Một người đàn ông bước vào Tổng lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston ngày 22-7 - Ảnh: Houston Chronicle |
Theo báo Houston Chronicle, việc chính quyền Tổng thống Donald Trump bất ngờ ra lệnh đóng cửa Lãnh sự quán Trung Quốc ở thành phố Houston đang gây ra luồng dư luận đồn đoán về hoạt động gián điệp của Trung Quốc ở bang Texas.
Đây là một chuyển biến bất ngờ vì trong nhiều năm ai cũng biết Houston luôn sống trong mối đe doạ tấn công mạng từ Trung Quốc. Thành phố này có nhiều mục tiêu nhạy cảm như phòng thí nghiệm - nghiên cứu, hạ tầng năng lượng - hóa dầu, các cơ sở không gian vũ trụ xung quanh Trung tâm Không gian Johnson của NASA...
Tòa lãnh sự quán Trung Quốc nằm ở khu Montrose thuộc Houston, cách không xa một quán Starbucks. Không ai biết rõ điều gì diễn ra bên trong, và tại sao chính quyền Trump đóng cửa chỗ này mà không phải là lãnh sự Trung Quốc ở New York, Chicago, San Francisco hay Los Angeles.
Hôm thứ ba (21-7), Bộ Tư pháp Mỹ công bố cáo trạng buộc tội 2 tin tặc người Trung Quốc tấn công các công ty Mỹ nhằm ăn cắp nghiên cứu về COVID-19. Trong khu phức hợp y tế Houston có một số cơ sở liên quan đến nghiên cứu này như Houston Methodist, trường y khoa thuộc đại học Baylor...
Cáo trạng còn liệt kê thêm tội "ăn cắp tài liệu thương mại và nhiều giấy tờ khác liên quan đến không gian và ứng dụng vệ tinh" của một công ty công nghệ ở Texas (giấu tên).
Công ty này chỉ là 1 trong 25 nạn nhân bị nhóm tin tặc Trung Quốc dòm ngó, số còn lại nằm rải rác trên khắp nước Mỹ - dấu hiệu cho thấy hoạt động gián điệp của Trung Quốc không chỉ giới hạn ở Texas.
"Có thể chính quyền đã có trong tay bằng chứng nhưng chưa chịu công bố manh mối. Nhìn qua không có vẻ gì Houston đặc biệt hơn những nơi khác (về mức độ hoạt động gián điệp TQ - PV).
Họ nói tin tặc Trung Quốc đang cố đánh cắp dữ liệu nghiên cứu COVID-19, chúng tôi làm việc trong lĩnh vực y tế nên có thể có liên quan. Nhưng chúng tôi không phải đơn vị duy nhất làm công việc này", ông Steven Lewis - nhà nghiên cứu thuộc Viện Baker về chính sách công, Đại học Rice (Houston), nhận xét.
Một nhân viên lãnh sự Trung Quốc chất đồ lên xe ngày 21-7 - Ảnh: Houston Chronicle |
Phản đòn thương mại
Trung Quốc đã duy trì đại diện ngoại giao ở Houston từ năm 1979 đến nay, việc lãnh sự quán của họ bị ép đóng cửa tất nhiên sẽ dẫn đến căng thẳng trong quan hệ giữa Texas nói riêng và Mỹ nói chung với Bắc Kinh.
Đây có thể nói là cú bồi cho quan hệ thương mại Mỹ - Trung vốn đã xấu đi nhiều. Các ngành công nghiệp của Texas, đặc biệt là hóa dầu và khí hóa lỏng, đặt cược lớn vào thị trường Trung Quốc với hàng tỉ đô la đổ vào các nhà máy dọc theo bờ biển Vịnh Mexico.
Năm ngoái, xuất khẩu từ Texas đi Trung Quốc đã giảm hơn 30%, xuống còn 11,3 tỉ USD, sau khi Tổng thống Trump áp thuế trừng phạt lên hàng hóa Trung Quốc để buộc nước này nhập khẩu thêm hàng Mỹ. Đến giờ thuế đáp trả của Trung Quốc vẫn còn hiệu lực, bao gồm sản phẩm năng lượng Mỹ.
