Thương mẹ vất vả, luôn phải chắt chiu từng hạt gạo để lo lắng cho gia đình, các con của bà Đào ai cũng cố gắng học hành để nuôi giấc mơ vào đại học. Hiện nay, 5 người con của bà đều thành đạt và đã lập gia đình, tính cả dâu rể thì trong gia đình có đến 10 thành viên có trình độ đại học.
5 con ăn học, còng lưng mẹ già
Vốn sinh ra trong một gia đình nghèo và đông con, Phan Thị Đào đã phải bươn chải kiếm sống quanh góc ruộng từ khi còn rất nhỏ. Đến tuổi cập kê, thiếu nữ sông La đã yêu thương rồi lập gia đình với chàng trai cùng quê Nguyễn Đức Thao (SN 1946). Hạnh phúc của đôi trẻ sớm đơm hoa kết trái khi bà Phan Thị Đào lần lượt hạ sinh được 6 người con (3 trai, 3 gái – PV). Mặc dù cuộc sống lúc bấy giờ có muôn vàn khó khăn, nhưng vợ chồng bà Phan Thị Đào luôn dành mọi điều kiện tốt nhất cho đàn con của mình. Với mong muốn con cái được ăn học nên người, nên cả hai vợ chồng dành rất nhiều thời gian để chỉ dạy, chăm sóc. Kết quả của những nỗ lực đó là cả 6 người con của bà Đào ai nấy đều lễ phép, chăm ngoan và học rất giỏi.
Họa vô đơn chí, năm 1999, sau một trận ốm thập tử nhất sinh, người chồng, người cha, trụ cột của gia đình là ông Nguyễn Đức Thao đã không may qua đời. Không lâu sau, năm 2001, người mẹ nghèo thêm một lần thắt ruột khi người con trai cả sau trận ốm nặng cũng qua đời. Nỗi đau mất mát người thân cộng với một đàn con thơ dại, đang tuổi ăn tuổi học đã khiến cho bà Phan Thị Đào có lúc tưởng chừng không sống nổi. Lúc bấy giờ tôi quả không thiết sống nữa nhưng nghĩ tới 5 đứa con thơ và lời trăn trối của chồng đã cho tôi sức mạnh để vượt qua sự éo le của cuộc đời. Lúc lâm chung chồng tôi chỉ dặn một câu là cố gắng nuôi con ăn học nên người, bà Đào ngậm ngùi nhớ lại. Thương con, quả phụ Phan Thị Đào quần quật với 5 sào ruộng khoán nhưng vẫn không kiếm đủ cơm áo cho con chứ chưa nói đến chuyện học hành.
Khó khăn ngày càng chồng chất lên đôi vai gầy của người phụ nữ gầy yếu Phan Thị Đào. Tuy vậy, với khao khát nuôi con ăn học nên người, thoát khỏi cảnh nghèo đó để mở mày mở mặt với thiên hạ, bà Đào đã làm đủ mọi nghề từ phụ hồ, gặt lúa thuê đến dịch vụ xay xát. Tuy nhiên, 5 đứa con đang tuổi ăn, tuổi lớn đã dần dần biến người mẹ nghèo thành con nợ có tiếng trong vùng. Cách đây khoảng 15 năm về trước, người dân trong toàn xã Đức Thanh không còn lạ lẫm gì với gia đình bà Đào với biệt danh nợ như “chúa chổm”.
Để có tiền đóng học phí cho con, bà Đào phải đi vay tiền khắp nơi, vay xong về lại hết, hết tiền lại nợ cứ vòng luẩn quẩn trả – nợ. “Hoàn cảnh nhà tôi lúc đó quá nghèo khổ, có những người tốt thì cho vay, nhưng những gia đình khác khi xét thấy tôi không có khả năng chi trả nên đã từ chối không cho vay tiền”, bà Đào kể lại.
Mặc dù luôn sống trong cảnh thiếu đói nhưng các con của bà Phan Thị Đào ai cũng ham học và học rất giỏi. Đầu tiên phải kể tới là anh Nguyễn Đức Kế (SN 1975), khi còn nhỏ, Kế là một đứa trẻ không biết nói biết cười nhưng càng lớn lên, tài năng bẩm sinh trong con người anh lại càng bộc lộ rõ nét. Mặc dù thường xuyên phải phụ giúp mẹ kiếm cơm nuôi các em nhưng trong 3 năm học trường THPT Trần Phú Kế đều là học sinh giỏi toàn diện. Kế luôn được các thầy đánh giá rất cao và là một trong những học sinh xuất sắc nhất trong các thế hệ học sinh của trường.
