Thông thường, việc xây những cầu treo, cầu dân sinh tại các vùng nông thôn là do địa phương bố trí ngân sách và triển khai thực hiện. Tuy nhiên, đặt sự an toàn của người dân trên hết, với tinh thần trách nhiệm cao, lãnh đạo Bộ GTVT đã khẩn cấp yêu cầu rà soát lại toàn bộ các cầu treo trên cả nước. Bên cạnh đó, Bộ đã báo cáo Chính phủ và lập đề án khảo sát xây dựng 186 cầu treo khẩn cấp bằng vốn ngân sách để người dân đi lại an toàn.
Tại Hà Tĩnh, sau khi khảo sát địa bàn, Bộ GTVT đã phê duyệt xây dựng 4 chiếc cầu. Hai cái ở huyện Vũ Quang là cầu Khe Tây (xã Sơn Thọ) và cầu chợ Quánh (xã Hương Thọ); Ở Hương Khê có hai cái là cầu MaKa (xã Hương Giang) và cầu xóm 6 xã Hương Lâm.
Sau khi nhận được thông báo Bộ GTVT sẽ triển khai khảo sát địa bàn, toàn dân 2 huyện Vũ Quang và Hương Khê đều vui mừng khôn xiết. Tuy nhiên, trái với ý nghĩa nhân văn ban đầu, khi cầu xây xong đã xuất hiện nhiều ý kiến không thuận lòng dân. Trong đó, điển hình là một số vấn đề gây bức xúc cho dư luận cả nước liên quan đến cầu Khe Tây, xã Sơn Thọ, huyện Vũ Quang mà báo chí đã phản ánh.
Thời gian vừa qua, hẳn không ai còn lại với câu chuyện xảy ra tại cầu Khe Tây, xã Sơn Thọ, một trong 4 cây cầu thuộc dự án. Cầu treo dân sinh này còn được biết đên với những tên gọi khác: Cầu “quan”, cầu “ông Hội”… Vì thực tế, cây cầu này chạy thẳng vào nhà ông quan xã. Kéo theo đó là 19 hộ dân nằm trong danh sách được hưởng lợi theo “báo cáo’’.
Anh Nguyễn Quảng Hồng (37 tuổi), một hộ dân từng sống bên cầu Khe Tây bức xúc nói: “Hiện, con đường để đi lại, ra đến điểm cầu treo Khe Tây của những hộ dân này chưa được thông suốt. Muốn đến được đó, 19 hộ dân này phải treo đèo, lội suối, phát rừng để lên cầu. Không biết đến bao giờ có đường để đi được đến đó. Nghe đâu, phải mất 6 tỷ mới làm được đường để đi đến cầu”.
Ngoài cầu Khe Tây, tại Hà Tĩnh còn có 3 cây cầu khác thuộc dự án “Nhịp cầu Yêu thương”. Tại huyện Hương Khê (Hà Tĩnh), 2 cây cầu nằm trong dự án này cũng đã bắt đầu được đưa vào sử dụng.
Đến địa bàn xã Hương Giang, huyện Hương Khê, nơi có cầu MaKa vừa được đưa vào sử dụng, chúng tôi thấy được phần nào những vui mừng của bà con nhân dân nơi đây bởi nó đáp ứng được những mong mỏi về một cây cầu qua suối, qua sông mỗi mùa mưa lũ về. Tuy nhiên, bên cạnh niềm vui mừng, rất nhiều người dân phản ánh về những bất cập xung quanh cây cầu mới được xây dựng này.
Cầu MaKa quá hẹp, tải trọng thấp không đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế của người dân địa phương
Qua tìm hiểu được biết, cầu MaKa được khởi công xây dựng vào cuối tháng 2 và hoàn thành vào cuối tháng 5 với chi phí 2,8 tỷ đồng. Tất cả các khâu khảo sát, thiết kế, thi công đều do Bộ thực hiện.
Ngày cây cầu được khởi công bà con nhân dân rất phấn khởi, bởi từ nay hoạt động sản xuất nông nghiệp sẽ bớt khó khăn hơn. Mùa gieo vại không lo chậm thì vụ vì nước lũ dâng cao không thể đi tới đồng ruộng được.
