Nông Thôn Hà Tĩnh

Dự án nuôi bò ở Hà Tĩnh: “Cú hích” trong phát triển nông nghiệp

Trong thực trạng sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, manh mún hiện nay của Hà Tĩnh, dự án chăn nuôi bò giống và bò thịt của Công ty cổ phần chăn nuôi Bình Hà đang như “luồng gió” mới, tạo nên “cú hích” trong phát triển nông nghiệp của địa phương này.

  >> Hà Tĩnh: Bà con nông dân “đổi đời” với những cánh đồng ngô sinh khối

Sẽ nhập bò nái để liên kết với người dân

Chúng tôi có cơ hội lên thăm trang trại dự án chăn nuôi bò giống và bò thịt ở xã Cẩm Quan (huyện Cẩm Xuyên) và xã Kỳ Hợp (huyện Kỳ Anh). Ai cũng ngỡ ngàng bởi trước đây,những vùng đồi núi, đặc biệt là với những diện tích đất trống, đồi trọc thậm chí bị bỏ hoang,thì nay đã được che phủ bởi một màu xanh mượt bạt ngàn của cỏ Pakchong – 1, là vùng nguyên liệu trồng cỏ thức ăn, cung cấp cho dự án nuôi bò.

 Trang trại dự án chăn nuôi bò giống và bò thịt của Cty Bình Hà.

Bước chân vào khu vực trang trại, có thể thấy được các hệ thống chuồng trại rộng lớn, cảnh tấp nập của các xe vận tải chở nguyên liệu thô như Ngô, Mía,Cỏ… mà Công ty trồng và thu mua được từ khắp các địa phương trong tỉnh như Cẩm Xuyên, Hương Khê, Hương Sơn, Vũ Quang, Thạch Hà, Hồng Lĩnh… Những nguyên liệu này sẽ được hệ thống máy móc hiện đại chế biến, phối trộn tạo thành thức ăn hỗn hợp cho Bò.

“Việc liên kết trồng ngô đã và đang giúp thay đổi tư duy về nông nghiệp cho bà con địa phương. Trước đây, nhiều diện tích đất bị bỏ hoang, lãng phí thì nay được tận dụng để trồng Cỏ hoặc Ngô, có những địa phương thời tiết thuận lợi có thể sản xuất 1 năm 3 vụ cho hiệu quả kinh tế cao”, ông Nguyễn Tô Vũ, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Chăn nuôi Bình Hà chia sẻ.

Hàng chục nghìn con bò đang được nuôi quy mô lớn, áp dụng công nghệ cao trong hệ thống chuồng trại của công ty Bình Hà. Công ty đã nhập từ Úc về hai khu trại hơn 30.000 con bò thịt để nuôi vỗ béo, được chia đều cho 2 trại ở Cẩm Quan – Cẩm Xuyên và Kỳ hợp – Kỳ Anh. Tổng nguồn vốn đầu tư hơn 1.300 tỷ đồng. Công ty Bình Hà chăn nuôi bò bằng công nghệ vi sinh, không sử dụng các loại hóa chất nhằm tăng chất lượng và giá trị thịt, tạo ra sản phẩm thịt sạch không tồn dư các kháng sinh và hóa chất.

Ông Vũ cho biết, hiện nay, để phục vụ dự án, nhiều diện tích đất đã được giải phóng mặt bằng (GPMB), trong đó khoảng 80% là đất của công ty cao su vốn trước đây hoạt động không hiệu quả chuyển sang. Cụ thể, trong 1.036 ha đất đã được GPMB, thì đất của công ty cao su chuyển sang 870 ha và keo nguyên liệu. Ngoài ra còn đất thuộc khu bảo tồn và đất rừng từ người dân vùng dự án.

Trồng cỏ để cung cấp nguồn thức ăn cho bò

“Chúng tôi đang tiến tới nhập Bò nái về để có thể liên kết nuôi bò tại chuồng với bà con Nông dân Hà Tĩnh. Khi thực hiện được việc này sẽ mở ra cơ hội rất lớn cho người dân phát triển chăn nuôi bò công nghệ cao. Trong thời gian tới công ty cũng sẽ tiếp tục ưu tiên, tạo công ăn việc làm, đặc biệt là với người dân trong vùng dự ánđể góp phần ổn định cuộc sống và nâng cao thu nhập cho bà con địa phương”, ông Vũ cho biết.

