Sau khi thu thập đầy đủ thông tin về xưởng may ở Nga khiến các lao động Việt Nam kêu cứu vì kiệt sức, thông qua cơ quan chức năng Bộ Ngoại giao, Báo Người Lao Động đã chuyển hồ sơ vụ việc tới Đại sứ quán (ĐSQ) Việt Nam tại Liên bang Nga. Từ đây, một "đường dây nóng" đã được thiết lập giữa Tòa soạn Báo Người Lao Động và Đại sứ Nguyễn Thanh Sơn để "giải cứu" lao động.
18 ngày gay cấn
Cụ thể, ngày 30-8, chúng tôi đã cung cấp cho Đại sứ Nguyễn Thanh Sơn thông tin: Có nhiều người ở Việt Nam bị lừa đi lao động bên Nga (cụ thể là xưởng may của người đàn ông tên Tuấn) kêu cứu. Họ bị nhốt, không cho ra ngoài, làm việc ngày 16 giờ nhưng lương chỉ 3 triệu đồng.
Đại sứ yêu cầu cho ông địa chỉ cụ thể để xử lý. Báo Người Lao Động liền cung cấp thông tin và cho biết thêm khoảng 20 lao động bị nhốt trong đó, người môi giới đã thừa nhận lấy tiền 15 triệu đồng mỗi người đi lao động bằng đường du lịch. "Cho tôi dữ liệu người môi giới, để xem có trong danh sách đang theo dõi không" - Đại sứ Nguyễn Thanh Sơn đề nghị.
Làm việc cật lực nhưng lương quá thấp nên nhiều công nhân ở xưởng may của ông Tuấn kêu cứu và đòi về nước Ảnh: MINH CHÂU |
Sau đó, chúng tôi đã gửi dữ liệu người môi giới, chuyển hợp đồng lao động, các hình ảnh xưởng may, đường vào xưởng cũng như người môi giới và được Đại sứ Nguyễn Thanh Sơn phúc đáp là sẽ xử lý sớm. Thời điểm này, người của chúng tôi ở trong xưởng may của ông Tuấn gửi thông tin cho biết có thêm nhiều lao động kêu cứu, đòi về chứ không riêng gì anh C. ở Sóc Trăng. Trong các ngày 1, 2, 3 và 4-9, chúng tôi liên tục liên lạc với đại sứ để nắm thông tin thì được ông cho biết đang tiến hành làm.
Đến ngày 5-9, người của chúng tôi báo về cho hay đã có hơn 10 người ở xưởng may cầu cứu. Dù biết công việc của đại sứ nhiều nhưng không thể không nóng lòng, chúng tôi tiếp tục hối thúc ông. Đến trưa 14-9, Đại sứ Nguyễn Thanh Sơn nhắn: "Chuyển toàn bộ dữ liệu vào máy Trưởng Phòng Lãnh sự ĐSQ Việt Nam tại Nga theo số… Tôi đã giao hôm nay phối hợp với công an nước bạn kiểm tra".
Đáp ứng yêu cầu của đại sứ, chúng tôi chuyển toàn bộ thông tin liên quan đến chủ xưởng may và những thông tin hữu ích khác phục vụ công tác giải cứu cho ông Hoàng Anh, Trưởng Phòng Lãnh sự ĐSQ Việt Nam tại Nga.
Tối 14-9, ông Hoàng Anh cho biết: "Vừa gọi C., là người viết đơn. Tôi xem nội tình thế nào, xử lý hai bên. Khỏi phải nhờ công an bắt cả hai bên. C. đưa số điện thoại ông chủ mà chưa liên lạc được, chúng tôi sẽ gọi tiếp. Dĩ nhiên là làm sao cho hài hòa vì chủ cầm hết giấy tờ nên chưa biết hợp pháp hay không. Đây là nhiệm vụ, trách nhiệm của ĐSQ".
Ngày 17-9, ông Hoàng Anh cho biết đã liên hệ và làm việc với chủ xưởng may. Trong buổi làm việc, ông đã đề nghị chủ xưởng nếu ai không muốn làm thì nên cho họ về. Riêng việc giữ hộ chiếu của người lao động thì được chủ xưởng giải thích là sợ công nhân bỏ trốn sang xưởng khác.
"Tóm lại, chúng tôi đã đề nghị với chủ xưởng ai muốn về thì cho về. Trong vòng 1 tuần nữa, chúng tôi sẽ có kết quả để hài hòa lợi ích giữa những người lao động và chủ xưởng" - ông Hoàng Anh khẳng định.
