Nhà máy đạm Ninh Bình được đầu tư xây dựng năm 2008, trong khu công nghiệp Khánh Phú (xã Khánh Phú, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình) với tổng số vốn 667 triệu USD (hơn 12.000 tỷ đồng). Nhà máy đi vào hoạt động năm 2012.
Chủ đầu tư nhà máy là Tập đoàn hóa chất Việt Nam – Vinachem. Tổng thầu là một công ty của Trung Quốc. Khi đi vào hoạt động, nhà máy được kỳ vọng sẽ cung cấp phân bón cho toàn bộ khu vực sông Hồng và các tỉnh phía Bắc với công suất đạt 560.000 tấn ure mỗi năm.
Tuy nhiên, ngay năm đầu tiên đi vào hoạt động, nhà máy này đã thua lỗ 75 tỷ đồng. Tổng lỗ lũy kế từ năm 2012 đến đầu năm 2016 đã trên 2.000 tỷ đồng.
Lãnh đạo công ty TNHH MTV đạm Ninh Bình cho biết, nguyên nhân thua lỗ do chi phí sản xuất quá cao, giá ure trên thị trường liên tục giảm. Đặc biệt các thiết bị máy móc nhập khẩu từ Trung Quốc chất lượng trung bình nên thường xuyên xảy ra sự cố và tốn rất nhiều chi phí sửa chữa. Nhà máy cũng luôn trong tình trạng ngập nước vì mặt bằng thấp.
Từ tháng 3/2016, nhà máy ngừng hoạt động để sửa chữa máy móc và bán hàng tồn kho, 400 công nhân nhà máy phải nghỉ việc. Tháng 8/2016, dù hoạt động trở lại nhưng công suất sản xuất chỉ đạt 60% nên hàng trăm công nhân nhà máy vẫn chưa có việc làm.
Cửa chính, cửa phụ ra vào nhà máy được khóa chặt, thường xuyên đóng im lìm.
Nhiều kho, bến bãi, dây chuyền sản xuất nhiều tháng nay không được khởi động.
UBND tỉnh Ninh Bình từng có văn bản đề nghị Chính phủ “cứu” nhà máy. Tuy nhiên, khả năng để nhà máy hoạt động trở lại là khó bởi dây chuyền sản xuất do Trung Quốc sản xuất thường xuyên hư hỏng, tiền sửa chữa bảo dưỡng tốn kém dẫn đến chi phí sản xuất cao, chưa kể đạm sản xuất ra không tiêu thụ được.
Bến cảng không còn tàu thuyền ra vào nhập nguyên liệu và chở đạm đi tiêu thụ như trước kia.
Khu vực cảng được đặt biển cấm nhưng cũng không ai nhòm ngó đến. Bộ Công Thương cho biết đang tiến hành thanh tra và sắp có báo cáo kết luận với Thủ tướng xem xét trách nhiệm cụ thể về dự án nghìn tỷ thua lỗ này.
Hai băng chuyền nối giữa nhà máy với cầu cảng Ninh Bình để chuyển hàng hóa và bốc than vào lò đốt ngưng hoạt động.
Con đường phía dưới băng chuyền than đen sạm, mỗi lần xe chạy qua cám than bay mù mịt.
Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, để khắc phục hậu quả của dự án cần có những nghiên cứu thấu đáo, xem xét, đánh giá thật kỹ lưỡng, cụ thể tính chất khả thi trong các phương án xử lý. Hướng giải quyết cho 700 lao động của nhà máy, ông Tuấn Anh cho hay, phải được xem xét trong khuôn khổ tổng thể dự án và nguyên tắc đảm bảo tối đa vốn Nhà nước. Bộ Công thương cũng sẽ xem xét làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan tới dự án chục nghìn tỷ đồng này.
Phương Vy – Lê Hoàng