Anh Bùi Đình Giang (SN 1966), ở xóm 6, xã Hương Giang, huyện Hương Khê cho biết: “Cầu MaKa được hoàn thành và đưa vào sử dụng, người dân chúng tôi hết sức vui mừng. Cầu phục vụ chủ yếu cho vấn đề đi lại, làm ruộng, dân sinh rồi sinh hoạt của người dân trong xã. Ngoài ra có khoảng 2 – 3 chục hộ dân ở bên kia cầu cũng đi qua về lại và con em đến trường. Người dân đi lại trên cầu chủ yếu là đi bộ, xe máy còn xe kéo thì không. Nếu như các phương tiện tránh nhau trên cầu thì hoàn toàn không tránh được. Mong muốn của dân vẫn là muốn có cây cầu cứng hơn”.
Tuy nhiên, ngoài những niềm phấn khởi, khi cây cầu được hoàn thành và đưa vào sử dụng, phần lớn người dân nơi đây vẫn tỏ ra hụt hẫng. Họ cho rằng cây cầu quá nhỏ, trâu bò, xe cộ gặp khó khăn khi di chuyển trên cầu.
Được biết, người dân sinh sống tại địa bàn xã Hương Giang chủ yếu nhờ vào nông nghiệp nên tất cả các phương tiện đi lại qua cầu chủ yếu là các loại xe bò kéo, các phương tiện phục vụ nông nghiệp, trong khi tải trọng của cây cầu mới này chỉ được 5 tạ.
Trao đổi với chúng tôi, anh Lê Văn Hạnh, người dân xóm 6, xã Hương Giang (huyện Hương Khê) chia sẻ: “Lúc nghe tin dự án xây cầu, chúng tôi rất phấn khởi nhưng lúc cầu hoàn thành thì hụt hẫng và thất vọng quá. Chúng tôi cứ nghĩ cầu sẽ là cầu cứng, xe cộ, phương tiện sản xuất đều có thể qua được, chứ cầu treo với tải trọng 5 tạ thì làm sao đi qua được. Trâu, bò nó còn sợ không dám qua”.
Theo quan sát thực tế của chúng tôi, cầu treo MaKa được đặt tại trục giao thông chính, nối liền xã Hương Giang đi lên thị trấn Hương Khê và huyện Phúc Trạch. Cầu đã được đưa vào sử dụng, tuy nhiên chưa có biển hiệu tên và tải trọng. Bề mặt cầu được làm theo kiểu rảnh sưa, diện tích khá hẹp. Nếu có 2 phương tiện xe máy qua lại trên cầu thì không thể tránh được do vướng, còn phương tiện sản xuất nông nghiệp như xe kéo, xe bò thì rất khó khăn khi di chuyển qua. Phần lớn người dân cho rằng, cây cầu treo mới xây này phù hợp với những vùng sâu, vùng xa hơn.
Ông Phan Ngọc Hạnh (SN 1964), Xóm trưởng xóm 6, xã Hương Giang, huyện Hương Khê cho biết: “Cầu MaKa là cầu được xây dựng theo dự án dân sinh. Khi có dự án xây cầu thì người dân ai cũng mừng, bởi sau bao năm sản xuất nông nghiệp, đi dưới khe suối rất vất vả. Tuy nhiên, sau khi thi công xong cầu thì dân lại buồn, bởi, cầu mới này chỉ có phương tiện xe máy đi trên còn các phương tiện sản xuất, trâu bò, xe cộ thì không bao giờ đi được bởi cầu quá hẹp. Và nhất là mặt cầu làm thưa nên trâu, bò không dám đi”.
Ông Phan Ngọc Hạnh: “Tưởng vui nhưng hóa ra xây cầu xong người dân lại buồn”
“Khi nghe tin về dự án xây cầu, người dân tưởng rằng đây là cây cầu to, chứ không ngờ là cây cầu treo. Cây cầu này chỉ phù hợp với vùng hẻo lánh, vùng sâu vùng xa của dân tộc nên đặt cây cầu ở đây là không hợp lý. Cầu này nên là cầu cứng vì đây là một trục giao thông chính, nối liền với đường lên thị trấn, rất đông người dân qua lại. Giờ để di chuyển qua lại sản xuất thì dân chỉ dùng xe kéo, xe lôi còn xe lốp có trâu bò kéo thì không đi được. Đặc biệt, con đường chọc thẳng vào mỏ neo, còn lối ra của cầu chọc thẳng vào cột điện. Chúng tôi cũng đã có ý kiến lên xã về việc dời cột điện để tránh trường hợp người dân di chuyển với tốc độ nhanh, đâm vào cột điện dễ xảy ra tai nạn. Từ đó, mới có một nghịch lý là dù đã có cầu nhưng người dân vẫn phải vòng dưới khe để đi”, ông Hạnh cho biết thêm.
