Môi trường ô nhiễm nặng
Có mặt tại huyện Đức Thọ trong những ngày gần đây, đến đâu chúng tôi cũng bắt gặp cảnh ngập tràn rác thải. Chất thải được các hộ gia đình, cá nhân chất đầy các khu dân cư, góc đường,..., ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, sinh hoạt của cộng đồng.
Rác thải tràn ra đường trước cổng cơ quan hành chính |
Chỉ riêng dọc các tuyến đường ở thị trấn Đức Thọ ước tính có đến hàng trăm khối rác với đủ loại như bao tải, hộp nhựa nằm ngổn ngang. Rác chất thành từng đống lớn, lấn chiếm cả đường đi của người dân.
Tại đây, có nhiều điểm do lượng rác quá lớn nên nước từ các túi rác tràn chảy ra đường, người dân dùng lửa đốt để giảm bớt khối lượng vì thế khói mù mịt, mùi hôi nồng nặc của bao tải và nhựa bao trùm khiến cho cảnh quan, môi trường nơi vốn sạch đẹp nay thành bãi rác tạm.
Do không tìm được đầu ra nên người dân buộc phải vứt rác ra các tuyến đường |
Trong số những đống rác bốc cháy ven đường tại ở thị trấn Đức Thọ, có những đống rác nằm đối diện với cổng cơ quan cấp huyện, trường học. Phản ánh của người dân, ở khu dân cư thì việc đốt rác, ngửi mùi rác diễn ra hàng ngày.
Anh Nguyễn Văn Hùng, người dân tại thị trấn Đức Thọ cho biết: “Tình trạng rác ứ đọng thường xuyên xẩy ra, mỗi tháng chỉ được thu gom một lần, kéo dài nhiều tháng nay khiến môi trường bị ô nhiễm nặng nề. Đặc biệt là khi người ta đốt rác, khói đen, khí độc lại bay vào nhà, cho dù đóng kín cửa cũng không chịu được”.
Do không tìm được đầu ra nên người dân buộc phải vứt rác ra các tuyến đường |
Được biết, việc rác tồn tại từng đống lớn hai bên đường, khu dân cư bừa bãi, đốt bừa bãi ở Đức Thọ là câu chuyện “biết rồi, khổ lắm nói mãi,” ở địa phương này nhưng đến nay vẫn chưa được tháo gỡ. Sau nhiều năm năm hoạt động với việc xử lý rác bằng phương cách chôn lấp, đến nay bãi rác tập trung Phượng Thành trên địa bàn xã Tùng Ảnh và Đức Hòa của huyện Đức Thọ gây ô nhiễm môi trường. Người dân sống xung quanh bất bình và không cho xe chở rác vào khiến cho việc xử lý rác thải gặp bế tắc.
Địa phương “mệt mỏi” tìm hướng xử lý
Thừa nhận “thất thủ” trong việc tìm phương án tháo gỡ, bởi địa bàn thị trấn không có đất để quy hoạch bãi rác tạm thời nên thực trạng trên đã vượt ngoài tầm giải quyết, cấp trên cần phải vào cuộc, ông Trần Hữu Chân – Chủ tịch UBND thị trấn Đức Thọ, huyện Đức Thọ cho biết: “Gần sáu tháng nay cuộc họp nào ở địa phương cũng đề cập đến xử lý rác thải nhưng vẫn chưa biết sẽ đưa đi đâu. Chúng tôi cảm thấy rất mệt mỏi…?”.
Rác thải nằm án ngữ ngay trước cổng UBND huyện Đức Thọ |
Điều đáng nói, thị trấn Đức Thọ là nơi tập trung đông dân cư, cơ quan với 2000 hộ, 32 cơ quan đơn vị hành chính, một trung tâm thương mại… nên hàng ngày lượng rác sinh hoạt thải ra rất lớn. Ước tính có khoảng 12 m3 rác được thải ra mỗi ngày. Ngoài ra, đây là trung tâm giao thông, hoạt động buôn bán của cả huyện và vùng phụ cận nên lượng rác không chỉ được thải ra của người dân trên địa bàn mà còn được mang từ những nơi khác đến.
Ông Trần Hữu Chân - Chủ tịch UBND thị trấn Đức Thọ chia sẽ: “Trước thực trang trên chính quyền đã làm việc với Chủ nhiệm HTXDV môi trường cùng các đơn vị liên quan để thống nhất phương án thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt tồn động trên các tuyến đường. Tuy vậy, vẫn chưa thuyết phục được HTXDV môi trường vì số lượng rác quá lớn, lại không có điểm tập kết đảm bảo…”.
Rác thải nằm án ngữ ngay trước cổng UBND huyện Đức Thọ |
“Chính quyền địa phương cũng đã cử cán bộ đến liên hệ với các bãi rác ở các huyện lân cận nhưng cũng chưa tìm được phương án phù hợp. Thuê xe chở rác vào nhà máy ở Kỳ Anh cũng là phương án đã được tính đến nhưng do chi phí mỗi chuyến hơn 1 triệu đồng nên chúng tôi đang cân nhắc”, ông Chân nói.
Qua tìm hiểu của phóng viên, không riêng gì thì trấn Đức Thọ mà tất cả các xã trên địa bàn huyện Đức Thọ đang cùng chung thực trạng. Mặc dù lãnh đạo các địa phương đã quyết tâm nhưng môi trường vẫn ô nhiễm, cảnh quan nhếc nhác, cuộc sống của người dân đảo lộn do thẩm quyền, năng lực không cho phép. Trong khi sự việc xảy ra ở mức “báo động” thì lãnh đạo huyện Đức Thọ vẫn đang thiếu một phương án quyết liệt…
Tác giả: Đức Cảnh
Nguồn tin: Báo Tài nguyên và Môi trường