Đường “lắm khổ, lắm nạn”
Dự án do Ban quản lý Khu Kinh tế Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo (nay là Ban quản lý Khu Kinh tế Hà Tĩnh) làm chủ đầu tư; Tập đoàn Xuân Thành là đơn vị thi công. Tuyến đường 10km có mức đầu tư 300 tỷ đồng. Đây là một trong 8 dự án thuộc quy hoạch chung của khu kinh tế đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Một đoạn đường tìm kiếm, cứu hộ, lánh nạn. |
Mực nước xuống thấp của đập Đinh Đẹ tại xã Sơn Tây hiện nay. |
Tuyến đường tìm kiếm, cứu hộ, lánh nạn bắt đầu từ Khu tái định cư Hà Tân (xã Sơn Tây, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh) chạy song song, về phía tây với Quốc lộ 8A đến cầu Tây Sơn (thị trấn Tây Sơn, huyện Hương Sơn) đã được san ủi đất, mặt bằng nhưng sau 5 năm vẫn chưa hoàn thành. Tuyến đường hiện đang được thi công “ì ạch” tại điểm cầu Tây Sơn, còn lại trên toàn tuyến thì đang bỏ dở, có nhiều điểm sạt lở, bị xói mòn mạnh, xuất hiện những “hầm, hào” trên mặt đường.
Điều mà người dân xã Sơn Tây quan tâm là tuyến đường này đi qua 4 đập chứa nước của xã. Đó là các đập Cây Bưởi, Đinh Đẹ, Mụ Hán và Trung Lưu có tổng dung tích gần 2 triệu mét khối nước phục vụ tưới tiêu cho 50-60ha diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Nhưng hiện nay, do tuyến đường thi công dang dở, đất đá từ trên núi sạt lở xuống với khối lượng đáng kể làm bồi lấp các đập chứa nước. Riêng đập Cây Bưởi (xóm Tân Thủy, xã Sơn Tây) phục vụ tưới tiêu cho hơn 20ha đất sản xuất nông nghiệp của ba xóm: Tân Thủy, Hồ Sen và Cây Tắt, chúng tôi quan sát thấy diện tích bị lấp gần hết.
Ông Lê Văn Trung, Xóm trưởng xóm Tân Thủy, cho biết: “Trước đây, đập Cây Bưởi dùng để dẫn nước tưới phục vụ sản xuất vụ hè thu, đông xuân. Vụ hè thu vừa rồi, chúng tôi không có nước nên không sản xuất được. Vụ đông xuân sắp tới, cũng chỉ trông chờ vào nước mưa thôi”.
Cùng chung thực trạng trên, xóm Cây Thị có đập Đinh Đẹ và đập Mụ Hán phục vụ tưới tiêu 10ha đất sản xuất nông nghiệp. Toàn bộ hệ thống cống và dẫn nước đã bị hư hỏng không thể phục vụ sản xuất do xe chuyên chở đất đá đi lại trong quá trình thi công đường. Ông Nguyễn Văn Mão, Xóm trưởng xóm Cây Thị cho hay: “Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị lên cấp trên nhưng cũng không thấy đơn vị nào giải quyết”.
Có mặt tại đoạn đường cứu hộ lánh nạn chạy qua xã Sơn Tây, chúng tôi chứng kiến cảnh tuyến đường đã được ủi đất, đào bới nham nhở. Đoạn đường chạy trên sườn núi cheo leo, để đi bộ cũng khó mà đi được bởi xuất hiện nhiều đoạn sụt lún và lở mạnh. Ông Phan Văn Hiên, người dân ở xóm Cây Thị, bức xúc nói: “Tưởng rằng con đường mở ra để chúng tôi sớm đi lại thuận tiện hơn nhưng hiện nay đường chưa có đi lại mà đập chứa nước cũng bị lấp dần”.
Còn khổ đến bao giờ?
UBND xã Sơn Tây thừa nhận, từ khi con đường thi công 2010 đến nay đời sống sản xuất của bà con ảnh hưởng rất nhiều. Riêng vụ hè thu mấy năm nay không có năm nào sản xuất được vì không có nước, vụ đông xuân thì nước cũng chỉ trông vào thời tiết nên năng suất và sản lượng giảm đi 30-40%. Theo quan sát của chúng tôi, mặc dù đang vào mùa mưa, nhưng lượng nước trong các đập chứa nước ở xã Sơn Tây vẫn rất thấp. Nguyên nhân là do trời mưa lượng nước tích được ở đập được một lượng nhất định nhưng càng mưa đất đá lại trôi xuống lòng đập. Hệ thống cống rãnh dẫn nước tại đập Trung Lưu và Mụ Hán đã hư hỏng do xe chở đất đá qua lại trong quá trình thi công. Do vậy, lượng nước để sản xuất vụ đông xuân sắp tới sẽ thiếu trầm trọng.
Thế nhưng, trong khi nơi thiếu nước, xã Sơn Tây lại có nơi bị ngập úng. Mặt khác các hồ đập thiếu nước và hệ thống dẫn nước bị hư hỏng hết lại có 15ha diện tích đất trồng cây rừng của người dân xóm Hà Chua đứng trước nguy cơ ngập úng. Hiện nay, đã có 1.000m2 cây rừng đang bị chết dần do nước mưa tù đọng. Nguyên nhân là những luồng lạch thoát nước của diện tích trồng rừng bị con đường ngăn lại. Đường được đắp cao hơn so với mặt bằng đất rừng của bà con khoảng 7-8m nhưng do chưa xây dựng hệ thống thoát nước. Ông Lê Khắc Hoàn, người dân xóm Hà Chua, cho biết: “Gia đình tôi có khoảng một héc-ta cây rừng đang bị chết vì úng nước do đường đi qua ngăn mất lạch thoát nước. Chúng tôi đang định đào một rãnh thoát nước dọc con đường nhưng không có hiệu quả vì phải đào rãnh quá dài mà lượng nước quá lớn. Đào đường để thoát nước thì lại vi phạm pháp luật. Gia đình chúng tôi cùng các hộ khác kiến nghị nhiều lần mà chưa được giải quyết”.
Ông Phan Xuân Anh, Phó chủ tịch UBND cho hay: “Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị lên nhà thầu và chủ đầu tư từ hai năm nay để về nạo vét, múc đập tích nước cũng như sửa sang cống rãnh cho nhân dân sản xuất nhưng đến nay sau nhiều lần hứa hẹn vẫn chưa giải quyết được”.
Ông Phan Thăng Long, Phó trưởng ban Quản lý dự án Khu Kinh tế Hà Tĩnh cho biết: “Cuối năm nay sẽ tiến hành trải nhựa một số đoạn tuyến đường và khoảng giữa năm 2016 sẽ hoàn thành nhưng còn tùy thuộc vào nguồn vốn”.
Dự án đường tìm kiếm, cứu hộ, lánh nạn kết hợp phát triển kinh tế xã hội phía tây huyện Hương Sơn nếu hoàn thành sẽ đem lại nhiều lợi ích về kinh tế và an ninh-quốc phòng đặc biệt trong công tác cứu hộ lánh nạn khi Quốc lộ 8A xảy ra sự cố. Với tiến độ thi công quá chậm trễ như vậy, người dân trên địa bàn còn chịu khổ đến bao giờ? Và điều quan trọng hơn cả, nếu trên địa bàn bất ngờ xảy ra tình huống chia cắt, trong khi tuyến đường này chưa hoàn thành, thì chính quyền và các lực lượng chức năng sẽ xử trí như thế nào?
Bài và ảnh: HOÀNG HOA LÊ