Vậy nên tâm trạng ở Texas khá u ám sau vụ tòa lãnh sự Trung Quốc bị đóng cửa. Doanh nghiệp Texas sẽ càng khó tiếp cận thị trường đông dân nhất thế giới, chưa kể có khả năng công ty Trung Quốc sẽ bỏ chạy hàng loạt khỏi Texas.
Mới năm ngoái, công ty Trung Quốc Hailiang công bố sẽ đầu tư 165 triệu USD để cải tạo một nhà máy luyện kim đồng ở phía tây Houston. Công ty Shandong Weigao Group thì đổ 850 triệu USD xây một nhà máy sản xuất đồ y tế ở ngoại thành Dallas hồi năm 2017...
"Các quan chức Texas đã mất nhiều công sức để lôi kéo doanh nghiệp Trung Quốc đến đây, cạnh tranh với Louisiana, Oklahoma và những nơi khác", ông Gene Wu - nghị sĩ đại diện Texas thuộc Đảng Dân chủ, cho biết.
Bảo vệ nói chuyện với một người đàn ông trước cửa tòa lãnh sự Trung Quốc ở Houston ngày 22-7 - Ảnh: Houston Chronicle |
Cái giá của làm ăn với Trung Quốc
Nhưng để công ty Trung Quốc vào Mỹ làm ăn không phải không có rủi ro. Hạ tầng năng lượng - dầu khí quy mô của Houston biến nơi này thành mục tiêu hấp dẫn đối với gián điệp Trung Quốc.
Trong một ví dụ cụ thể, tháng 11-2019, một nhân viên Trung Quốc của Tập đoàn năng lượng Phillips 66 (Houston) nhận tội đã ăn cắp thông tin mật về công nghệ pin thế hệ mới của công ty.
Theo ông Anthony Roman - một chuyên gia về an ninh ở New York, những năm gần đây chính phủ Trung Quốc đã đẩy mạnh hoạt động chiến tranh mạng, thu dụng từ 50.000 đến 100.000 nhân viên dân sự và quân sự cho nỗ lực này.
Hiểu rõ điều đó nên các quốc gia trên thế giới hết sức cảnh giác với công nghệ 5G của Tập đoàn Huawei (Trung Quốc), không ai dám chắc khi nào nó bỗng trở thành thành công cụ do thám cho Bắc Kinh.
"Nỗ lực (chiến tranh mạng) của Trung Quốc lớn chưa từng thấy. Hoạt động tình báo và tấn công mạng của họ không đo đếm được. Tất cả hạ tầng chiến lược ở Mỹ đều là mục tiêu", ông Roman nhận xét.
Ở chiều ngược lại, Bắc Kinh luôn nói quy mô tình báo của họ "không khác gì những nước khác, bao gồm Mỹ". Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 22-7 lên án động thái đóng cửa tòa lãnh sự Houston, và còn tố Mỹ "quấy rối" nhân viên ngoại giao và sinh viên Trung Quốc đang học ở Mỹ.
Ngoại trưởng Mỹ Pompeo thì mô tả động thái này là "sự trừng phạt" dành cho Đảng Cộng sản Trung Quốc vì hoạt động ăn cắp tài sản trí tuệ (của Mỹ) trong một thời gian dài.
Đó là một lời giải thích tương đối, mặc dù giới quan sát vẫn thắc mắc động cơ nào khiến chính quyền ông Trump đưa ra quyết định vào thời điểm này, nhất là trong bối cảnh có nhiều khủng hoảng và sự kiện lớn đang hoặc sắp diễn ra, như dịch COVID-19 hay bầu cử tổng thống tháng 11.
"Nó mang động cơ chính trị, hay dựa trên bằng chứng tình báo vững chắc? Chưa có gì được tiết lộ", chuyên gia Roman bình luận.
Tác giả: PHÚC LONG
Nguồn tin: Báo Tuổi Trẻ