Năm 1994, khi vừa tốt nghiệp xong THPT Kế đã không phụ lòng tin của mẹ, thầy giáo và bạn bè khi cùng một lúc thi đỗ 3 trường đại học danh tiếng ở Hà Nội (Đại học Bách Khoa, Đại học Xây dựng và đại học Kiến trúc – PV). Tuy nhiên, do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn nên Kế chỉ theo học được một năm rồi nghỉ về nhà phụ giúp mẹ kiếm tiền nuôi các em ăn học.
Bà Đào cho biết: “Sau khi thằng Kế về quê, tôi vô cùng day dứt và tiếc cho học lực của con, lúc đó mấy đứa em cũng đã lớn và có thể giúp mẹ trong công việc hằng ngày nên tôi động viên nó thi lại vào học trường nào gần nhà để chi phí nhẹ hơn, đỡ vất vả cho gia đình”.
Thực hiện nguyện vọng của mẹ, năm 1995, Kế thi đỗ vào khoa Kiến trúc của trường đại học Vinh (liên kết với trường đại học Kiến trúc Hà Nội – PV). Tốt nghiệp với bằng ưu trên tay, đã có nhiều công ty mời Nguyễn Đức Kế tới làm việc nhưng anh lại quyết định mở lớp luyện thi tại Hà Nội. Với năng lực của mình người thầy không chuyên ấy đã rất thành công khi có nhiều phụ huynh gửi gắm con cái mình theo học. Chàng trai nghèo bắt đầu có thu nhập để gửi về phụ giúp mẹ cùng các em.
Giấy chứng nhận học sinh giỏi của các con bà Đào.
Nỗ lực phi thường
Chứng kiến cảnh người mẹ già một mình quần quật nuôi 5 đứa con thơ ăn học, người con gái thứ ba của bà Đào là chị Nguyễn Thị Oanh (SN 1977) đã quyết định nghỉ học giữa chừng để phụ giúp mẹ buôn bán kiếm tiền lo trả nợ. 11 năm không màng tới sách vở, khi mà nhiều người đã tính đến chuyện chồng con cho mình thì đến năm 1999, Oanh có một quyết định táo bạo khi xin học lại lớp 8.
Lúc bấy giờ, biết được học lực rất tốt của Oanh nên bà Đào và anh Kế đã động viên chị chuyên tâm vào việc học hành, mong có ngày thành công. Vốn là con nhà nòi nên năm nào Oanh cũng được xếp là học sinh giỏi xuất sắc của trường và của tỉnh. Năm 31 tuổi chị Nguyễn Thị Oanh mới hoàn thành xong chương trình THPT, ở quê lúc này không ít người ái ngại cho con đường học hành của Oanh nhưng bằng nghị lực phi thường, và sự khích lệ kịp thời của mẹ cùng với các anh em nên cô gái trẻ đã không ngừng phấn đấu học tập với kết quả tốt nhất.
Không phụ lòng người thân và bạn bè, Nguyễn Thị Oanh thi đỗ vào Học viện Tài chính với số điểm rất cao. Lúc này mặc dù cuộc sống đã bớt khó khăn nhiều do anh Kế đã kiếm ra tiền phụ giúp mẹ nuôi đàn em ăn học nhưng bà Đào vẫn phải lao động cật lực để nuôi con ăn học và trả những món nợ ngày trước.
“Các chú biết rồi, nông dân chúng tôi làm ra hạt lúa phải thức khuya dậy sớm, lao động quần quật nhưng kinh tế chẳng đáng là bao. Gia đình bà Đào xã giao cho 5 sào ruộng, con cái đi học xa nhà nên một mình bà ấy cứ quần quật suốt ngày để có gạo bán đóng tiền học cho chúng nó”, một người hàng xóm của bà Đào tâm sự. Tranh thủ làm thêm đủ mọi nghề, cùng với sự giúp đỡ của mẹ và các anh chị em trong gia đình, Oanh đã hoàn thành xuất sắc khóa học của mình. Hiện nay, Oanh đã có gia đình đang sống hạnh phúc cùng chồng con ở Sài Gòn.
Khó khăn chồng chất nhưng chưa bao giờ bà Phan Thị Đào bỏ ước mơ cho con vào đại học. Với nghị lực phi thường của mình, liên tiếp trong những năm sau đó cô con gái thứ 2 và cô con gái út thi đậu vào trường đại học Ngoại thương, giờ đây cả hai đã có gia đình và công ăn việc làm ổn định. Cậu con trai thứ 3 học đại học Xây dựng, hiện giờ đang công tác tại tỉnh Phú Yên.
Với những nỗ lực không ngừng nghỉ của mình, gia đình bà Đào liên tục trong nhiều năm được chính quyền xã công nhận là gia đình văn hóa. Hằng năm cứ vào dịp năm học mới, xã thường cử bà Đào tham gia vào những hội nghị về các gia đình điển hình toàn huyện.
Hồ Ngọc – Nguyễn Long
Người Đưa Tin