Bên cạnh việc liên kết với người dân, công ty cũng chú trọng tham gia, hỗ trợ các hoạt động Văn hóa – Xã hội ở các địa phương vùng dự án ở cả hai huyện Cẩm Xuyên và Kỳ Anh. Công ty đã hỗ trợ các hoạt động thể thao, văn nghệ, hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa, xây dựng đường giao thông nông thôn, các công trình văn hóa trong quá trình thực hiện xây dựng Nông thôn mới. Những hành động thiết thực góp phần tăng cường mối liên kết, gắn bó vớingười dân địa phương của công ty này.

Tiến tới hoàn thiện các hạng mục bảo vệ môi trường

Dự án chăn nuôi bò của Công ty Bình Hà từ khi đầu tư vào Hà Tĩnh đã mang lại nhiều ý nghĩa trong phát triển kinh tế ngành nông nghiệp của địa phương này. Tuy nhiên, người dân, nhất lànhân dân trong vùng dự áncó nhiều lo ngại về vấn đề môi trường. Đặc biệt, việc xử lý như thế nào đối với một lượng chất thải rất lớn từ hàng chục ngàn con Bò để bảo vệ môi trường sinh thái, không làm ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh hoạt được người dân quanh đặc biệt quan tâm.

Dẫn chúng tôi đến khu vực xử lý phân, anh Hồ Thanh Tấn, trưởng trại bò của Công ty Bình Hà ở xã Cẩm Quan cho biết: “Bình thường nuôi hộ gia đình chỉ nuôi hai đến ba con Bò là mùi hôi thối nồng nặc rồi, nhưng ở đây chúng tôi nuôi mấy chục ngàn con nhưng đã được xử lý nên gần như không có tình trạng mùi thối như vậy”.

Hàng chục nghìn con bò đang được nuôi quy mô lớn, áp dụng công nghệ cao trong hệ thống chuồng trại của công ty Bình Hà

Rồi anh Tấn cùng các cán bộ kĩ thuật giải thích cho chúng tôi hiểu về quy trình xử lý phân như sau: Đối với phân thải bò, sau khi thu dọn chuồng công ty sử dụng các chế phẩm sinh học phân giải chất hữu cơ, phân giải lân, phân giải xenlulose, cố định đạm… gọi chung là nhóm đa Enzim, nhằm phân giải triệt để các thành phần có trong nước tiểu Bò, cũng như dư lượng Protein mà Bò không tiêu hóa hết, đây chính là những thành phần chính gây ra mùi hôi thối.

Phân bò sau khi thu gom từ chuồng về kho sẽ được phun Men xử lý lần 2, sau đó dùng máy chuyên dụng trộn đều và tiếp tục dùng máy phun áp suất phun bổ sung men một lần nữa. Phân sẽ được đánh luống khối hình thang, phun nhẹ một lớp men phủ ngoài luống, sau đó tủ kín bạt PE. Sau thời gian ủ từ 30-40 ngày sẽ đưa ra xay nghiền, đóng bao với công suất dây chuyền đạt 120 tấn/ngày. Phân bò vi sinh sau khi sản xuất ra Công ty sử dụng bón cho đồng cỏ, cung cấp cho các hộ dân liên kết để trồng Ngô và bán ra thị trường.

Các kỹ sư cho biết thêm, hiện nay toàn bộ các hố phân ngoài trời đã được được thu gom vào các kho chứa phân kiên cố. Hiện nay, tổng kho chứa phân của Công ty là 11 kho (Cẩm Xuyên 7 kho, Kỳ Anh 4 kho). Quá trình vận chuyển phân từ chuồng về kho chứa, Công ty đã xử lý xe vận chuyển, không chở đầy tránh rơi vãi ra trên đường.

Anh Tấn cũng cho biết, do áp lực tiến độ thi công của dự án nên Công ty phải vừa làm vừa hoàn thiện các hạng mục phân xưởng. Cho đến nay, hệ thống chuồng trại, đặc biệt các xưởng xử lý phân đã và đang được hoàn thiện xong. Tất cả phân sẽ hoàn toàn được xử lý theo đúng quy trình hiện đại, khép kín, không để thải ra môi trường.

