Trong nước

EVN ‘đòi’ tính lỗ ngàn tỉ vào giá điện: Lời ăn, lỗ người dân gánh?

EVN, PVN, TKV đồng loạt thông báo lỗ hàng ngàn tỉ đồng do điều chỉnh tỉ giá và đề nghị… tính vào giá thành điện. Thông tin vừa được đưa ra trong cuộc họp giao ban trực tuyến của ngành Công Thương…

Nếu đề nghị trên được “chuẩn y”, giá điện sẽ phải “cõng” thêm khoản lỗ hàng chục ngàn tỉ của các “ông lớn”. Vậy, có hay không chuyện “lời ăn, lỗ người dân gánh”?

Con số thiệt hại có thể lớn gấp 10 lần?

Báo cáo tại cuộc họp, ông Vũ Anh Tuấn – Phó TGĐ tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) cho biết, trong tháng Tám, ngành than gặp nhiều khó khăn. Đợt mưa lũ lớn bất thường trong vòng 40 năm qua tại Quảng Ninh đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản xuất, kinh doanh của các đơn vị ngành than trên địa bàn. Sản lượng than sạch tháng Tám ước đạt 3 triệu tấn, giảm 4,8% so với tháng trước.

 EVN 'đòi' tính lỗ ngàn tỉ vào giá điện: Lời ăn, lỗ người dân gánh? - Ảnh 1

Lỗ cả chục ngàn tỉ, các “ông lớn” đòi tính vào giá điện (ảnh minh họa).

Đặc biệt, ông Tuấn cho hay, việc điều chỉnh tỉ giá VND/USD đã tác động mạnh đến các chỉ tiêu tài chính của TKV. Ước tính, riêng lĩnh vực sản xuất điện, TKV đã thiệt hại 1.200 tỉ đồng. Do vậy, TKV kiến nghị bộ Công Thương xem xét cho tính khoản chênh lệch tỉ giá này vào giá thành điện.

Tương tự như TKV, tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cũng gặp không ít khó khăn do chênh lệch tỉ giá. Tại cuộc họp trực tuyến, dù không đưa ra con số cụ thể nhưng ông Ninh Văn Quỳnh – Phó TGĐ PVN chia sẻ: Việc điều chỉnh tỉ giá đã ảnh hưởng rất nhiều đến kế hoạch sản xuất – kinh doanh của PVN, đặc biệt trong bối cảnh giá dầu thô giảm mạnh.

Cùng chia sẻ với hai “ông lớn” TKV và PVN, đại diện tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) – Phó Tổng Giám đốc Ngô Sơn Hải cho biết, TKV chỉ chiếm khoảng 10 – 15% tổng sản lượng điện của toàn hệ thống EVN nhưng đã thiệt hại đến 1.200 tỉ đồng. Cộng cả số lỗ của TKV, PVN và EVN, con số thiệt hại có thể lớn gấp 10 lần. Theo ông Hải, nếu số lỗ này không được tính toán đầy đủ, có những giải pháp xử lý hữu hiệu sẽ ảnh hưởng đến tình hình tài chính của các tập đoàn.

Đại diện ngành điện nhấn mạnh, EVN cũng đang thống kê số liệu để báo cáo bộ Công Thương nhằm có hướng giải quyết. Thế nhưng, vị này cũng cảnh báo “nếu tất cả các đơn vị điện của TKV và PVN đưa hết lỗ tỉ giá vào giá điện sẽ tác động rất lớn tới bức tranh tài chính của EVN”.

Về vấn đề này, Thứ trưởng bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, diễn biến tỉ giá trong thời gian qua đã tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh của một số doanh nghiệp. Tuy nhiên, với những kiến nghị nhằm bù đắp vào giá thành sản xuất điện, Bộ sẽ tổng hợp và gửi ý kiến trình Chính phủ xem xét.

Điều đáng suy ngẫm…

Điều chỉnh tỉ giá là chủ trương đúng đắn của Ngân hàng Nhà nước, nhằm đối phó với những diễn biến của nền kinh tế. Đương nhiên, nhiều doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng và đó là điều tất yếu.

Chia sẻ với PV, đại diện một công ty kinh doanh dịch vụ lữ hành tại Hà Nội cho biết, thời điểm ký hợp đồng tỉ giá tăng nên tính sơ bộ công ty lỗ cả chục triệu đồng. Thế nhưng, công ty đành “cắn răng” chịu lỗ chứ không dám tăng giá tour vì sợ khách “quay lưng”. Theo vị này, để giảm thiểu thiệt hại và giữ khách hàng, công ty phải cắt giảm nhiều chi phí, đồng thời thương lượng với đối tác để có mức giá tour phù hợp, chấp nhận giảm lợi nhuận, bán bằng giá vốn.

Tất nhiên, so sánh khoản lỗ của doanh nghiệp với khoản lỗ của các tập đoàn lớn sẽ… chẳng thấm vào đâu, tuy nhiên, chúng tôi muốn nhấn mạnh đến khía cạnh phản ứng của doanh nghiệp với khoản lỗ này.

Ngược trở lại thời điểm cách đây ít lâu, dư luận xôn xao trước việc giá điện phải “cõng” cả chi phí xây biệt thự, sân tennis của EVN. Thông tin trên xuất phát từ một báo cáo của Thanh tra Chính phủ cho biết, công tác đầu tư xây dựng nhiều dự án điện phát sinh nhiều chi phí làm đội giá thành điện. Đáng chú ý, nhiều dự án điện còn phát sinh thêm hạng mục “khu nhà quản lý vận hành và sửa chữa”. Thực tế, hạng mục này được xây dựng lại là nhà ở cho cán bộ với các loại biệt thự đơn lập, nhà song lập, nhà liền kề, chung cư cao tầng, có cơ sở hạ tầng đi kèm như nhà trẻ, bể bơi, sân tennis… Thanh tra Chính phủ kết luận, toàn bộ chi phí này nằm trong tổng mức đầu tư dự án nguồn điện, do đó đã được tính vào giá bán điện là không đúng quy định.

Chưa hết, do đầu tư ngoài ngành, không ít lần EVN lỗ lớn, thế nhưng “ông lớn” này vẫn quyết định tăng giá điện và đưa ra lý do để bù cho các khoản lỗ những năm trước. Lần này, khoản lỗ hàng ngàn tỉ do chênh lệch tỉ giá cũng đặt ra không ít câu hỏi khó. Giới chuyên gia cho rằng, chỉ khi việc kinh doanh, lỗ lãi của các “ông lớn” trên được minh bạch, việc tăng giá điện mới khiến người dân không còn băn khoăn.

GS. TSKH Lương Xuân Quỳ, nguyên Hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế Quốc dân:

Còn độc quyền, giá điện chỉ có tăng?

Việc tăng giá điện sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân. Vì vậy, bất kể động thái nào tác động đến giá điện đều phải được tính toán kỹ lưỡng. Việc các tập đoàn đề xuất tính khoản lỗ do chênh lệch tỉ giá vào giá điện cũng phải tính toán kỹ. Căn cứ tăng giá của EVN không chỉ dựa vào báo cáo kiểm toán chi phí, giá thành mà quan trọng hơn là sự hợp lý trong đầu tư của tập đoàn này. Thực tế hiện nay, giá điện hoàn toàn phụ thuộc vào hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của EVN. Với cơ chế này, giá điện chỉ có tăng chứ khó có xu hướng giảm bởi đầu tư tăng, lạm phát, tiền lương tăng… Do đó, cần sớm thực hiện lộ trình giá điện cạnh tranh, bởi còn độc quyền thì giá điện chỉ có tăng.

Chuyên gia kinh tế, TS. Bùi Kiến Thành:

Cần làm rõ ảnh hưởng của tỉ giá đến những thành phần nào

Việc điều chỉnh tỉ giá sẽ tác động đến các doanh nghiệp sử dụng ngoại tệ lớn. Về lý thuyết, khi vay ngoại tệ và phải trả bằng ngoại tệ, các tập đoàn sẽ chịu một khoản lỗ lớn nếu tăng tỉ giá. Tuy nhiên, nhà kinh doanh hoàn toàn có thể lường trước được biến động tỉ giá bằng công cụ do ngân hàng cung cấp là hợp đồng mua trước ngoại tệ. Với hợp đồng đó, doanh nghiệp có thể đàm phán với phía ngân hàng mua trước trong tương lai với tỉ giá 2 bên đã thỏa thuận nên có thể không bị thiệt hại nhiều. Do đó, cần làm rõ ảnh hưởng của tỉ giá đến những thành phần nào, giá ra sao mới nói chuyện tỉ giá ảnh hưởng.

GS. TS Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển (ĐH Kinh tế Quốc dân):

Cứ biến động là “đổ” vào giá điện là không hợp lý

Nếu điều chỉnh tỉ giá làm tăng giá nhập khẩu thì phải hạch toán rõ ràng phần bị tác động tăng. Các tập đoàn nói bị lỗ do chênh lệch tỉ giá phải cụ thể giá nhập than, nhập khí (nếu có) bị ảnh hưởng như thế nào. Các khoản khác không bị ảnh hưởng từ tỉ giá thì cần tính riêng, tránh nhập nhèm. Cần công khai, minh bạch, không để ngành điện tự tính, tự công bố. Theo tôi, giá điện hiện nay đã cao, nếu bất cứ biến động nào cũng được tính để “đổ” thêm vào giá thành điện thì không hợp lý.

Anh Đức / NĐT

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP