Ông Nguyễn Bá Thủy, Chủ tịch UBND xã Quảng Hòa (huyện Đắk G’Long) cho biết, theo thống kê sơ bộ của xã, hiện khu vực Suối Phèn (thuộc thôn 12) có gần 100 cháu đã đến tuổi đi học nhưng vẫn chưa được đến trường. Hầu hết trong số này là trẻ mẫu giáo từ 3-5 tuổi và học sinh bậc tiểu học.
Trẻ em Suối Phèn hàng ngày chỉ quanh quẩn trong khu dân cứ chứ không được đến trường. |
Anh Giàng A Dìn (trưởng khu dân cư Suối Phèn) than thở, dù năm học mới bắt đầu được nửa tháng nay nhưng trẻ em trong khu dân cư vẫn chưa đến trường. “Trong số hơn 400 nhân khẩu của khu vực này thì số người biết nói tiếng Việt chỉ vài chục người còn số người biết viết chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Trẻ em ở đây cũng muốn đi học lắm, nhưng điều kiện không cho phép, nhất là đường đi học xa xôi, lầy lội nên các cháu đành tạm gác ước mơ đến trường. Các cháu chỉ loanh quanh ở nhà hoặc lên nương rẫy để phụ giúp bố mẹ, năm này qua năm khác, đến khi kết hôn thì các cháu lại ngại đến trường, thành ra tỷ lệ người dân mù chữ ở đây rất cao”, anh Dìn cho hay.
Chia sẻ về chuyện học hành của các con, anh Giàng A Dế cho biết, anh có 3 người con nhưng tất cả đều không đi học từ nhiều năm nay. Người đàn ông này phân trần: “Đứa con đầu của tôi năm nay 17 tuổi rồi, cháu bỏ học từ năm lớp 6. Còn con út năm ngoái vào lớp 1 phải mang đồ đạc ra trường ở trọ. Do chưa biết nấu cơm nên cháu thường phải ăn cơm sống, uống nước lã nên được hơn một tháng là cháu kiệt sức, vàng hết cả da. Thế là tôi đành cho cháu nghỉ học”.
Nhiều trẻ trong độ tuổi học THCS nhưng chưa một lần đi học |
Được biết, bắt đầu từ tháng 7 hàng năm, khi chuẩn bị bước vào năm học mới, giáo viên của trường mầm non, tiểu học, THCS đều vào tận khu vực Suối Phèn để vận động phụ huynh cho con em đi học. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế khó khăn, đường đi xa xôi, không có người đưa đón hàng ngày lại không được nhận hỗ trợ nên nhiều phụ huynh không cho con đi học.
“Toàn bộ trường có hơn 500 học sinh nhưng chỉ có khoảng chục em từ khu vực Suối Phèn ra học. Theo thống kê, còn khoảng 40 em chưa ra lớp. Hiện nay giáo viên của trường và cán bộ địa phương vẫn tiếp tục vào khu vực trên để vận động phụ huynh, việc này chỉ kết thúc vào khoảng cuối tháng 10”, cô Nguyễn Thị Đào, Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Quảng Hòa thông tin thêm.
Theo chia sẻ của người dân sống trong khu vực này, để đến được trường, các em phải đi qua con đường đất dài hơn 25km (đối với học sinh mầm non và tiểu học) và gần 30km đối với học sinh THCS. Vào mùa khô thì đường dễ đi, nhưng mùa mưa thì con đường bị chia cắt, mất cả ngày trời mới ra đến trường. Một số gia đình trong khu Suối Phèn cho con em họ sang học nhờ tại xã khác nhưng cũng phải đi qua đường rừng lầy lội nên học được một thời gian, các em cũng xin bố mẹ ở nhà.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Vũ Tá Long, Chủ tịch UBND huyện Đắk G’Long cho biết, sau khi có thông tin phản ánh, huyện đã chỉ đạo cho xã Quảng Hòa và các trường học đóng chân trên địa bàn thống kê danh sách những trẻ chưa được đến trường. Sau khi có danh sách, giáo viên và cán bộ địa phương sẽ xuống để vận động phụ huynh, đưa trẻ trong độ tuổi đi học đến trường.
Ông Long cũng cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng học sinh khu vực Suối Phèn chưa được đến trường, trong đó nguyên nhân chủ yếu là đời sống của người dân thiếu thốn, đường sá đi lại khó khăn, cơ sở vật chất, nhân lực của các trường không được đảm bảo để học sinh bán trú, nội trú…
Tác giả: Dương Phong
Nguồn tin: Báo Dân trí