: Ngay sau khi có chỉ đạo của UBND tỉnh, ngành giáo dục đã tham mưu tỉnh thành lập Hội đồng đánh giá về VNEN. Ngoài ra, Sở đã tham mưu tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo đối với các trường đang thực hiện và chưa thực hiện sẽ làm những việc gì, như thế nào…
Cũng qua đây, tôi muốn nhắn nhủ đến phụ huynh hãy yên tâm, việc dạy hay không dạy VNEN vẫn dựa trên chuẩn kiến thức, kĩ năng, chỉ khác ở hình thức tổ chức dạy học. Tôi tin rằng không vì VNEN mà ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học.
PV: Để xảy ra những sai sót trong quá trình triển khai VNEN, trách nhiệm thuộc về ai? Sở GD&ĐT có trách nhiệm như thế nào trong vấn đề này?
Thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch tỉnh, Giám đốc, phó Giám đốc và các phòng chuyên môn của Sở đã có kiểm điểm trách nhiệm.
Việc thực hiện chương trình xuất phát từ quyết tâm đổi mới giáo dục. Trong quá trình triển khai có thể nhận thấy đây là một mô hình tốt. Quá trình mình triển khai, vận dụng có những cái chưa tốt… Một số khâu cơ sở còn triển khai máy móc mình chưa kịp điều chỉnh. Hơn nữa, quá trình thực hiện cũng ít nhận được những ý kiến ở những nơi đang làm.
Tôi khích lệ giáo viên chia sẻ, phản ánh. Phóng viên xuống cơ sở, thấy giáo viên có tâm trạng băn khoăn, sợ không dám nói thì hãy phản ánh với tôi để được ghi nhận ý kiến.
Những gì trách nhiệm trong quá trình triển khai VNEN trước ngành, trước phụ huynh, trước học trò tôi sẽ chịu trách nhiệm.
Trân trọng cảm ơn ông!
Mai Nguyễn – Đặng Sơn – Hà Vy (ghi)