Giáo dục

Gần 1.500 trẻ mầm non ở nhà vì thiếu giáo viên

Nhiều năm qua, huyện Đắk Glong, Đắk Nông liên tục gặp áp lực về tình trạng thiếu giáo viên. Ngày khai giảng năm học mới, gần 1.500 trẻ của huyện phải ở nhà vì có người giảng dạy.

Chị Vàng Thị Bào ở xã Đắk R'măng, huyện Đắk Glong phản ánh, năm học 2022-2023, chị có 2 con trong độ tuổi mầm non nhưng hiện tại chỉ có cháu 5 tuổi được nhận vào trường. Cháu còn lại, năm nay mới 3 tuổi phải ở nhà vì trường không nhận hồ sơ.

Theo bà Thái Thị Hải - Hiệu trưởng trường mẫu giáo Hoa Lan, năm học 2022-2023, trường có 290 học sinh ở 9 lớp. Trường có 3 phân hiệu, trung bình mỗi lớp có từ 40-45 học sinh và chỉ đáp ứng được nhu cầu cho trẻ 5 tuổi, độ tuổi phổ cập giáo dục.

Học sinh tiểu học tại xã Đắk R'măng bước vào năm học mới (Ảnh: Đặng Dương).


Lý giải về việc không thể tiếp nhận học sinh dưới 5 tuổi vào học, bà Hải cho rằng hiện tại nhà trường chỉ có 15 giáo viên. Do thiếu giáo viên nên năm học này, nhà trường chỉ ưu tiên nhận trẻ 5 tuổi.

Qua rà soát, hiện trên địa bàn còn hơn 200 em trong độ tuổi từ 3 đến 4 tuổi chưa được đến trường.

Theo UBND huyện Đắk Glong, những năm gần đây, số lượng học sinh tăng nhanh, kéo theo khó khăn về cơ sở vật chất trường, lớp, đội ngũ giáo viên. Năm học 2022-2023, toàn huyện gần 1.500 em từ 3 đến 4 tuổi chưa được đến trường.

Đối với bậc mầm non, để đáp ứng yêu cầu phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi, tất cả các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn chỉ ưu tiên tuyển sinh trẻ 5 tuổi.

Đối với các em từ 3 đến 4 tuổi, nếu đủ giáo viên thì các cơ sở giáo dục mầm non tiếp nhận theo số lượng quy định, căn cứ trên tỷ lệ giáo viên đứng lớp.

Trong khi đó, theo báo cáo của Phòng GD-ĐT huyện Đắk Glong, toàn huyện Đắk Glong có 38 đơn vị trường học thuộc quản lý của UBND huyện (gồm 34 đơn vị trường học công lập và 4 trường tư thục). Tổng số học sinh 3 cấp là gần 20.000 học sinh, trong khi đó biên chế sự nghiệp chưa đến 940 người.

Bước vào năm học mới, toàn huyện thiếu 206 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. Trong đó bậc mầm non thiếu 36 người; bậc tiểu học thiếu 100 người; bậc THCS thiếu 70 người.

Để giải quyết tình trạng này, ngành giáo dục huyện Đắk Glong sẽ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc huy động các nguồn lực xã hội nhằm chăm lo, phát triển sự nghiệp giáo dục và nâng cao chất lượng đào tạo, chất lượng đời sống của nhà giáo.

Tác giả: Đặng Dương

Nguồn tin: Báo Dân Trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP