Nhóm phóng viên Báo Công an TPHCM đã thoát nạn trong gang tấc
Khoảng 15 giờ, khi chiếc xe tải chở hàng cứu trợ từ sân bay Vinh (Nghệ An) vượt qua gần hết đỉnh đèo (từ hướng huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh), bắt đầu xuống dốc để vào thị trấn Đồng Lê (huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình) thì bất ngờ xe bị mất thắng (phanh). Chiếc xe chất đầy hàng và có hai phóng viên của Báo Công an TPHCM cùng tài xế, phụ xe trên xe đã gần như tuyệt vọng, đối mặt với thần chết. Xe mất thắng, tăng tốc, tài xế cố điều khiển xe ôm cua theo các khúc cua bên vách núi sâu hoắm hơn 100 mét. Mỗi lần ôm cua thì xe đã chao đảo, hổng bánh liên tục khiến cho mọi người gần như nín thở chờ chết. Chúng tôi đã cố tìm một điểm địa điểm như đường thoát nạn để lao xe vào nhưng đều vô vọng. Tuyệt nhiên dọc cung đường quanh co, hiểm trở này không hề có một đoạn đường thoát nạn nào như một số đường đèo khác vốn phải được xây dựng. Chúng tôi đã định lao xe vào hướng ta luy dương nhưng cũng không thể vì đều được gia cố bằng bê-tông hoặc vách đá, lại bị ngăn cách bởi một rãnh thoát nước quá rộng, sâu. Cơ may duy nhất là anh em chúng tôi chỉ biết động viên tài xế cố gắng trả số về số 1 trong khi tốc độ xe đã hơn 50km/giờ. Đây là cơ hội duy nhất, nếu cơ hội cuối cùng này cũng không thực hiện được thì chúng tôi phải phó mặc cho số phận.
Hỡi ơi, khi chiếc xe tiếp tục lao đi vút vút trên chiếc cầu bắc qua vực núi sâu hoắm gần 100m hai bên thì tài xế Thế Anh trẻ tuổi (quê thành phố Vinh, Nghệ An) đã làm được điều kỳ diệu là trả về số 1 và chiếc xe bắt đầu giảm được tốc độ. Khi tốc độ còn khoảng 30km/giờ thì ba anh em trên xe phải nhảy xuống xe, chạy lên phía trước tìm cây, đá để tiếp tục hãm tốc độ xe (vì dốc phía trước vẫn còn hơn 500m) để cứu tài xế. Sau mấy lần ném cây và đá vào thì chiếc xe đã dừng lại được. Cảm giác khủng khiếp tới mức tối ngồi dùng cơm, tài xế đã không thể nhớ được biển số chiếc xe của mình lái khi một CSGT hỏi.
Khi chúng tôi cầu viện lực lượng Công an huyện Tuyên Hóa đến áp tải hàng và xe về, đại úy Cường, Đội trưởng Đội CSCT – TT Công an huyện Tuyên Hóa cho biết, cách đây mấy tháng, một chiếc xe tải chở sắt đi qua đây cũng đã gặp tình huống mất thắng ngay đoạn đèo mà chúng tôi vừa gặp phải. Chỉ có phụ xe nhảy xuống kịp, còn tài xế đã liều mình lao xe vào ta luy dương nhưng không sống sót. Một người dân ở dưới chân đèo này cho biết là họ đã phản ảnh việc đoạn đèo dài hơn 10km không có đường thoát nạn nhưng vẫn chưa được khắc phục.
Đây vốn là đoạn thuộc đường Xuyên Á, được làm mới nhằm vận chuyển hàng hóa từ Lào (qua cửa khẩu Cha Lo, Quảng Bình) về cảng Vũng Áng, Hà Tĩnh, con đường mới được mở xuyên qua cánh rừng già bạt ngàn, nhiều đoạn quanh co, hiểm trở. Có đoạn nằm bên vực núi sâu hơn trăm mét, có đoạn cầu đi xuyên vực núi, rất nguy hiểm. Dù đường được làm khá đẹp và chất lượng nhưng vì khiếm khuyết như trên nên nếu có sự cố về phanh xe thì lái xe gần như không có đường để thoát. Vì sao một cung đường đèo nguy hiểm như thế lại không hề làm đường thoát hiểm? Để không có những thảm họa xảy ra, đề nghị các cơ quan chức năng quản lý, sử dụng con đường này nhanh chóng khắc phục khiếm khuyết trên để những chuyến xe không may gặp trục trặc như chúng tôi có thể tránh thảm họa xảy ra.
TRUNG SƠN
CATP