Lời hứa của ông Hoàng Anh đưa ra đã phần nào giúp chúng tôi bớt lo lắng cho người lao động đã gửi đơn cầu cứu đến Báo Người Lao Động. Hơn nữa, theo người của chúng tôi ở xưởng may, sau cuộc làm việc của ông Hoàng Anh thì tình trạng công nhân đã dễ thở hơn. Dù vậy, không ít lao động Việt Nam vẫn mong chủ xưởng thực hiện theo đề nghị của ông Hoàng Anh là ai muốn về thì cho về.
Công an, chính quyền đồng loạt vào cuộc
Theo Trưởng Phòng Lãnh sự ĐSQ Việt Nam tại Nga, nguyên nhân chính dẫn đến vụ việc trên xuất phát từ chuyện người môi giới thu tiền người lao động và tìm người sai, tay nghề kém. Vì thế, lỗi là của người môi giới. Chủ xưởng cần người có tay nghề mà môi giới thì tìm người không đúng. Chủ xưởng cũng bỏ tiền mua hạn ngạch mới đưa được người qua nên ĐSQ đang làm mọi cách để hài hòa lợi ích đôi bên.
Ở một diễn biến khác, ngày 19-9, một lãnh đạo Công an tỉnh Tiền Giang cho hay công an đã vào cuộc làm rõ theo đơn tố cáo của một số công nhân từ xưởng may của ông Tuấn trở về. Theo đó, công an đã tiếp nhận đơn và làm việc với nhiều người liên quan. Công an cũng xác định 2 người là bà Thu và ông Đậm có liên quan đến vụ việc.
Nguồn tin nêu trên cho hay những công nhân này khai với công an là đều thông qua bà Thu và ông Đậm, họ mới đi sang Nga lao động. Ngoài ra, tất cả đều khai rõ là mỗi người phải trả cho bà Thu 15 triệu đồng mới được đưa sang Nga.
Đặc biệt, ngày 20-9, nguồn tin riêng của Báo Người Lao Động cho biết sau khi loạt bài "Đường dây lao động "khổ sai" ở Nga" đăng tải trên Báo Người Lao Động, sáng 19-9, Cục Cảnh sát hình sự (C45, Bộ Công an) đã vào cuộc cùng với Phòng Cảnh sát hình sự (PC45) Công an tỉnh Sóc Trăng và PC45 Công an tỉnh Tiền Giang.
Theo đó, tại Sóc Trăng, cán bộ điều tra của PC45 đã tiếp cận gia đình anh T.V.C (ngụ ấp Hòa Hưng, xã Long Đức, huyện Long Phú). Tuy nhiên, do bà Ung Thị Hồng Nh. (mẹ anh C.) già yếu nên cán bộ điều tra đã hướng dẫn người thân của bà làm các thủ tục cần thiết để củng cố hồ sơ vụ việc.
Liên quan đến chân rết của vợ chồng Thu - Đậm, PC45 cũng triệu tập bà Nguyễn Thị Phấn, Phó Bí thư ấp Hòa Hưng, lên làm việc. Bởi lẽ, bà Phấn được xác định là người môi giới anh C. cho bà Thu.
Ông Lê Hoàng Điện, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Sóc Trăng, cho biết đã chỉ đạo các bộ phận của sở tiếp cận gia đình bà Nh. (mẹ anh C., người viết đơn kêu cứu) để tìm hiểu, từ đó có hướng hỗ trợ anh. Phải chặn từ trong nước Theo Đại sứ Nguyễn Thanh Sơn, việc đưa người kiểu như trên sang Nga lao động đã diễn ra hàng chục năm nay. Mấy năm gần đây, tình trạng này đã có phần lắng xuống vì cơ quan chức năng hai nước vào cuộc quyết liệt. Tuy nhiên, các chiến dịch truy quét các xưởng may "đen" - nơi có công nhân Việt Nam làm việc - thường khó bắt chủ sử dụng vì họ đều có "thông tin". "Vì vậy, nhiều lần tôi đã gọi điện về Việt Nam đề nghị cần ngăn chặn từ trong nước, chứ không phải cứ để các công ty du lịch lừa đảo rồi sang bên này chỉ xử lý được phần ngọn. Việc này tôi sẽ tiếp tục phối hợp với bạn (tức Báo Người Lao Động) để xử lý" - đại sứ nhấn mạnh, đồng thời mong báo chí thông tin tuyên truyền cho mọi người cảnh giác. |
Tác giả: Nhóm phóng viên
Nguồn tin: Báo Người lao động