Liên quan đến vấn đề trên, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Phan Đình Hùng, Chủ tịch UBND xã Hương Giang (huyện Hương Khê). Ông Hùng cho biết: “Cầu MaKa thuộc địa bàn xóm 6 quản lý, đi qua trục đường liên xóm của xã. Về mặt chủ trương đầu tư, đây là hoạt động đúng đắn, toại nguyện với nguyện vọng của người dân. Trước đây có một câu cầu là dân tự làm, tuy nhiên do quá trình lũ lụt dẫn đến hư hỏng nhiều năm. Đến đợt lũ năm 2010 thì cầu hư hỏng hoàn toàn, xã cũng đã kêu gọi đầu tư rất nhiều, đặc biệt là sự quan tâm của huyện, tỉnh. Sau khi có chủ trương, dự án làm cầu MaKa theo hình thức bắc cầu treo vượt lũ. Sau đó, đoàn tư vấn, Sở GTVT Hà Tĩnh về kiểm tra, xét thấy điều kiện Hương Giang là làm được cầu treo vì không ngập lụt sâu mà vượt được lũ”.
Cũng theo ông Hùng, sau khi tiến hành làm cầu, xã chỉ chịu trách nhiệm xử lý mặt bằng, an ninh trên địa bàn để đơn vị thi công làm việc. Người dân hoàn toàn đồng tình, hiến đất để làm cầu. Khi cầu hoàn thành, một số người dân có phản ánh. Sau khi kiểm tra, xã xét thấy cầu này hợp lý với vấn đề dân sinh, đi lại nhưng chưa hợp lý với vấn đề phát triển kinh tế xã hội bởi lẽ cầu hơi nhỏ, tải trọng cầu ít ( khoảng 5 tấn). Cầu chủ yếu xây hoàn toàn bằng sắt, không đổ bê tông nên vấn đề nhân dân sản xuất, đi lại, đặc biệt là ô tô không thể di chuyển được nên phục vụ chủ yếu là đi bộ, phương tiện thô sơ như xe máy, xe đạp.
“Để thuận lợi cho phát triển kinh tế – xã hội sâu rộng và lâu dài, thì cần phải làm thêm một cái tràn ở phía dưới nữa”, ông Hùng nói thêm.
Ngoài những bất cập về vị trí xây dựng cầu không hợp lòng dân, tại cây cầu treo Ma Ka, xã Hương Giang đã xuất hiện tình trạng sụt lún. Theo quan sát của chúng tôi, hai bên chân cầu, những khối bê tông vỡ ra, sụt lún sâu thấy được cả nền đất cát phía dưới. Hai bên mố cầu, những đường nứt theo đá móng, tạo ra những đường rạn chạy thẳng xuống hầm cầu. Trước tình trạng này, người dân hết sức lo ngại về chất lượng của cây cầu này. “Dưới không làm móng, chỉ kè đá hai bên, nếu lấy que chọt vào thành kè là vữa đã vỡ ra rồi. Giờ chưa đến mùa thì chưa thấy, chứ lụt là sẽ trôi ngay”, anh Trần Văn Tùng (SN 1985), sống ở bên cầu và cũng là công an xã Hương Giang cho biết
Về vấn đề này, ông Phan Đình Hùng, cho biết, hiện tại cầu đã xong nhưng chưa thấy nghiệm thu, bàn giao cho địa phương. Và, xã cũng không biết đơn vị nào thi công, giám sát. Địa phương chỉ được làm việc một lần với bên sở về vấn đề giải phóng mặt bằng và đảm bảo an ninh trên địa bàn.
Trao đổi qua điện thoại với ông Phan Văn Trung, Giám đốc Ban QLDA phát triển vốn giao thông và sự nghiệp (Sở GTVT) thì được biết: “Bên đơn vị đã nắm được vấn đề này, nhưng công trình đang trong giai đoạn bảo hành. Sự việc này không trả lời với cơ quan báo chí được vì phải theo trình tự (?!)”.
Vẫn biết, dự án “Nhịp cầu yêu thương’’ mang đậm tính nhân văn, thực sự có ý nghĩa với cuộc sống của những người dân vùng lũ. Tuy nhiên, giá như đề án hiểu được tâm tư nguyện vọng của bà con, thì những niềm vui đó sẽ thực sự trọn vẹn, dân không phải trong tình trạng cầu khởi công thì vui mừng nhưng hoàn thành thì hụt hẫng.
Kỳ 2: Dự án cầu treo Hà Tĩnh 2: Cầu xây dựng chỉ để… trưng bày?
Linh Chi – Anh Ngọc
Người Đưa Tin