Lạch cạn trơ đáy, tàu thuyền mắc cạn
Những ngày đầu tháng 4 này, có mặt tại cảng cá Cửa Sót (xã Thạch Kim), PV báo Lao Động ghi nhận khi thủy triều rút, luồng lạch Cửa Sót gần như cạn trơ đáy, tàu thuyền ra vào rất khó khăn. Một số chủ tàu khi được hỏi đều cho biết, hiện nay, khu neo đậu tàu thuyền cơ bản được cải thiện kể từ khi có đơn vị nạo hút cát ở đây. Tuy nhiên, ở luồng lạch ra, vào thì vẫn rất khó khăn, do bị bồi lấp nghiêm trọng nhưng chưa được nạo vét.
Ông Bùi Tuấn Sơn – GĐ Cảng cá Hà Tĩnh – cho biết, trước tình trạng khu vực cảng cá Cửa Sót bị bồi lấp nghiêm trọng, tàu thuyền thường xuyên bị mắc cạn, sau khi xin chủ trương của cấp trên, tháng 7.2014, BQL Cảng cá Hà Tĩnh đồng ý cho Hợp tác xã (HTX) Hải Hà (đóng ở xã Thạch Kim) nạo hút cát ở khu neo đậu cảng Cửa Sót theo hình thức xã hội hóa. Kết quả, đến nay khu neo đậu tàu thuyền đã được hút cơ bản, tàu thuyền dễ neo đậu.
Tuy nhiên, do HTX Hải Hà chỉ được phép hút cát ở vùng neo đậu tàu thuyền có chiều rộng 250m, dài hơn 400m mà không được hút ở luồng lạch tàu thuyền ra, vào nên vẫn chưa giải quyết được vấn đề. Mà BQL Cảng thì không có thẩm quyền đồng ý cho hút ở luồng lạch, vì ngoài phạm vi quản lý của mình. “Về mặt thực tiễn nó không ý nghĩa, giống như anh làm sân mà không làm cổng vào” – ông Sơn nhìn nhận.
Phê duyệt 5 năm, dự án vẫn… trên giấy
Ngày 6.4, ông Lê Tiến Hải – Giám đốc HTX Hải Hà – cho biết, thực tế về mặt pháp lý, HTX của ông chưa được cấp phép nạo hút cát ở khu neo đậu cảng cá Cửa Sót. Tuy nhiên, do được đồng ý về chủ trương để “giải cứu” tàu thuyền mắc cạn ở khu neo đậu, nên ngày 24.7.2014, BQL Cảng cá Hà Tĩnh đã có biên bản đồng ý cho HTX Hải Hà nạo hút cát ở khu neo đậu cảng Cửa Sót bằng hình thức xã hội hóa. Doanh nghiệp được phép bán cát sau khi hút lên để bù chi phí xăng dầu, nhân công.
Ông Hải cũng thừa nhận thực trạng, do không được phép hút cát ở luồng lạch, nên hiện tàu thuyền vẫn rất khó khăn khi ra vào cảng. “Tháng 11.2015, tôi đã có đề xuất xin UBND tỉnh cho phép nạo hút ở luồng lạch, nhưng đến nay vẫn chưa có quyết định. Chúng tôi chỉ cần hỗ trợ một phần kinh phí và sẵn sàng mua sắm thêm máy móc để nạo vét quy mô lớn, giải quyết dứt điểm tình trạng tàu thuyền mắc cạn ở đây” – ông Hải nói.
Ông Biện Ngọc Cường – PCT UBND xã Thạch Kim – cho biết, hiện nay việc tàu thuyền ra vào ở lạch Cửa Sót vẫn còn khó khăn do bị mặc cạn. “Việc HTX Hải Hà hút cát chỉ giải quyết trước mắt được nơi neo đậu. Về lâu về dài, chúng tôi tha thiết mong muốn có dự án của WB5, hoặc bằng xã hội hóa để triển khai tập trung nạo vét, mang lại hiệu quả” – ông Cường nói.
Ông Hà Văn Trà – Phó BQL các dự án ODA ngành nông nghiệp Hà Tĩnh – GĐ Dự án nạo vét và chỉnh trị luồng vào neo đậu tránh trú bão cảng Cửa Sót – cho biết, từ năm 2011, Ngân hàng thế giới (WB5) đã đồng ý giải ngân 282 tỉ đồng để thực hiện giai đoạn 1 nâng cấp tuyến đê Phúc Long Nhượng (huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) và giai đoạn 2 thực hiện nạo vét lạch Cửa Sót.
Tháng 6.2012, dự án nạo vét lạch Cửa Sót được phê duyệt với tổng nguồn vốn 144,9 tỉ đồng gồm các hạng mục nạo vét lạch, xây kè chỉnh trị, xây cầu và làm đường cứu hộ cứu nạn. Tuy nhiên, khi thực hiện giai đoạn 1 nâng cấp tuyến đê Phúc Long Nhượng thì đã giải ngân hết 204 tỉ đồng trong tổng số 282 tỉ, chỉ còn lại 78 tỉ nên chưa thể triển khai dự án nạo vét lạch Cửa Sót. Do tính bức thiết của dự án, năm 2014, các ban ngành đã đồng ý triển khai dự án với hạng mục nạo vét và xây kè chỉnh trị chống bồi lắng với tổng số vốn hơn 70 tỉ đồng. Hiện dự án đang tổ chức đấu thầu. Dự kiến khoảng 2 tháng nữa sẽ triển khai nạo vét.
Sà lan hút cát của HTX Hải Hà chỉ được phép hút ở khu neo đậu, nên chưa giải quyết được tình trạng luồng lạch bị bồi lấp. Ảnh: Trần Tuấn |
Clip luồng lạch ở cảng Cửa Sót bị bồi lấp, tàu thuyền mắc cạn
Trần Tuấn