Về hệ thống xứ lý nước thải, hiện nay công ty đã xây dựng thêm 4 hồ (mỗi vùng dự án 2 hồ) gồm 1 hồ chứa và một hồ lắng nước mưa chảy tràn. Nước thải dùng trong quá trình vệ sinh chuồng trại, máng thức ăn sẽ được xử lý qua 4 hồ lắng để đảm bảo yêu cầu, sau đó mới được máy bơm chuyển đến các hồ tưới nước cho các đồng cỏ.

“Trước đây, công ty đắp các đập tại các suối thượng nguồn của hồ Đá Hàn thì hiện nay Công ty đã khơi thông dòng chảy của các suối, không còn sử dụng nguồn nước của các suối đó. Hiện chúng tôi vẫn đang khó khăn về nguồn nước, đặc biệt là mùa Hè không đủ nước tưới tiêu cho đồng cỏ. Công ty đang xin kéo nước từ Hồ Kẻ Gỗ về để phục vụ tưới tiêu, và đã được cấp trên phê duyệt, tuy nhiên công tác giải phóng mặt bằng đang gặp nhiều khó khăn, nên cho đến nayvẫn chưa thực hiện được”, ông Nguyễn Tô Vũ, Tổng GĐ công ty Cổ phần chăn nuôi Bình Hà cho biết thêm.

Phân bò vi sinh sau khi sản xuất ra công ty sử dụng bón cho đồng cỏ, cung cấp cho các hộ dân liên kết để trồng ngô và bán ra thị trường.

Theo ông Vũ, công ty trồng Cỏ nguyên liệu phục vụ chăn nuôi, Công ty đang áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt của Isarel có ưu điểm tiết kiệm nước, sử dụng trong thời gian 7 năm nên hạn chế được những tác động về môi trường đất, nước. Do thời gian đầu Cỏ mới được trồng, các kết cấu đất chưa ổn định nên có dẫn đến nguồn nước xung quanh có hiện tượng đục. Tuy nhiên, khi bước vào năm thứ 2 trở đi, khi các kết cấu đất đã ổn định thì hiện tượng này sẽ hết.

“Trên đồng cỏ tuyệt đối không sử dụng các hóa chất như thuốc trừ sâu, thuốc diệt Cỏ mà chỉ sử dụng phân vi sinh sản xuất từ dây chuyển phân vi sinh của Công ty. Chúng tôi xây dựng đồng cỏ theo tiêu chuẩn Global GAP là bộ tiêu chuẩn về nông trại được công nhận Quốc tế dành cho việc thực hành sản xuất nông nghiệp tốt”, ông Vũ cho biết.

Trước đây, khi còn đang giai đoạn khảo sát, Công ty có phương án sẽ chăn nuôi một số lượng khá lớn đàn bò bằng cách thả dưới tán rừng. Tuy nhiên, sau đó tỉnh Hà Tĩnh đề xuất bỏ vì vùng dự án là khu vực đầu nguồn nên sẽ dẫn đến nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Và công ty cũng đồng tình, không áp dụng phương pháp này trong quá trình thực hiện dự án.

Khi được hỏi, chi phí dành cho môi trường rất lớn, vậy công ty giải quyết bài toán này như thế nào để vẫn đảm bảo sản xuất và vẫn có thể bảo vệ môi trường? ông Vũ cho biết: “Công ty chúng tôi đã và đang tiếp tục hoàn thiện Báo cáo đánh giá tác động môi trường giai đoạn 2. Hàng tuần, hàng tháng chúng tôi đón tiếp rất nhiều đoàn kiểm tra môi trường của các Sở ban ngành. Dù chi phí là rất lớn, nhưng công ty có thể chấp nhận thua lỗ 1, 2 thậm chí 3 năm để đầu tư cho môi trường. Vì chúng tôi đầu tư ở Hà Tĩnh lên tới 50 năm, Công ty phải chú trọng vấn đề này mới có thể phát triển sản xuất một cách bền vững, ổn định lâu dài”.

Mai Nguyễn 

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP