Tin Hà Tĩnh

Formosa nghiên cứu xả thải bề mặt thay xả ngầm ra biển

Formosa phải phối hợp với các cơ quan khoa học nghiên cứu phương án xả nước thải bề mặt thay cho phương án xả ngầm ra biển.

Thông tin trên được Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà cho biết tại báo cáo kết quả thực hiện nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn và kiến nghị của cử tri từ kỳ họp thứ ba.

Theo Bộ trưởng thì Bộ đã và đang phối hợp với UBND tỉnh Hà Tĩnh giám sát chặt chẽ nguồn phát thải từ Formosa Hà Tĩnh, đảm bảo việc hoạt động của công ty theo đúng các quy định về bảo vệ môi trường.

Đến nay, sau một năm triển khai đồng bộ các giải pháp, các nguồn chất thải phát sinh từ quá trình vận hành thử nghiệm 19/22 hạng mục công trình của Formosa (trong giai đoạn này Formosa sử dụng phôi thép nhập khẩu để vận hành thử nghiệm) được kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường trước khi thải ra môi trường.

Formosa đã hoàn toàn kiểm soát được các nguồn thải ô nhiễm, an toàn môi trường và đã đầu tư bổ sung nhiều hạng mục cải thiện công trình bảo vệ môi trường nhằm đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế theo cam kết với Chính phủ Việt Nam.

Bộ TN-MT yêu cầu Formosa nghiên cứu xả thả bề mặt thay cho phương án xả ngầm

Theo báo cáo, kết quả quan trắc, giám sát cho thấy chất lượng môi trường biển bao gồm nước biển và trầm tích biển tại 4 tỉnh miền Trung đã ổn định, đảm bảo cho mục đích nuôi trồng thủy sản, bảo tồn thủy sinh.

Tác nhân gây ô nhiễm lớn nhất từ sự cố môi trường tập trung vào tầng nước đáy và trầm tích biển với sự tồn tại của dạng phức chất có xu hướng giảm dần theo thời gian do đặc điểm tự nhiên và khả năng tự làm sạch của môi trường biển khu vực này.

"Chính vì vậy, nếu kiểm soát tốt các nguồn thải từ khu vực ven biển thì nguy cơ tái ô nhiễm môi trường biển do vật chất từ tầng đáy đưa lên là khó có khả năng xảy ra", Bộ trưởng đánh giá.

Đề cập giải pháp thời gian tới, Bộ trưởng cho biết sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, UBND tỉnh Hà Tĩnh và các cơ quan khoa học trong nước và quốc tế kiểm tra, giám sát liên tục, định kỳ và đột xuất đối với Formosa trong quá trình vận hành thử nghiệm.

Bộ cũng yêu cầu Formosa phối hợp với các cơ quan khoa học nghiên cứu phương án xả nước thải bề mặt thay cho phương án xả ngầm ra biển như hiện nay.

Đề nghị từ Bộ với UBND tỉnh Hà Tĩnh là tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh tăng cường nhân lực, chịu trách nhiệm tổ chức triển khai đồng bộ các biện pháp giám sát chặt chẽ quá trình vận hành thử nghiệm của Formosa. Trong đó chú trọng tổ chức cho người dân giám sát theo quy định của pháp luật.

Trước đó, hồi tháng 9, Bộ TN-MT cũng cho biết,việc thay đổi phương pháp làm nguội than cốc từ ướt sang khô, Formosa đã hoàn thành thăm dò địa chất, đánh giá kỹ thuật và lựa chọn công nghệ làm nguội cốc khô (CDQ) của Nhật Bản.

Đáng chú ý, Bộ TN-MT cũng sẽ đôn đốc, yêu cầu Formosa khẩn trương phối hợp với các cơ quan khoa học nghiên cứu phương án xả nước thải bề mặt thay cho phương án xả ngầm ra biển như hiện nay…

Trao đổi với Đất Việt xung quanh vấn đề này, TS Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng khẳng định: “Pháp luật Việt Nam không cho phép thì cần phải làm rõ ai ký, ai cho phép Formosa xây đường ống xả thải ngầm dưới biển.

Dù rằng có cho phép đi chăng nữa cũng không thể được xả bậy bạ ra biển mà phải bảo đảm môi trường.

Thông thường đơn vị nào cấp phép xây dựng nhà máy đó thì họ sẽ cấp phép hệ thống xả thải ngầm. Vì cấp phép là phải cấp toàn diện chứ không thể cấp cái nọ rồi cái khác đơn vị khác lại cấp”.

Trong khi, PGS.TS Nguyễn Tác An - Nguyên Viện trưởng Viện hải dương học Nha Trang cũng cho rằng, thực tế, Formosa đã từng gây ô nhiễm lớn, nên việc giám sát nước xả thải là điều cần thiết và cần làm nghiêm ngặt hơn.

Bản chất doanh nghiệp nào cũng là đi buôn bán, làm vì lợi ích của mình nên vấn đề môi trường phải do tự chúng ta kiểm soát.

Tác giả: Sơn Ca

Nguồn tin: Báo Đất Việt

  Từ khóa: ra biển , formosa , xả thải

BÀI MỚI ĐĂNG